Có người ví đất nước Việt Nam với 54 dân tộc đẹp như một tấm thảm dệt màu sắc hài hòa của các dân tộc. Tấm thảm văn hóa Việt Nam được dệt bằng 54 sợi chỉ màu chủ đạo, bằng hàng ngàn, hàng vạn thành tố văn hóa của mỗi tộc người. Chất liệu để dệt lên tấm thảm đó là lịch sử, là ngôn ngữ, là hoạt động kinh tế, là các phong tục tập quán liên quan đến những nhu cầu thiết yếu nhất của mỗi người, mỗi cộng đồng như: ăn, mặc, ở, di chuyển, quan hệ xã hội, cưới xin, sinh đẻ, ma chay, thờ cúng, lễ tết, lịch, học, văn nghệ, chơi…Những thành tố tạo nên tấm thảm đó có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau, nơi màu đậm, nơi màu nhạt và chính điều đó đã tạo nên một màu sắc hài hòa, là tài sản vô giá của Tổ quốc Việt Nam.
Tộc người La Chí là một trong những sắc màu trên tấm thảm văn hóa đó. Người La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản ở vùng núi đất từ rất lâu đời, họ sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Nhà của mỗi gia đình là một quần thể kiến trúc gồm nhà sàn – nhà trệt – kho thóc trong một phạm vi không gian hẹp. Mỗi nhà gồm 2 phần, mái nhà được lồng vào nhau. Phần nhà sàn để ở, còn phần nhà trệt là nơi làm bếp. Ngôi nhà chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần phía giáp nhà trệt.
Những ngôi nhà và ruộng bậc thang của người La Chí ở Hà Giang.
Khi đến ở nhà mới, người La Chí phải nhờ thầy cúng về cúng xua đuổi tà ma. Trong suốt 13 ngày kể từ hôm về nhà mới, bếp lửa luôn sáng thì sẽ được may mắn.
Trong lao động sản xuất, người La Chí rất giỏi khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Họ sử dụng cả 3 loại nương với các công cụ sản xuất khác nhau như gậy chọc lỗ, cuốc, cày. Ngoài trồng lúa họ còn trồng chàm và trồng bông (trồng chàm để nhuộm vải, trồng bông để dệt vải).
Trang sức và trang phục của người La Chí.
Trong mỗi gia đình, thường là ba thế hệ hoặc các cặp vợ chồng cùng thế hệ chung sống với nhau là phổ biến. Mỗi dòng họ đều có một người đứng đầu chăm lo việc cúng lễ. Người đó không nhất thiết phải là trưởng họ mà chỉ là người biết cúng. Chọn người giữ vị trí này bằng cách bói xem xương đùi gà. Tục nhận bố mẹ nuôi cho trẻ sơ sinh cũng khá phổ biến, trẻ chào đời sau ba buổi sáng, khi đó gia đình đặt một sợi chỉ đỏ trên một bát nước đầy để ở trên bàn thờ, chờ ai đó vào nhà trước sẽ được nhận làm bố mẹ nuôi và đặt tên cho cháu bé.
Người La Chí thường thờ cúng tổ tiên vào các dịp lễ tết. Tổ tiên được cúng ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ. Theo phong tục, nếu bố mẹ chôn ngày nào thì con cái không được gieo trồng hay cho vay, mượn vào ngày đó, vì đó không phải là ngày sinh sôi phát triển.
Kiến thức và kinh nghiệm được dân gian lưu truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu. Truyện thần thoại, cổ tích đặc biệt phong phú, họ giải thích cho thế hệ trẻ bằng những hiện tượng thiên nhiên và xã hội theo quan niệm dân gian.
Ngày lễ tết, trai gái thường hát đối đáp, chơi đàn tính ba dây, đàn môi. Trống và chiêng cũng được dùng rất phổ biến. Họ tập trung ở bãi rộng chơi ném còn, đánh quay, chơi đu dây, trẻ em thì thích chơi ống phốc.
Trong ngày tết các thầy cúng thường nhảy múa, đánh trống mời thần linh và tổ tiên về ăn Tết.
Trong lễ cưới của tộc người La Chí, khi đón dâu về tới chân cầu thang nhà sàn, nhà trai chuẩn bị sẵn một thùng nước ấm để người phù dâu rửa chân cho cô dâu và rửa chân mình trước khi bước lên cầu thang vào nhà.
