Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/08/2014 16:05 3003
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Người Êđê là cư dân có mặt từ lâu đời ở miền Trung Tây Nguyên nước ta. Cho đến nay, cộng đồng người Êđê vẫn còn một xã hội đang tồn tại những truyền thống mang đậm nét chế độ mẫu hệ. Người Êđê có nền văn hóa phong phú độc đáo, một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào dân tộc Êđê là tục “Lễ cúng Bến nước”, lễ được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng đoàn kết, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê.

Những người đứng đầu buôn làng hay còn gọi là chủ bến nước thì được tổ chức lễ cúng. Buổi lễ cúng Bến nước thường diễn ra như là ngày hội của buôn làng. Để chuẩn bị cho Lễ cúng Bến nước, nhiều ngày trước đó, già làng (trưởng buôn), đã thông báo, họp bàn với dân làng về công tác tổ chức, mỗi người được giao một phần việc cụ thể: Thanh niên trai tráng thì được giao làm vệ sinh bến nước và sửa đường vào bến nước; phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm; từng thành viên trong buôn đều đóng góp sức người, sức của.

Theo phong tục, lễ vật cúng thần bến nước gồm có thịt heo đực đen có đốm trắng trên đầu và những ché rượu cần. Tại bến nước, người Êđê dựng cái cổng bằng tre lô ô để báo cho mọi người biết ngày tổ chức lễ cúng (không được lấy nước tại bến trong lúc cúng lễ).Lễ cúng bến nướcđược diễn ra trong ba ngày.

Người dân Êđê đưa lễ vật ra suối để làm Lễ cúng Bến nước.

Ngày thứ nhất: Cúng tại gia đình nhà chủ Bến nước và ở ngoài bến nước.

Trong ngày diễn ra Lễ cúng Bến nước, ngay từ sáng sớm người dân trong buôn làng đã tập trung đông đủ tại nhà chủ Bến nước. Những chàng trai khỏe mạnh thì chuẩn bị các lễ vật, các thiếu nữ và người già lo việc bếp núc. Lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ là có một con heo đực đen, 9 ché rượu cần được buộc vào các cột thành một hàng dọc ở giữa gian khách của ngôi nhà dài (trong đó có 3 ché dùng để cúng ở bến nước, 3 ché cúng cho chủ nhà và 3 ché dùng để đãi khách gần xa); thịt heo được thái nhỏ bày thành 5 món đựng vào nia; trầu cau, gạo, cơm xôi, thuốc bày bên các ché rượu cần; tiết heo có pha chút rượu được đựng vào chén đồng. Khi chiêng ngân vang gọi bài gọi Yàng (gọi Trời) thì cũng là lúc những chàng trai khỏe mạnh trong buôn cầm ống nước bằng tre lần lượt đổ vào các ché rượu cần để mời Yàng và ông bà tổ tiên về uống rượu chứng kiến buôn làng làm Lễ cúng Bến nước.

Già làng đang làm Lễ cúng thần nước.

Khi lễ vật tại gia đình nhà chủ bến nước đã chuẩn bị xong, thầy cúng tay cầm một tô tiết heo có pha rượu, 5 gói thịt heo thái nhỏ đựng trong nia và một chai rượu đi trước, theo sau là già làng tay cầm khiên, đao, chít khăn đỏ để bảo vệ thầy cúng; nối tiếp là 5 cô gái mặc trang phục truyền thống, gùi những quả bầu khô cùng 5 người con trai vác theo các ống nước bằng tre cùng ra bến nước để làm lễ tại bến nước.

Tại bến nước, lễ vật được bày ra, thầy cúng đọc lời khấn: “Hỡi các thần linh ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Hôm nay chúng tôi cúng Bến nước, xin thần nước bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, nước luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin tổ tiên, thần nước phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu thảo hiền, mọi người trong buôn khi uống từ nguồn nước này đều khỏe mạnh như con voi rừng, mùa màng, lúa, bắp đầy kho, nhà nhà no đủ…”. Lời khấn của vị thầy cúng âm vang cả núi rừng. Ba chàng trai nhảy múa ở bến nước thể hiện sức mạnh, hòa cùng với tiếng chiêng vang lên từng hồi. Khấn đất trời xong thầy cúng mang rượu cần và bát tiết heo đổ xuống dòng nước để mời thần linh uống rượu. Cúng xong, thầy cúng cầm khiên, đao, chọc vào dòng nước với ngụ ý xua đuổi cái xấu đi để nguồn nước được trong lành, không bao giờ cạn và luôn được thông suốt.

Sau đó các cô gái, các chàng trai mang những quả bầu khô và ống tre hứng những giọt nước mát lành dưới bến mang về phân phát cho người dân trong buôn làng để lấy lộc. Tiếp đó là đến nhà chủ bến nước tiếp tục đổ vào các ché rượu cho thật đầy rồi mời bà con họ hàng cùng khách quý uống rượu chung vui đến hết ngày.

