Theo các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, Cao Lỗ là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê ông ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Cuộc đời của ông gắn liền với sự hình thành và tồn tại của quốc gia Âu Lạc. Vào thế kỷ III trước Công nguyên, quốc gia Âu Lạc được hình thành trên cơ sở sát nhập, thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt. Thục Phán chính thức lên ngôi vua xưng là An Dương Vương và đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Quốc gia Âu Lạc được thành lập là sự kế thừa và phát triển cao hơn, trên cơ sở của Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương.
Theo Thần tích làng Đại Than, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì khi An Dương Vương dựng nước Âu Lạc gặp muôn vàn khó khăn nên đã ra sức cầu người hiền tài. Biết tin đó, Cao Lỗ quyết mang tài năng ra giúp nước. An Dương Vương cùng Cao Lỗ lặn lội ngày đêm đi khắp đất nước tìm chỗ định đô và đã xây dựng kinh đô Cổ Loa. Nhà vua tin tưởng giao cho Cao Lỗ toàn quyền công việc chỉ huy quân đội và xây đắp thành lũy. Ròng rã suốt ba năm trời, ông đã cùng nhân dân và quân sĩ đào hào, gánh đất xây thành. Thành xây xong, ông lại được vua giao cho chế nỏ thần.
Việc xây thành Cổ Loa, rùa Kim Quy giúp xây thành cũng như người sáng chế ra nỏ thần được nhà sử học Ngô Thì Sĩ viết trong sách Việt sử tiêu án (thế kỷ 18) như: Nửa tháng thì xây xong thành, Kim Quy cáo từ đi. Vua cảm tạ và xin cho được cách gì để chống ngoại xâm, Kim Quy trút cái móng trao cho nhà vua và nói: Nước an hay nguy sẵn có thiên số, ngươi cũng phải phòng bị, nếu có địch đến thì hãy lấy cái móng này làm cái lẫy nỏ, hướng về địch mà bắn, thì không sợ gì cả. Vua sai bày tôi là Cao Lỗ chế ra cái nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ, gọi là Linh quang kim trảo thần nỗ”.
Vào năm 206 trước Công nguyên, nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà đang làm Úy quận Nam Hải (vùng đất Quảng Đông, Trung Quốc) chiếm cứ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, lập ra nước Nam Việt. Vào năm 210 trước Công nguyên, khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà tiến hành xâm lược Âu Lạc.
Lực lượng quân sự nước Âu Lạc lúc đó khá hùng mạnh, bao gồm cả quân bộ và quân thủy, được trang bị chiến thuyền và nhiều loại vũ khí, tiêu biểu hơn hết là các loại vũ khí cung nỏ. Theo Việt sử lược của Trần Trọng Kim(thế kỷ 14), Cao Lỗ “dạy được một vạn quân lính”, lại “làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên”. Hàng ngày, Cao Lỗ huấn luyện cho binh sĩ tập bắn cung nỏ. An Dương Vương thường xem tập bắn tên trước Ngự xạ đài.
Khi quân Triệu Đà xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ “liên châu” bắn ra như mưa, thây giặc chết đầy nội. Thư tịch cổ Trung Quốc đã xác nhận tài dùng nỏ nổi tiếng của quân đội Âu Lạc và ghi chép như: “mỗi phát giết được ba trăm người” (Giao châu ngoại vực ký), “bắn một phát giết hàng vạn người, bắn ba phát giết đến ba vạn người” (Nam Việt chí), “một phát tên đồng xuyên qua hơn ba chục người” (Việt kiệu thư)… Giặc kinh hoàng vì những làn tên kỳ lạ; những tên sống sót ôm đầu trốn chạy. Triệu Đà hết sức kinh hãi thốt ra hai tiếng “Nỏ thần” càng khiến cho lũ tàn binh bủn rủn chân tay; giặc phải rút lui. Sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 14)viết: “Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn cầm cự, không dám đối chiến”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15)chép: “Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy… Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh”.
Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà buổi đầu thắng lợi, quân Triệu Đà bị chặn đánh ở vùng sông Cầu, bắc sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Xâm lược bằng vũ lực không được, Triệu Đà chuyển sang dùng mưu kế, vừa giảng hòa, kết quan hệ hôn nhân (Trọng Thủy lấy Mỵ Châu và ở rể tại kinh thành Cổ Loa), vừa lợi dụng cơ hội đánh cắp “nỏ thần” tức các bí mật quân sự, sự bố phòng của đô thành, rồi bất ngờ tấn công. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà của Thục phán An Dương Vương bị thất bại.
Chuyện nỏ thần và cuộc kháng chiến chống Triệu Đà đã được ghi chép nhiều trong sử sách. Riêng chuyện Cao Lỗ chế tạo nỏ “liên châu” thì phần nhiều được phản ánh qua truyền thuyết dân gian đượm màu thần thoại. Ngày nay dưới ánh sáng của khoa học, trong đó có cả những thành tựu của Khảo cổ học, người ta đã giải mã được rất nhiều vấn đề, từng bước vén được bức màn huyền thoại về nỏ thần của Cao Lỗ.
Các nhà khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng xác thực với việc phát hiện chiếc lẫy nỏ ở một số di chỉ như: Làng Vạc (Nghệ An), Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và hàng vạn mũi tên đồng được khai quật ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Đặc biệt, là hai chiếc lẫy nỏ và những mũi tên đồng trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất.
