Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/07/2014 10:45 4072
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á- Guimet (tiếng Pháp: Musée national des Arts asiatiques-Guimet) thường gọi là Bảo tàng Guimet, thuộc quận 14 thành phố Paris – Pháp là một bảo tàng về nghệ thuật châu Á. Bảo tàng tọa lạc ở số 6 quảng trường Iéna với không gian trưng bày lên đến 5500 m². Bảo tàng Guimet là một trong những bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á nằm ngoài châu Á.

Bảo tàng Guimet là sáng kiến được xuất phát từ dự án của nhà công nghiệp Lyon Émile Guimet. Sau những chuyến đi tới Ai Cập, Hy Lạp rồi vòng quanh thế giới vào năm 1876 qua Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, Émile Guimet đã tập hợp được một bộ sưu tập lớn các hiện vật (chủ yếu về tôn giáo)và mang về Lyon. Năm 1889,ông Émile Guimet đã cho khánh thành bảo tàng ở thủ đô Paris với những bộ sưu tập khá phong phú. (cùng với năm ra đời công trình lịch sử tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp. Guimet đầu tiên là một bảo tàng tư nhân thiên về tôn giáo nhưng sau đó đã trở thành sưu tập về các nước châu Á và được trao lại cho nhà nước Pháp khi ông Guimet, chủ nhân của bảo tàng qua đời. Năm 1927, bảo tàng Guimet thuộc về Vụ Bảo tàng Pháp. Cũng từ năm 1927, Bảo tàng Guimet bắt đầu nhận được các hiện vật từ bảo tàng Đông Dương. Ngoài ra bảo tàng Guimet còn nhận được những hiện vật từ nhiều nguồn đa dạng khác.

Bảo tàng Guimet.

Hơn 100 năm qua, Bảo tàng này không ngừng bổ sung, giúp các bộ sưu tập thêm phong phú, đa dạng. Vào những năm 1960, Bảo tàng Guimet được sửa chữa lại, bỏ hết những trang trí cũ theo phong cách Cổ điển mới. Gần đây nhất, vào năm 1996, bảo tàng Guimet được tu sửa một lần nữa. Đến nay, bảo tàng này có một không gian lớn 5500 m² để trưng bày. Giám đốc Bảo tàng Guimet - bàSophie Makariou khẳng định: “Bảo tàng Guimet có sứ mạng tái hiện toàn bộ lịch sử nghệ thuật châu Á và các nền văn minh tại châu lục này. Đồng thời, Bảo tàng cũng muốn hướng về châu Á của tương lai, chứ không chỉ là bảo tàng của các nghệ thuật châu Á cổ xưa. Không cần phải thường xuyên nhắc lại rằng đây là một nơi lý tưởng để hiểu về châu Á. Châu Á đang lấy lại vị trí căn bản mà nó đã có trong lịch sử. Và Bảo tàng Guimet là một nơi để hiểu được điều này”. Hiện nay, với khoảng 50.000 hiện vật, bộ sưu tập của Bảo tàng Guimet đa dạng về thời kỳ và khá đầy đủ về nghệ thuật của châu Á. Bảo tàng Guimet có nhiều phòng trưng bày để giới thiệu hiện vật theo chủ đề và các quốc gia riêng biệt.

Bước vào gian chính là điêu khắc bằng đá của Campuchia, Lào và Việt Nam. Hầu như các nước châu Á đều lấy ý tưởng của đạo Phật làm chủ đề chính, giống như bước chân vào một bảo tàng của châu Âu đều có Chúa thì ở bảo tàng này cũng có rất nhiều bức tượng Phật, với các tư thế đứng, ngồi hay tọa trên đài sen. Đáng kinh ngạc là bộ sưu tập hiện vật khá đồ sộ của các quốc gia mà bảo tàng Guimet đã sở hữu và được trưng bày giới thiệu tại đây như: Bộ sưu tập Nhật Bản gồm khoảng 11.000 tác phẩm. Đây là bộ sưu tập rất đa dạng, đầy đủ và chi tiết về nghệ thuật Nhật Bản từ khi khai sinh cho tới cuối thế kỷ 19.

Bộ sưu tập về Hàn Quốc gồm khoảng 1000 hiện vật, đủ hết các thời kỳ. Vào những năm 1980, không gian Hàn Quốc chỉ rộng 69 m², đến nay được nâng lên 360 m². Từ các bức họa, tác phẩm điêu khắc, gốm sứ... trong đó đặc biệt các tác phẩm về Phật giáođược giới thiệu tại đây.

Khu vực Ấn Độ của Bào tàng Guimet được chia làm hai phần. Khu vực thứ nhất gồm các tác phẩm điêu khắc đa dạng về chất liệu: đất nung, đá, đồng, gỗ, có niên đại từ cách đây 3000 năm cho tới thế kỷ 13, 14. Phần thứ hai là những tác phẩm hội họa, tiểu họa từ thế kỷ 15 cho đến TK 19.