Đối với người La Chí, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ thường tổ chức lễ mừng cơm mới khi những nương lúa hè thu bắt đầu chín rộ, họ tổ chức long trọng để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã giúp gia đình có một mùa màng bội thu, con cháu được thóc đầy nhà, lợn bò đầy sân và mong muốn những mùa tới sẽ được nhiều may mắn, thuận lợi. Với tập tục đã có từ lâu đời, người La Chí thường chọn ngày Dậu đi ngắt lúa để chuẩn bị cho ngày Tuất sẽ tổ chức làm lễ mừng cơm mới. Trong những ngày sắp làm lễ cơm mới, người phụ nữ trong nhà được ví như “mẹ lúa” nên phải dậy từ rất sớm để đi ngắt lúa. Họ quan niệm rằng những bông lúa đầu tiên có ý nghĩa rất thiêng liêng vì đây là nghi lễ rước hồn lúa về nhà, gia đình sẽ được thuận lợi may mắn. Khi đi ngắt lúa “mẹ lúa” thường lặng lẽ đi, tránh gặp những người lạ, trên đường đi có gặp người quen cũng không chào hỏi mà lặng lẽ đi tiếp. Họ quan niệm rằng nếu hỏi chuyện hồn lúa sẽ hoảng sợ mà đi mất, năm đó gia đình sẽ không gặp may mắn, mùa màng thất bát. Khi hái những bông lúa đầu tiên, bao giờ “mẹ lúa” cũng khấn cầu nhỏ: “Hồn gạo, hồn thóc đừng có chạy”, rồi tiếp tục ngắt cho đến khi đầy giỏ đủ để một bữa làm lễ cầu cơm mới. Những hạt thóc nếp được cho vào cối giã rồi trộn vào với một số loại lá cây rừng rồi cho vào chõ đồ chín. Khi xôi chín có các màu sắc rất đẹp (thường gọi là xôi ngũ sắc). Lễ vật dâng cúng lên tổ tiên, các vị thần trong ngày lễ xôi mới có: Xôi (cơm mới), rượu, thịt trâu, thịt gà, cá suối nướng… Người phụ nữ cao tuổi nhất trong nhà sẽ mặc trang phục truyền thống để làm lễ dâng cúng và mời một thầy cúng trong làng đến cầu khấn giúp. Lễ cầu cơm mới cũng là một dịp để nam thanh nữ tú trong bản thi hát giao duyên, hát đối, thể hiện một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người La Chí.
Mẹ lúa rước hồn lúa về nhà để cầu mong một năm mùa màng bội thu.
Ngoài ra người La Chí còn có tục lệ rất kỳ lạ mà không có tộc người nào có, đó là phong tục về ma chay. Tục lệ ma chay của người La Chí rất phức tạp, lạ lùng, tốn kém. Vật hiến tế cho người chết là con trâu, họ quan niệm chết là sang một thế giới khác nên vẫn phải có trâu để cày vì thế họ gửi trâu cho người chết lấy vốn làm ăn.
Đầu trâu được cắm trên cọc chôn trước mộ của người chết, phong tục của người La Chí.
Khi có người thân trong gia đình chết đi, gia đình và bản làng sẽ mổ trâu cúng giỗ. Chiếc đầu của con trâu được giữ nguyên thịt, cắm trên đầu cây gậy mang ra chôn trước mộ của người chết. Theo phong tục cũ thì lễ cúng cho người mới chết ít nhất phải thịt 3 con trâu, nhưng đến nay tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chỉ mổ 1 con trâu, vì vậy nhìn vào số lượng đầu trâu (sọ trâu) treo trên mỗi ngôi mộ thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết, ngoài ra còn có thể biết rằng con cháu của người đã khuất nghèo hay giàu. Nếu giàu thì số lượng đầu trâu cắm trên cọc sẽ nhiều hơn. Đối với gia đình nào nghèo đói, kinh tế khó khăn thì vẫn phải cố gắng lấy 1 cái sọ trâu để treo, không thể không treo thứ đó ở trước mộ nhà mình vì đó đã trở thành phong tục bấy lâu nay, không ai được phép kháng cự.
Hàng năm cứ đến dịp Tết tháng bảy, họ lại đi tảo mộ, nhà nào cũng mổ trâu để cúng giỗ tổ tiên (người La Chí coi Tết tháng bảy to hơn Tết Nguyên đán). Trong nhà treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, mặc dù ngày nay đời sống cũng đã có nhiều thay đổi, song người La Chí vẫn giữ nguyên các tập tục này.
Ngoài các phong tục trên, người La Chí còn có phong tục cúng thần Rừng, thần Nước hàng năm. Những phong tục này mang tính nhân văn sâu sắc của một nền văn hóa trong đời sống tâm linh của tộc người La Chí.
Lê Thị Huệ (tổng hợp)
Nguồn:
- PGS, PTS. Nguyễn Văn Huy. Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam. NXB Giáo dục.