Tôn phong và thờ phụng các vị thần nữ thần đã có từ rất lâu đời và là một hiện tượng khá phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của các tộc người sinh sống trên đất nước ta. Điều này có căn cỗi sâu xa từ lịch sử và văn hóa xã hội của dân tộc.
Từ xa xưa và cho đến những năm gần đây, nước ta là một nước nông nghiêp, dân cư sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Lúa đã nuôi sống con người và cho con người sức mạnh. Quý trọng và biết ơn, lúa đã được nhân dân ta tôn thờ là Thần. Cuộc sống lao động vất vả một nắng hai sương đã giúp nhân dân ta đúc kết kinh nghiệm và nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của hai yếu tố Đất và Nước đối với nghề nông. Vì vậy, Đất, Nước cũng được tôn là Thần. Việc canh tác của người dân còn bị bao hiện tượng thiên nhiên khác như: mây, mưa, sấm, chớp...chi phối. Các lực lượng siêu nhiên ấy cũng được tôn là những vị thần: thần Sấm, thần Chớp, thần Mây, thần Mưa,…
Họ cho rằng các yếu tố Đất, Nước, Lúa, Mây, Mưa...đều mang âm tính, có dạng nữ nhân và mang tư cách Mẹ. Nghĩa là, những hiện tượng thiên nhiên ấy cũng có thuộc tính của người mẹ, với một chức năng thiên bẩm đó là sự sinh sản để bảo tồn nòi giống trong lịch sử tiến hóa loài người. Phả hệ tín ngưỡng thần nữ Việt Nam đã ngàn đời ghi danh: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa, Mẹ Mưa…
Ở nước ta, điều ấy hiện biết qua một bằng chứng là trước khi Phật giáo và các tôn giáo phổ quát thế giới thâm nhập vào khoảng thế kỷ III trước công nguyên thì nơi đây – mà cụ thể là vùng Luy Lâu, thủ phủ của đất Giao Châu xưa, người đàn bà đã nắm địa vị chủ chốt trong đời sống tín ngưỡng – Đó là Man Nương đã được tôn xưng là Phật Mẫu. Việc thờ phụng các thần Nữ này không ngoài mục đích bày tỏ lòng biết ơn các thần linh, cầu mong các vị bảo vệ, ban cho người an vật thịnh. Chính từ tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” ấy mà nhân dân Việt Nam đã hình thành phẩm chất luôn biết ơn và kính cẩn đối với những kỳ tích và những người làm nên những kỳ tích đó Những nữ tướng dựng cờ khởi nghĩa lập chiến công ngoài trận mạc xây nên biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước Việt Nam “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; những người phụ nữ đã có công giúp dân dựng ấp, truyền thụ kiến thức, dạy nghề,..Tư duy huyền thoại chính là cứu cánh của người nông dân xưa đã giúp họ tạo ra các thần linh vốn là các thần thiên nhiên có một đời sống thực, một lý lịch rõ ràng như con người ở chốn trần gian. Điều ấy có thể thấy rõ ở cuối thế kỷ XV, nhiều thần Nữ đã xuất hiện dưới dạng các nữ tướng của Hai Bà Trưng, là công chúa con vua Hùng...được chính thức và thể chế hóa trong hệ thống làng xã. Và rồi, từ chính cuộc đời thực và sinh động ấy, với tư duy nghệ thuật cổ tích, người dân lao động lại tưởng tượng ra những điều kỳ vỹ, mông lung, huyền ảo gắn với các bà, các mẹ, các chị để nâng họ lên khỏi cõi phàm trần, nhập thân vào thế giới siêu phàm, có cuộc sống ở thế giới thần linh. Trong niềm tôn trọng và yêu mến những người đã xả thân vì dân vì nước, người dân vẫn giữ ý tưởng cho rằng những kỳ tích ấy không bao giờ chết mà họ đã “hóa”. Họ trở thành Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Âm, Bà Chúa, Thành hoàng làng, Tổ nghề,…
Các thần Nữ hay nói chính xác hơn, lòng người dân tin tưởng và tôn thờ các thần Nữ đã buộc chính quyền phong kiến phải chấp nhận và phong cho các vị những tước hiệu cao quý: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần…
Có được địa vị cao sang đó, phải khẳng định rằng các thần nữ, dù xuất thân là nhân thần hay nhiên thần (thần thiên nhiên) và thuộc tộc người nào cũng đã có vai trò và vị trí rất lớn trong lịch sử và xã hội nước ta.
Làm ra Mây, Mưa, Sấm, Chớp, Gió và điều tiết sự thuận hòa của mùa vụ là vai trò của các thần Nữ - Tư Pháp: Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Phong. Giữ lửa cho con người là công của Nữ Thần Lửa. Cai quản rừng xanh, sông suối, biển cả, bầu trời là thần Nữ: Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Thiên. Sinh ra nòi giống Lạc Việt là công lao Mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 người con trai sau đó chia nhau trấn giữ, khai khẩn núi non, biển cả của Tổ Quốc.
Đại diện cho chúng sinh đất Việt bước vào Phật đài và có vị trí cực kỳ quan trọng trong thế giới của các vị Quan Âm vốn là các Phật Nam tính ở Ấn Độ là Bà Chúa Ba – Phật Bà Quan Âm đắc đạo ở chùa Hương, là Thị Kính, là Ỷ Lan.
Đền chính thờ Nguyên phi Ỷ Lan.
Là thần chủ của một hình thức tôn giáo sơ khai ở nước ta – Đạo Mẫu là các thần Nữ mà trung tâm là Mẫu Liễu.
Nho giáo không cho người phụ nữ quyền quản lý đất nước trong chế độ phong kiến. Cha truyền con nối là việc của những hoàng tử chứ không phải việc của các công chúa. Nhưng kỳ lạ thay, nhiều giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử dân tộc lại xuất hiện những phụ nữ có vai trò cứu vớt nền chính trị của triều đại đương thời. Đó là những phụ nữ Việt Nam kiệt xuất như Thái hậu Dương Vân Nga, Ỷ Lan đã nhiếp chính thay vua trị nước, đánh giặc…
Tượng thờ hoàng hậu Dương Vân Nga tại Hoa Lư, Ninh Bình.
Nêu gương liêm khiết cai quản kho lương thực, vũ khí cho quân đội là Bà Chúa Kho.
Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
Có thể nói rằng, các vị thần Nữ danh tiếng qua các thời đại trong dòng chảy lịch sử Việt Nam được nhân dân thờ phụng phổ biến ở nhiều nơi. Tín ngưỡng các vị thần Nữ đó bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa có giá trị, đậm đà bản sắc dân tộc, đã và đang có sức chi phối mạnh mẽ, đồng thời là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc Việt Nam ta.
Thanh Nhàn (biên tập)
Nguồn:
- Nguyễn Minh San: “Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam”; H, 1998.