Về nghệ thuật Himalay, bảo tàng sử hữu những tác phẩm điêu khắc đồng của Nepal và Ấn Độ, những hiện vật về Phật giáo Tây Tạng cũng các tranh Trung Quốc-Tây Tạng. Tổng cộng khoảng 1.600 hiện vật.

Một phòng trưng bày các bức tượng nghệ thuật tại Bảo tàng Guimet.

Bộ sưu tập về Trung Quốc chiếm một số lượng lớn các gian triển lãm gồm khoảng20.000 hiện vật, bao quát cả 5 ngàn năm của nghệ thuật Trung Hoa, từ khi ra đời cho tới thế kỷ 20. Riêng về gốm sứ, có tới 10.000 hiện vật gồm sành, sứ, gốm màu lục... Cùng nhiều hiện vật khảo cổ và điêu khắc của nghệ thuật Phật giáo

Afganistan, nơi có bức tượng Phật lớn nhất thế giới được khắc vào đá và đã bị phá bỏ khi cả nước phải tuân thủ đạo Hồi. Theo đạo Hồi, người phụ nữ phải tuân thủ những luật lệ khắt khe vậy mà từ những thế kỷ rất xa, người Afganistan đã thể hiện khuôn mặt người phụ nữ trên rất nhiều điêu khắc của mình. Ngoài ra, bảo tàng còn có các phòng trưng bày giới thiệu bộ sưu tập chủ đề về ngành dệt và Sách thế giới…

Bộ sưu tập về ngành dệt của bảo tàng Guimet được bắt đầu từ năm 1979. Hiện nay bảo tàng sở hữu gần 4.000 hiện vật trải rộng nhiều thời kỳ và quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Bộ sưu tập sách của Guimet bắt đầu ngay từ khi bảo tàng mở cửa vào năm 1889. Hiện nay ở đây có tới 100.000 cuốn sách đủ ngôn ngữ, cả châu Á và châu Âu, bao gồm lịch sử tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, các tác phẩm của Tây Tạng, bản đồ Trung Quốc, các bản viết tay…

Hiện vật của Việt Nam chiếm khoảng hơn 2 phòng triển lãm. Tại đây, trưng bày rất nhiều hiện vật, đáng chú ý là một bức tượng Phật có từ thế kỷ thứ 6. Gian trưng bày cổ vật Việt Nam ở ngay tầng 1 với nhiều phòng rộng. Một chiếc trống đồng Đông Sơn đặt giữa 1 phòng rộng trung bình. Những hình ảnh gốm men chàm cổ Chu Đậu với những đường nét, hoa văn hết sức nên thơ mà người thợ vẽ từ thời Lê để lại trên các món đồ. Trong số các hiện vật gốm men chàm Chu Đậu nổi bật là chiếc đĩa song ngư cỡ lớn, vẽ dưới men (có cả vẽ trên men), nung già bán sứ (grès porcelaineux) và chiếc đĩa gốm (terre cuite), đường kính cũng khá lớn, men 3 màu (tam thái) vẽ hình cá chép hóa long theo truyền thuyết giữa lòng đĩa. Chiếc đĩa men chàm song ngư vẽ 2 con cá chép (thứ cá chép ta mình dài, có râu) giương vây bơi nối đuôi nhau giữa các khóm cỏ thủy sinh và những con nòng nọc- cảnh thường thấy trên khắp đồng ruộng, ao hồ Việt Nam.

Một hiện vật gốm Chu Đậu trưng bày tại Bảo tàng Guimet.

Các hiện vật đó đều có xuất xứ ở miền Bắc Việt Nam vào thời Lê (thế kỷ XV) hoặc Lê-Mạc (thế kỷ XV-XVII), tức thuộc thời kỳ gốm Chu Đậu phát triển cực thịnh. Đáy mỗi hiện vật đều được chú giải có lớp son nâu, tức đáy tráng son màu sô-cô-la (base chocolatée). Chiếc tô men chàm cỡ lớn vẽ hoa cúc dây vòng quanh phía trên thành ngoài gần miệng tô xen lẫn những đóa hoa sen đang nở, còn phần diện tích chính thì vẽ thiên nga đang bay giữa các đám mây và phần gần đáy, như thường lệ vẽ cánh hoa sen cách điệu rất đặc trưng cho phong cách nghệ thuật gốm Chu Đậu. Trong lòng chiếc tô lớn này vẽ cảnh sen đang nở hoa trong hồ và đôi thiên nga rất sống động, 1 con đứng dưới hồ đang sửa lông cho mượt, 1 con đang xòe cánh bay ngó nghiêng tìm nơi đậu dưới hồ. Cá chép có đôi, thiên nga cũng có đôi thể hiện ước muốn hạnh phúc viên mãn ngàn đời nay của người nông dân Việt Nam. Hoa sen cũng là hình ảnh đặc trưng trong ao hồ ở nông thôn Việt Nam và gần đây được đa số bình chọn là quốc hoa. Hình ảnh con cò không thể thiếu được đối với người nông dân Việt Nam được thể hiện trong lòng 1 chiếc đĩa khác. Tất cả các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Guimet danh tiếng ở giữa Thủ đô Pa ri với hình ảnh những con vật, hoa lá gần gũi với đời sống thường ngày như muốn giới thiệu với thế giới về quan niệm thẩm mỹ, sống cùng thiên nhiên rất hiện thực của người nông dân Việt Nam.

