Bát Tràng từ lâu đã trở thành một làng gốm cổ nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Đông thủ đô Hà Nội, rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa. Theo các tài liệu hiện biết làng gốm Bát Tràng được hình thành vào thế kỷ XIII - XIV. Trải qua các thời đại Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Tây Sơn, đã xuất hiện những sản phẩm gốm Bát Tràng nổi tiếng thuộc dòng gốm hoa lam, hoa nâu, men ngà, men rạn và gốm có minh văn.
Đến thời Nguyễn (1802-1945) gốm Bát Tràng ngày càng được phát triển với sự phong phú, đa dạng về loại hình như: Đồ thờ (khay trang trí tứ linh, mâm trang trí phượng, hoa cúc, tượng hộ pháp, lư hương, chân đèn…), đồ gia dụng (nậm rượu, bát điếu, bình vôi, lọ),… thuộc các dòng men như men rạn, men rạn kết hợp vẽ lam, men nâu, men vàng và men nhiều màu tiếp tục phát triển.
Để tạo ra được những sản phẩm gốm Bát Tràng, người thợ làm gốm thường phải trải qua các công đoạn sản xuất như chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của làng gốm Bát Tràng là “ Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”, có nghĩa xương gốm là yếu tố quan trọng hàng đầu, thứ nhì đến men, thứ ba là kỹ thuật nung.
Sưu tập gốm Bát Tràng – triều Nguyễn trưng bày tại BTLSQG.
Gốm Bát Tràng được sản xuất thủ công, thể hiện sự khéo léo cũng như tài năng sáng tạo của người thợ gốm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật tạo dáng đồ gốm của những người nghệ nhân Bát Tràng chủ yếu tạo dáng sản phẩm bằng phương pháp nặn tay kết hợp với bàn xoay. Men gốm được tạo ra từ các khoáng chất tự nhiên theo kinh nghiệm dân gian nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt dầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả mầu ngà, đục. Loại hình gồm có ấm, âu, ang, bát, bình hoa, bình vôi, lư hương… Hoa văn trang trí thường đắp nổi, khắc chìm, vẽ lam. Đề tài trang trí thường gặp là tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)… hoặc là các đề tài truyền thống như lá đề, hồi văn, lông công… Bên cạnh đó, gốm Bát Tràng còn có các dòng men riêng như men xanh rêu, men nâu, men trắng, men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu.
Đặc biệt, ngoài men trắng vẽ lam, Bát Tràng còn nổi tiếng với gốm men rạn, một loại men độc đáo được tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men khi nung. Gốm men rạn thường có sắc ngà vàng, xám, các vết rạn chạy dọc và ngang chia ra nhiều hình tam giác, tứ giác, cốt gốm xốp có màu xám nâu. Với những đường nét rạn tự nhiên càng làm cho đồ gốm thời kỳ này có những nét khác biệt. Dòng men có một không hai này chỉ xuất hiện ở làng gốm Bát Tràng, nó phát triển rực rỡ từ khoảng thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX và kéo dài đến ngày nay. Loại hình của dòng gốm men rạn tương đối đa dạng như đồ thờ, đồ gia dụng. Hoa văn trang trí trên gốm và những biểu trưng của nó thể hiện một cách khái quát tâm tư, tình cảm và khát vọng của người Việt.
Lư hương gốm Bát Tràng trưng bày tại BTLSQG.
Sưu tập gốm Bát Tràng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia phong phú về loại hình cũng như kiểu dáng bao gåm các loại như chân đèn, đỉnh, lư hương, tượng hổ, chân nến hình “trúc hóa long”, đài thờ, hũ trang trí, tượng nghê. Trong đó một số hiện vật có ghi niên đại như: Đỉnh trang trí đắp nổi hình rồng và nghê có niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736), tượng hổ có niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786).
Hoa văn trang trí trên gốm Bát Tràng được thể hiện phong phú với các đề tài con người, các con vật linh, hoa văn đường diềm, hoa lá, hoa sen, hoa cúc …, được thể hiện dưới những nét vẽ phóng khoáng và đầy tính sáng tạo và mang đậm tính dân gian của những người thợ gốm tài hoa. Do vậy mà đề tài trang trí trên những sản phẩm gốm Bát Tràng đã trở nên sinh động. Víi hiện vật tiêu biểu là chiếc lư hương được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người nghệ nhân đã tạo dáng trong hình bông sen nở với ba tầng cánh sen hoặc tạo dáng lư hương theo hình lá sen uốn. Xen kẽ gờ miệng uốn cong mềm mại của lá sen cách đều nhau là những bức tượng Phật Bà Quan Âm đắp nổi ngồi thiền, hai tay chắp trước ngực. Phía dưới chân đế lư hương là những khóm sen có đủ hoa lá, được trang trí rất sinh động. Chỉ qua một chiếc lư hương hình lá sen mà đã cho người xem cảm nhận đó như là cả một hồ sen vậy.
Cùng với gốm men rạn Bát Tràng còn được biết đến với những dòng gốm men rạn vẽ lam có minh văn ghi niên hiệu chủ yếu là những di vật quý hiếm, được sử dụng chủ yếu trong cung đình thuộc niên hiệu “Gia Long” (1802 – 1819). Gốm Bát Tràng thời Nguyễn khi sản xuất ra còn được tiêu thụ rộng rãi trong nước và đã từng được xuất khẩu ra nhiều nước ở Đông Á, Đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới, với nhiều loại hình đa dạng và phong phú như: Hũ có nắp vẽ tứ quý, hũ có nắp vẽ phong cảnh sơn thuỷ và cặp đáy chậu trang trí đề tài “Hà Đồ” và “Lạc Thư”. Những đồ gốm men rạn trang trí nổi như nậm rượu 2 bầu trang trí phượng và sư tử, bình hình đốt trúc, bình vôi quai trang trí hình buồng cau, tam đa, lục bảo…
Sưu tập gốm men nhiều màu như bình gốm trang trí “ngư ông đắc lợi”, choé và bình men vàng cùng nhiều đồ thờ như mâm, đài thờ khắc tứ linh, nậm rượu vẽ lam, tượng rồng đắp nổi cũng là những sản phẩm đặc trưng của gốm Bát Tràng.
Sưu tập gốm Bát Tràng đã phần nào chứng minh nghề làm gốm Bát Tràng được phát triển mạnh mẽ vào đầu thời Nguyễn. Loại hình độc đáo, phong phú, nội dung đề tài trang trí còn thể hiện tâm tư tình cảm, khát vọng của người Việt, cũng như sự giao lưu với nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Gốm thời kỳ này sản xuất ra mang những bản sắc riêng của những người nghệ nhân làm gốm trên đất nước ta.
Như vậy thông qua sưu tập đồ gốm Bát Tràng trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia không chỉ thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm cổ Việt Nam, mà còn thể hiện tài năng cũng như óc thẩm mỹ của những nghệ nhân làm gốm mà họ đã tạo ra rất nhiều đồ gốm tinh xảo và độc đáo. Đây là một trong những làng gốm cổ truyền thống nổi tiếng, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng gốm cổ Việt Nam. Những sản phẩm gốm Bát Tràng sản xuất ra cho đến nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Phan Thị Chiên (Phòng GDCC)