Thứ Năm, 20/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/05/2014 09:08 3806
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong các dân tộc thiểu số ở nước ta, dân tộc Ê đê có một nền văn hóa dân gian thật phong phú, đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Theo truyền thống của người dân tộc Ê đê ở các tỉnh Tây Nguyên ở nước ta. Họ thường sống trong ngôi nhà dài truyền thống với mái nhà dài, thuộc đại gia đình theo chế độ mẫu hệ.

Vị trí của ghế KPan trong ngôi nhà dài của người Ê đê.

Người Ê đê, nếu con cái lập gia đình thì ngôi nhà sẽ được nới thêm ra để có thêm chỗ ở. Khi bố mẹ mất người con cả của gia đình sẽ phải chuyển vào gian nhà của bố mẹ đã từng ở để quán xuyến việc của gia đình, làm chủ gia đình. Cứ theo nguyên tắc đó, gia đình nào càng đông con cháu, càng nhiều thế hệ thì nhà càng dài, biểu trưng cho sức mạnh của gia tộc trong buôn, làng. Trong ngôi nhà dài có một không gian mà người Ê đê gọi là gah (phòng khách). Phòng khách không chỉ rộng rãi, trang trí đẹp mà còn là nơi bày biện những của cải quý giá nhất của gia đinh như: trống, cồng, chiêng, ché, nồi đồng lớn và ghế KPan. Tất cả những đồ vật này đều thể hiện vị thế cao về kinh tế - xã hội của gia chủ trong cộng đồng người Ê đê. Đặc biệt nhất là ghế KPan.

Mọi người cùng đưa ghế KPan về làng

Ghế KPan có hình dáng giống chiếc thuyền, được làm từ một thân cây gỗ lớn duy nhất, ghế được làm giống hình con thuyền dài thanh thoát, uốn cong kiêu hãnh ở hai đầu. Chiếc ghế này thường dùng vào dịp đại sự của gia đình, hoặc dùng cho đội đánh cồng chiêng ngồi trong ngày lễ và ngày tết. Ghế KPan biểu tượng hình thuyền thiên về tính thủy, tượng trưng cho người mẹ (kính mẫu), thể hiện sự bao dung, khả năng sinh sôi nảy nở và phát triển.

Trong buôn làng của người Ê đê thì chỉ có vài nhà cư phú (có nhà dài, có nhiều thế hệ sinh sống và giàu có), gia đình đó phải có kinh tế khá giả, có tấm lòng hào hiệp hay giúp đỡ dân làng và những người xung quanh mới có thể được làm ghế KPan.

Ngoài ra nếu muốn làm được ghế KPan thì gia đình phải có đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ bà con trong những ngày làm ghế KPan. Bên cạnh đó, theo tục lệ gia đình còn phải tổ chức được các lễ hiến sinh, cầu sức khỏe, có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng và phải có nhiều chiêng, ché trong nhà.

Phía đầu KPan được đặt một chiếc khăn thổ cẩmmàu đỏ

Ghế KPan là một chiếc ghế độc mộc, bằng gỗ nguyên khối dài khoảng 15m, rộng từ 6,5 – 8,5cm, dày 7 – 8cm, cao 45 – 50cm, hai đầu ghế có dáng hơi cong lên giống con thuyền có dáng vẻ vững chắc, mạnh mẽ. Đối với cộng đồng dân tộc Ê đê, ghế KPan không những là tài sản của gia chủ mà còn là một vật thiêng liêng thể hiện sự sung túc, giàu có của gia đình đó và còn là niềm tự hào của cả buôn làng người Ê đê.

Làm ghế KPan cần phải có sự giúp đỡ của buôn làng, chứ một gia đình không làm được. vì ghế KPan ngoài việc thể hiện sự giàu có sung túc còn thể hiện sự đoàn kết giữa các gia đình trong cộng đồng buôn làng của dân tộc Ê đê.

Khi KPan vừa được đưa từ rừng về, KPan được chào đón như một thành viên mới trong gia đình.