Nghi thức té nước trong Lễ cúng Bến nước của người Êđê.

Ngày thứ hai: Cấm buôn.

Lễ vật bao gồm: một con gà trống trắng; một ché rượu, sợi chỉ bông, gạo, đèn cầy. Công tác chuẩn bị và nghi lễ đều được diễn ra tại cổng làng.

Già làng (trưởng làng) gọi mọi người ở trong buôn tới nhà chủ bến nước. Hai bên cửa nhà chủ bến nước treo sợi chỉ hồng, lồng gà và vòng Kông làm bằng tre. Đường vào buôn làng sẽ có cây chắn ngang, buộc các sợi dây treo như sợi chỉ hồng, lông gà,… để báo cho khách xa được biết là hôm nay trong buôn làng có việc, cấm người lạ vào buôn. Trong ngày này mọi sinh hoạt của người dân trong buôn làng như gùi nước, chẻ củi, giặt giũ… đều bị cấm. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt uống rượu ba ngày và hút một điếu thuốc. Thầy cúng đọc bài cúng hòa với tiếng chiêng, cúng xong thầy cúng cầm chai rượu trao cho chủ bến nước (chủ nhà) uống, rồi đến bà con dân làng theo thứ tự nữ uống trước, nam uống sau. Sau đó thầy cúng phát gạo, sợi chỉ hồng cho các gia đình trong buôn làng mang về nhà cúng tại nhà riêng và thầy cúng buộc sợi chỉ vào tay các thanh niên tới dự lễ. Sợi chỉ này không được tháo gỡ và xem như đó là vật linh thiêng phù hộ cho mình may mắn trong cả năm. Nếu trời có giông bão, mưa không thuận, gió không hòa thì mang hạt gạo đó rải trước sân nhà cầu mong nắng mưa thuận lợi.

Lễ tạ ơn “Thần nước” của người Êđê tại con suối chảy qua buôn làng.

Ngày thứ ba: Mở cổng buôn.

Đây là nghi thức để kết thúc Lễ cúng Bến nước. Lễ vật bao gốm một ché rượu và một con gà trống; đèn Kông làm bằng đồng, gạo đựng trong nia, đèn cầy.

Thầy cúng, già làng, chủ bến nước cùng ra mở cổng làng, sau đó về nhà cột một ché rượu nhỏ, một con gà và đọc lời khấn với ý nghĩa kết thúc nghi lễ, cho phép bà con dân làng được đi săn, bắt cá, thăm nương rẫy và sinh hoạt bình thường.

Tục cúng lễ Bến nước để các vị thần nước, thần núi, thần sông… biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban sức khỏe, làm ăn khấm khá, hơn thế nữa bà con trong buôn làng luôn yêu thương nhau, sống thủy chung, trước sau như một.

Những cô gái xinh đẹp Êđê, đang lấy nước để gùi về nhà.

Từ ngàn đời nay, bến nước là nơi bà con gặp gỡ, cung cấp nước ăn, uống, sinh hoạt của người dân Êđê. Nước quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời, không có nước thì khó sống nổi, con sông bến nước làm cho con người tươi mới, dòng nước là mạch nguồn của sự sống nên người Êđê thờ thần nước như thờ tổ tiên của mình vậy. Cũng như các nghi lễ khác của người Êđê, trong Lễ cúng Bến nước cũng không thể thiếu tiếng cồng chiêng, hàng trăm người dân Êđê tập trung về nhà cộng đồng của buôn làng để mở tiệc, uống rượu cần và nhảy múa vui chơi.

Lễ cúng Bến nước là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của người Êđê. Lễ cúng Bến nước không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, phong tục mà còn giúp người dân nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống hàng ngày để giữ gìn và bảo vệ nguồn nước trong sạch cho cả cộng đồng.

Lê Thị Huệ (tổng hợp).

Nguồn tham khảo:

- Nguyễn Văn Huy. Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam.

- Nhiều tác giả. Đất và người Êđê. Tạp chí xưa và nay (2007).

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6666

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Giới thiệu sưu tập gốm Bát Tràng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Giới thiệu sưu tập gốm Bát Tràng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 11/08/2014 10:58
  • 4998

Bát Tràng từ lâu đã trở thành một làng gốm cổ nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Đông thủ đô Hà Nội, rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa. Theo các tài liệu hiện biết làng gốm Bát Tràng được hình thành vào thế kỷ XIII - XIV. Trải qua các thời đại Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Tây Sơn, đã xuất hiện những sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng thuộc dòng gốm hoa lam, hoa nâu, men ngà, men rạn và gốm có minh văn.