Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/07/2014 23:33 4119
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 14/5/2014, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu, ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một ngày không xa, Châu bản Triều Nguyễn sẽ trở thành di sản tư liệu thế giới. Vậy Châu bản nhà Nguyễn có những giá trị to lớn nào? Bài viết này tổng hợp những giá trị cơ bản nhất của Châu bản Triều Nguyễn đối với việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam.

Châu bản Triều Nguyễn là những văn bản của Nhà nước và có dấu Châu phê bằng son đỏ của chính nhà vua và các loại ấn của triều đình. Đây là một văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại như là chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Đó là nguồn sử liệu nguyên gốc vô cùng quý giá, phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của Nhà nước phong kiến trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Đây là nguồn tài liệu nguyên gốc quý hiếm, duy nhất, độc bản còn giữ lại đến ngày nay.

Châu bản triều Nguyễn có đến 773 tập, trong đó có 19 châu bản là bộ báo cáo lên vua, báo cáo việc thực thi chủ quyền của triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách hết sức cụ thể. Chẳng hạn như việc đưa người ra Hoàng Sa như thế nào, làm những công việc gì, giao việc cụ thể gì. Nhà vua xem những bản báo cáo và quyết định phê chuẩn, đánh giá công trạng, hạn chế của người thực thi các nhiệm vụ của Nhà nước lúc đó tại Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó thưởng, phạt công minh. Đây là loại tài liệu độc nhất vô nhị ở khu vực Biển Đông. Không có nước nào có loại tư liệu này. Đây là tư liệu cao nhất của Nhà nước, thực thi chủ quyền bởi Nhà nước.

Đây cũng là bộ sách gốc, có giá trị chuẩn để nghiên cứu và có nhiều nội dung khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ lịch sử xa xưa. Độc bản này hiện được lưu trữ tại Đà Lạt và cũng được công nhận là Di sản tư liệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các bộ chính sử của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu… đều dựa trên cơ sở nguồn tư liệu này để biên soạn, nhưng chỉ mới khai thác được một phần nhỏ thông tin của Châu bản. Đặc biệt, Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh mối quan hệ của nước ta với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ai Lao, Chân Lạp, các nước trong khu vực và cả một số nước phương Tây như Pháp, Anh, Tây Ban Nha… qua bang giao hay mậu dịch. Châu bản còn là một nguồn tư liệu với niên đại cụ thể cho phép nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết văn bản và bút tích các Hoàng đế triều Nguyễn, các loại ấn chương…Tóm lại Châu bản là một di sản văn hóa phi vật thể vô giá, thuộc loại không những “quý hiếm” mà còn là “duy nhất”, “độc bản” còn được bảo tồn đến nay.

Trong Châu bản triều Nguyễn có một loại tài liệu có giá trị đặc biệt, đó là những tờ Châu bản liên quan đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Nội dung của các văn bản là triều Nguyễn đã sử dụng thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa hàng năm ra Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… Những hoạt động đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Hơn thế nữa, đây là những văn bản mang tính quốc gia với Châu phê của Hoàng đế và dấu ấn của vương triều. Đó là những văn bản mang giá trị kép, vừa là tư liệu lịch sử, vừa là những bằng chứng pháp lý rất chắc chắn và đanh thép. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền lâu đời và liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó các Châu bản triều Nguyễn là những bằng chứng có giá trị lịch sử và pháp lý rất cao.

Sách Mục lục Châu bản triều Nguyễn do Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước ấn hành.

Giá trị của Châu bản Triều Nguyễn thể hiện ở cả hình thức và nội dung. Về hình thức, đây là văn bản hành chính gốc, nhiều văn bản có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của nhà vua, nên càng có giá trị pháp lý cao. Về nội dung, Châu bản cung cấp thông tin về việc điều hành đất nước trên nhiều phương diện, trong đó, việc thực thi chủ quyền được đặc biệt quan tâm. Rất nhiều sự kiện, hoạt động quản lý hành chính đã được nêu trong các bộ sử do Quốc sử quán biên soạn dựa trên cơ sở Châu bản; qua đó, khẳng định tính xác thực cũng như giá trị pháp lý của các sự kiện này.

Việc xác lập và thực thi chủ quyền của Triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thể hiện và chứng minh rõ ràng qua các Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đến nay. Điểm đặc biệt là phần lớn các Châu bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều có bút phê của nhà vua. Đây chính là những bằng chứng sống động và rõ ràng cho thấy sự quan tâm ở cấp cao nhất của chính quyền phong kiến Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Từ nội dung của Châu bản, chúng ta thấy các vị vua triều Nguyễn đã tiếp nối chính sách của các Chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này, đồng thời còn triển khai toàn diện và hệ thống các hoạt động quản lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa như: thiết lập đơn vị hành chính trên đảo; tiến hành khảo sát, đo đạc, cắm mốc chủ quyền, vẽ bản đồ, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn hàng hải… đồng thời cũng có chính sách thưởng phạt phân minh để khích lệ thủy quân thuộc đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được cử ra 2 quần đảo.

Bản Quốc Dư Đồ (thời Nguyễn) có vẽ Hoàng Sa chử.