Khách xem hiện vật gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Guimet.

Trong năm 2014, Bảo tàng Guimet đã có nhiều hoạt động trưng bày chuyên đề khá nổi bật. Từ ngày 22/1 – 10/3/2014, Guimet giới thiệu sự tiến hóa của nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản thế kỷ 17 - 18, với các đại sư như Suzuki Harunobu, phong trào nghệ thuật hội họa hướng đến đại chúng (ukiyo-e) bùng phát trong giai đoạn Mạc phủ Tokugawa, mang theo những tinh hoa của văn học hay huyền thoại Nhật Bản, thể hiện các vẻ mặt khác nhau của đời sống xã hội hằng ngày… Tiếp đó, Guimet đã đưa công chúng đến với những hiện vật từ bộ sưu tập cá nhân của ông Georges Clémenceau - chính trị gia, đồng thời là một người vô cùng tha thiết với nghệ thuật vùng Viễn Đông, qua triển lãm “Clémenceau, con hổ và hâu Á” (con hổ là một biệt danh của Georges Clémenceau).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa và truyền thông Pháp, Bà Au relie-Filppetti phát biểu tại Lễ khai mạc trưng bày“Rồng bay- nghệ thuật cung đình Việt Nam”7-2014.

Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Guimet đã tiến hành dự án nghiên cứu và chuẩn bị cho triển lãm có chủ đề “Rồng Việt Nam” được gắn với những hiện vật giá trị của cung đình, của tầng lớp quý tộc và tư duy của người dân Việt Nam. Từ ngày 8/7 đến hết ngày 15/9/ 2014, Bảo tàng Guimet phối hợp với BTLSQG Việt Nam đang giới thiệu trưng bày chuyên đề“Rồng bay- nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại chính Bảo tàng Guimet. BTLSQG Việt Nam đã đưa sang 89 hiện vật tiêu biểu để tham gia trưng bày này. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình nhân năm Việt Nam tại Pháp.

Công chúng Pháp chiêm ngưỡng hiện vật quý của Việt Nam tại trưng bày chuyên đề “Rồng bay- nghệ thuật cung đình Việt Nam”.

Trưng bày “Rồng bay- nghệ thuật cung đình Việt Nam”, mang một tham vọng lớn là giúp công chúng hai nước, trong đó có giới trẻ, khám phá văn hóa và lịch sử của hai nước; củng cố quan hệ đối tác và dệt nên những mối quan hệ bền vững giữa nhân dân hai nước Việt- Pháp. Mới đây, trong tháng 6 vừa qua, Bảo tàng Guimet đã nhường quyền mua đấu giá chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế của Việt Nam.

Minh Vượng(tổng hợp)

Nguồn TLTK:

- Báo Tuổi trẻ; Báo Quảng Nam, Báo VOV.

- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6791

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Sắc màu văn hóa của tộc người La Chí trên đất nước Việt Nam.

Sắc màu văn hóa của tộc người La Chí trên đất nước Việt Nam.

  • 23/07/2014 14:10
  • 4602

Có người ví đất nước Việt Nam với 54 dân tộc đẹp như một tấm thảm dệt màu sắc hài hòa của các dân tộc. Tấm thảm văn hóa Việt Nam được dệt bằng 54 sợi chỉ màu chủ đạo, bằng hàng ngàn, hàng vạn thành tố văn hóa của mỗi tộc người. Chất liệu để dệt lên tấm thảm đó là lịch sử, là ngôn ngữ, là hoạt động kinh tế, là các phong tục tập quán liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của mỗi người, mỗi cộng đồng như: ăn, mặc, ở, di chuyển, quan hệ xã hội, cưới xin, sinh đẻ, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, học, văn nghệ, chơi…Những thành tố tạo nên tấm thảm đó có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau, nơi màu đậm, nơi màu nhạt và chính điều đó đã tạo nên một màu sắc hài hòa, là tài sản vô giá của Tổ quốc Việt Nam.