Dân tộc Ê đê theo chế độ mẫu hệ, nên việc tìm chặt cây phải được bàn định trước với gia đình bên nhà vợ. Cây rừng được chọn làm ghế KPan phải được người phụ nữ có tiếng nói trong gia đình lựa chọn. Đó là một cây cổ thụ, cao, to, thẳng đã được thần linh chứng giám cho phép chặt từ rừng thiêng (vì trước khi chặt cây chặt một nhát rìu vào thân cây và cúng xong thì đi về, sau 3 ngày trở lại vẫn thấy rìu ở trên cây thì coi như thần linh đã đồng ý cho chặt cây đó, đồng thời chủ gia đình cũng phải lây một mảnh nhỏ vỏ cây về nhà cúng thần linh để tránh mọi điều xui xẻo và mạng lại nhiều may mắn cho gia chủ).

Những người anh em họ hàng đứng hai bên vỗ tay chào mừng đón KPan về nhà mới.

Khi đi chặt cây lớn đó để mang về làm ghế KPan, gia chủ phải chọn ngày đẹp trời, trong buôn làng không có đám tang. Dẫn đầu đoàn người vào rừng chặt gỗ phải là người lớn tuổi trong nhà và thầy cúng, tiếp đó là 7 người con trai khỏe mạnh mang theo dao, búa, rìu, đi sau là dân làng và người nhà mang lương thực phục vụ. Khi chặt cây phải chọn hướng chiều cây đổ dọc về phía dòng suối (dòng nước chảy). Chủ nhà là người bổ nhát rìu đầu tiên rồi sau đó đến mọi người khác. Cây ngả xuống, chặt sạch cành lá, tiếp đó là chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần để đuổi tà ma, rồi những người thợ mới được dùng rìu đẽo cây thành ghế KPan. Khoảng thời gian một tuần thì ghế KPan được hoàn thành.

Khi rước lễ ghế KPan về nhà, mọi người đều phải mặc trang phục truyền thống của người Ê đê. Khi đó các thanh niên trai tráng trong buôn cùng khênh ghế KPan về buôn, tiếp theo sau là thanh niên nam nữ đi thành hai hàng dọc cùng các nghệ nhân vừa đi vừa diễn tấu, múa. Đến đầu buôn, đặt ghế xuống và thầy cúng phủ một mảnh vải thổ cẩm màu đỏ lên đầu ghế, rồi đưa về đặt ở vườn sau của nhà chủ. Những ngày sau là những người thợ khéo tay nhất buôn làng sẽ cạm khắc hoa văn có tính biểu tượng truyền thống của người Ê đê lên ghế KPan. Khi đã hoàn thành thì mang ghế về cửa trước đặt một đầu ghế lên sàn nhà. Khi rước KPan về cửa trước khi đó sàn nhà đã được trải chiếu và bày sẵn một bát cơm, vòng đồng, áo, đồng thời gia chủ phải mặc đẹp cùng thầy cúng cầm khiên, kiếm làm lễ để xua đuổi những điều không tốt lành, xong báo cho mọi người biết là ghế đã có gia chủ.

Lễ rước ghế KPan là nghi lễ đặc trưng mang tính sinh hoạt cộng đồng, thể hiện sự đoàn kết của đồng bào Ê đê. Vì thế việc rước ghế KPan là cơ hội để đồng để đồng bào Ê đê nhớ lại và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình, đồng thời giáo dục thế hệ sau phải luôn nhớ đến những thể thức sinh hoạt văn hóa mình.

Người Ê đê là một trong số ít các dân tộc ở Việt Nam vẫn còn bảo lưu hình thức văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên những năm gần đây, xã hội Ê đê đã trải qua nhiều biến động lịch sử, những biến đổi đó đã tác đến sự giải thể các ngôi nhà dài cũng như sự tan rã của chế độ đại gia đình mẫu hệ. Nhưng từ bao đời nay, các gia đình người Ê đê đều coi chiếc ghế dài (ghế KPan) là biểu tượng sự giàu có, sung túc, là niềm tự hào của cả buôn làng và cả dân tộc người Ê đê.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Nguồn:

- Văn hóa Tây Nguyên.

- Buôn Ma Thuột – Chiếc K Pan của người Ê đê.

- Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam. Tác giả Ngô Đức Thịnh. NXB Khoa học Xã hội 2006.

- Ảnh trên Internet.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7200

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

“Điểm danh” những thành cổ nổi tiếng ở Việt Nam

“Điểm danh” những thành cổ nổi tiếng ở Việt Nam

  • 16/05/2014 11:17
  • 2792

Dù đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại đi nhiều nhưng Hoàng thành Thăng Long, Thành cổ Sơn Tây hay Thành nhà Hồ vẫn lưu giữ được giữ các giá trị quý báu về phong cách kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.