Qua các Châu bản này, chúng ta thấy Triều Nguyễn thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và nhất quán. Kể từ khi lên ngôi, vua Gia Long đã thực hiện nhiều hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội để xây dựng và củng cố vương triều; trong đó ông đặc biệt quan tâm đến cương giới trên biển. Một trong những hoạt động quản lý miền biên hải của vua Gia Long là sai thủy quân, một binh chủng trong quân đội cùng đội Hoàng Sa tiến hành khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên (quyển 50), năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long lần thứ 14 (1815), vua Gia Long đã cử Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đường biển. Tháng 3-1816, vua Gia Long lại sai thủy quân và Đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường biển (Đại Nam thực lục chính biên-quyển 52). Từ năm 1820, vua Minh Mệnh (tiếp nối vua Gia Long) tiếp tục nhiều chính sách củng cố vương triều và bờ cõi. Vua Minh Mệnh đã đặt thêm một số cơ quan nội các để giúp nhà vua điều hành, cai quản vương triều và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Căn cứ vào các Châu bản còn lại đến nay, có các bộ Công, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lại và các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đảm nhiệm việc điều quân, tuần tra cương giới, lãnh thổ trên biển. Bộ Công đảm nhiệm công việc khảo sát, xây dựng, quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Thực hiện lệnh vua ban, nhiều đoàn khảo sát đã tới Hoàng Sa. Nhiệm vụ của mỗi đoàn khác nhau. Có đoàn đi thăm dò đường biển, có đoàn đi đo vẽ bản đồ, có đoàn mang cọc gỗ ra cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa.

Tờ Châu bản đề ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của bộ Công cho thấy viên Chánh đội trưởng thủy quân được cử đi cắm môc chủ quyền ở Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Trên tờ Châu bản này có 2 dòng chữ: Một là, mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc. Hai là, thuyền nào đến đâu thì lập tức cắm cọc làm mốc. Đây là chữ viết của vua Minh Mệnh.Từ các dòng chữ này cho thấy quyết tâm của nhà vua trong việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa.Mỗi đoàn đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa về đều có báo cáo. Châu bản ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) báo cáo việc đoàn đi khảo sát Hoàng Sa trong năm đó đã khảo sát được 25 đảo; trong đó có 13 đảo mới và 12 đảo đã có các đoàn trước đó từng đến khảo sát.

Thời Thiệu Trị (1841-1847), các nhà nghiên cứu đã tìm được hai văn bản mang nội dung liên quan tới công việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem xét 2 tờ Châu bản này thì thấy cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi công việc thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng sa- Trường Sa vẫn được theo quy định của triều đình.

Song song với nhiệm vụ thực thi khẳng định chủ quyền, qua Châu bản còn thấy Triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách đối với những người đi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ thể: Thứ nhất; miễn thuế cho các đoàn thuyền thực hiện các hoạt động quản lý, đánh bắt hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là công việc thực thi chủ quyền như đi thăm dò, khảo sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi báo cáo số lượng thuyền, kích cỡ từng thuyền; số người, quê quán của từng người đi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa trở về và xin được miễn số thuế phải nộp của các thuyền. Thuyền lớn số thuế nhiều hơn, thuyền bé số thuế ít hơn. Bản tấu cũng được nhà vua phê chuẩn.

Tờ Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838).

Thứ hai; triều đình nhà Nguyễn cũng ban hành chính sách rõ ràng đối với những người đi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Đó là chính sách thưởng công, phạt tội. Việc này được thực hiện rất nghiêm ngặt dưới thời vua Minh Mệnh. Trong đó, hình thức được ban thưởng cao nhất cho những viên quan và lính đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ là miễn tội chết. Bản tấu đề ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) cho biết viên Giám thành Trương Viết Soái mắc tội quân, để bị cháy kho thuốc súng đã bị xử tội chém đầu, nhưng đã được sai phái đi Hoàng Sa nhiều lần. Nhà vua đã phê vi binh tái sĩ sai phái(cho về làm lính, đợi sai phái tiếp). Nhiều trường hợp khác dù đã bị xử phạt nhưng xét thấy do đi Hoàng Sa- Trường Sa là vất vả, cực nhọc nên nhà vua thường phê cho miễn tội.

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Như vậy, tuy chỉ chiếm 1/5 số lượng Châu bản của 143 năm Vương triều Nguyễn tồn tại; nhưng đây là khối tài liệu lịch sử gốc chưa đựng nhiều thông tin đa dạng, quý giá, độ tin cậy cao, phản ánh khá toàn diện mọi mặt các vấn đề xã hội dưới triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đây là nguồn tư liệu có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Và đó là những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn. Với những giá trị kép đặc biệt quan trọng như vậy, Châu bản triều Nguyễn không chỉ là Di sản tư liệu, ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà sẽ trở thành di sản tư liệu thế giới.

19 bộ Châu bản Triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

Minh Vượng (tổng hợp)

Nguồn TLTK:

- Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa- Bộ Ngoại giao và Ủy ban Biên giới quốc gia ấn hành .

- Mục lục Châu bản triều Nguyễn- tập 1- NXB Văn hóa Thông tin.

- Báo Điện tử Chính phủ; VietNamnet; VietNamplus.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6814

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Chuyện chưa biết về trận hải chiến với giặc phương Bắc

Chuyện chưa biết về trận hải chiến với giặc phương Bắc

  • 03/07/2014 10:30
  • 2587

Trận hải chiến với giặc phương Bắc trên Vịnh Bắc Bộ đã nhấn chìm 500 chiến thuyền, 70 vạn hộc lương, vô số khí giới, cùng hàng vạn quân tiếp viện.