Hai chiếc lẫy nỏ trong phần trưng bày đều được phát hiện ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội có niên đại cách ngày nay khoảng 2500 – 2000 năm. Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ “liên châu”; bởi thế nó đã được thần thoại hóa. Trong truyền thuyết, lẫy nỏ làm bằng móng rùa thần nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể rùa là con vật linh thiêng được cư dân Việt cổ tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí “bảo bối” của mình nhằm làm tăng thêm sự thần kỳ của vũ khí ấy. Trên thực tế, lẫy có thể được chế bằng đồng, bằng sừng hoặc gỗ cứng, có thể hình dạng của nó gần như móng rùa.
Lẫy nỏ có cấu tạo gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ, như: hộp lẫy rỗng hình chữ nhật, một đầu vát, miệng hộp có rãnh để đặt tên và khấc để giữ dây cung; lẫy cong để tiện bóp cò; hai bộ phận còn lại là hai thanh đồng dùng để đưa dây cung vào khấc hãm. Được cấu tạo với nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là “liên cơ” (liên có nghĩa là liên hoàn, cơ là cơ quan, bộ phận hay là máy). Làm sao để khi căng dây nỏ lên, cài nó lại và cứ để thế. Khi bắn thì dùng ngón tay kéo lùi nút lẫy để dây bật, đẩy tung những cánh tên lao như gió cuốn. Chính điều đó đã thể hiện những chiếc lẫy nỏ bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn đã đạt đến trình độ cao về cơ học và ông cha ta thời kỳ đó mà người đại diện là Cao Lỗ đã có trình độ sáng chế kỹ thuật quân sự rất đáng kính nể.
Mũi tên đồng và lẫy nỏ trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong hai chiếc lẫy nỏ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một chiếc lẫy nỏ có kích thước khá nhỏ, có lẽ đây là đồ minh khí được khai quật trong ngôi mộ với quan niệm người chết cần sử dụng công cụ, vũ khí như người đang sống. Và chắc hẳn chủ nhân của ngôi mộ là người có địa vị trong xã hội lúc bấy giờ. Qua đó cho thấy, lẫy nỏ không chỉ là vũ khí quan trọng trong chiến đấu mà có thể còn được sử dụng trong phương thức mai táng.
Bên cạnh đó, vào năm 1959 tại di chỉ khảo cổ học Cầu Vực, phía Nam thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) các nhà khảo cổ học đã phát hiện một kho mũi tên đồng với số lượng lên tới hàng vạn chiếc, niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 - 2.000 năm. Mũi tên đồng Cổ Loa có đặc điểm: phần mũi hình tháp 3 cạnh, cánh sắc, thẳng hoặc hơi cong lồi, phần chuôi dài với tính năng giảm lực ma sát, giữ được thế cân bằng trong khi bay, đường bay ổn định đảm bảo độ chính xác tới đích bắn. Với hình dáng mũi tên 3 cạnh có tác dụng tạo độ xuyên thủng lớn, tạo ngay vết thương hở khi cắm vào mục tiêu. Theo truyền thuyết, những mũi tên này được phóng ra hàng loạt bằng hệ thống nỏ “liên châu” của tướng quân Cao Lỗ, khiến uy lực của mũi tên đồng Cổ Loa tăng lên gấp bội. Với tính năng thực tế này mà mũi tên đồng đã trở thành nguồn gốc và cốt lõi của truyền thuyết “Nỏ thần” mà cho đến ngày nay còn in đậm trong ký ức của nhân dân Việt Nam về cách đánh, về nghệ thuật quân sự của cư dân Văn Lang - Âu Lạc buổi đầu dựng nước.
Lẫy nỏ Cổ Loa trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Gần đây, nhóm nghiên cứu cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với các nghệ nhân ở Hòa Bình đã thực hiện đề tài khoa học, nghiên cứu, phục dựng thành công bước đầu chiếc nỏ kiểu Cao Lỗ sáng chế, góp phần giải mã được kỹ thuật chế tạo nỏ Liên Châu thời An Dương Vương. Để kết quả đưa ra có tính logic và thuyết phục, đề tài đã dựa trên các nguồn sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và Champa, các hình vẽ, phù điêu ở trên tường những ngôi mộ cổ, ở Ăngko-vát, tư liệu dân tộc học… Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận, như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Chiếc nỏ “liên châu” mới chế tạo tuy chưa được hoàn hảo như nỏ thần ngày xưa (như quy mô còn nhỏ, bắn mỗi phát mới được 5 mũi tên, cánh nỏ chưa dài và cứng, tên phóng chưa xa, uy lực chưa lớn…); nhưng qua đó cũng chứng tỏ những huyền thoại về nỏ thần do Cao Lỗ chế tạo là có cơ sở thực tế đáng tin cậy. Nỏ “liên châu” (tức loại nỏ mỗi phát bắn được nhiều mũi tên, gây sát thương lớn) là thứ binh khí có thực, có thể phục dựng được.
Cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự nghiên cứu, phục dựng nỏ đồng.
Qua những thông tin từ truyền thuyết, từ tài liệu lịch sử và hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: lẫy nỏ, mũi tên đồng… mặc dù những chiếc lẫy nỏ được phát hiện tuy số lượng không nhiều nhưng đã cho thấy việc chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ “liên châu” là một trong những cống hiến lớn nhất của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp giữ nước thời An Dương Vương. Với công lao to lớn, rất nhiều nơi lập đền thờ và tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ, ghi khắc công lao của ông. Đặc biệt, ở quê hương lễ hội tưởng nhớ đến ông được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm - ngày sinh của Cao Lỗ vương. Hơn nữa, đền thờ ông tại làng Đại Trung, đình làng Tiểu Than và lăng mộ Cao Lỗ vương đều được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Điều đó thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết gắn bó bền chặt của người Việt trong buổi đầu dựng nước./.
Nguyễn Thị Thu Hoan
Phạm Thị Huyền