Điện Biên Phủ là một chiến dịch cực kỳ lớn trong lịch sử hiện đại Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản trực tiếp chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Đây là một cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa ta và địch.
Bước vào chiến dịch này, Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn mà những khó khăn đó tưởng như không thể nào vượt qua nổi. Trong đó nổi lên là những khó khăn về hậu cần. Phải làm thế nào để có thể cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men cho một lực lượng lớn, xa hậu phương tới 500-600 km, trong một thời gian dài, điều kiện đi lại vừa khó khăn, vừa thiếu thốn phương tiện, vừa bị địch thường xuyên dùng máy bay đánh phá. Đó là chưa kể khó khăn về thời tiết. Đại tướng, Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: “Bộ Tổng tham mưu làm việc với Tổng Cục Cung cấp tính toán bước đầu, phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 km mà phần lớn là dốc, đèo hiểm trở, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên, đã cần tới 14.500 người”.

Không quản ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra mặt trận
Trong bối cảnh đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại là một tập đoàn quá mạnh. Tướng Henri Navarre đã cho đổ bộ xuống chiến trường này 12 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120 ly (20 khẩu), một đại đội trọng pháo 155 ly (4 khẩu), một đại đội xe tăng 18 tấn (10 xe), một phi đội không quân gồm 17 máy bay (7 máy bay khu trục, 5 máy bay trinh sát, 4 máy bay vận tải, 1 máy bay trực thăng), hơn 1.000 tấn gạo… H. Navarre coi “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”, là “Nà Sản lũy thừa 10”. Đồng thời thách đố Việt Minh đánh Điện Biên Phủ. “Người ta khẳng định với H. Navarre và H. Navarre cũng tin rằng Việt Minh không thể tiếp tế được tới Điện Biên Phủ. Rằng bọn cu ly muốn tới được đó thì sẽ ăn hết 4/5 những gánh thực phẩm của họ; rằng việc cung cấp đạn dược sẽ không cho phép địch lợi dụng số lượng quân nhiều hơn quân Pháp mà chúng có thể tập hợp được. Và cũng bởi vì, mặc dầu đã có sự chứng minh hàng ngày, H. Navarre vẫn còn tin rằng không quân của ông ta với những phương tiện tuy rất thiếu thốn nhưng vẫn còn có thể phá hủy những đường tiếp tế của Việt Minh”. Điều này là hoàn toàn đúng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét: “… Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề đảm bảo cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”…

Tận dụng đường sông, vận chuyển hàng bằng bè mảng đi chiến dịch
Sau ngày đại thắng, tổng kết của Cục Cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, chúng ta đã vận chuyển một khối lượng vật chất phục vụ cho chiến dịch này lên tới 20.000 tấn. Trong đó có 1.200 tấn đạn; 1.873 tấn xăng, dầu; 14.950 tấn gạo; 268 tấn muối; 577 tấn thịt; 1.034 tấn thực phẩm; 117 tấn vật chất khác. Để vận chuyển được khối lượng khổng lồ đó, ngoài lực lượng xe cơ giới của Nhà nước, chúng ta đã huy động tới 261.451 lượt người đi dân công (bằng 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ, 914 ngựa thồ, 3.230 thuyền.

Đoàn ngựa thồ vận tải cho bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, dân công đã làm mọi việc để phục vụ được yêu cầu của chiến dịch như: mở đường, làm nhà kho, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men, tải thương. Trong việc thồ hàng bằng xe đạp lên phía trước, nhiều người đã thi đua nâng mức thồ từ 166 kg lên 215 kg rồi 250 kg. Kỷ lục thồ cao nhất là của anh Cao Văn Tỵ (dân công xe thồ tỉnh Thanh Hóa) lên tới 320 kg.
Trong khói lửa của chiến dịch, dân công thủy, bộ, xe đạp thồ bất chấp gian khổ, hiểm nguy vẫn hăng hái đưa hàng lên phía trước với khí thế lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng. “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát…” dường như khó phai mờ trong ký ức các anh, các chị dân công 60 năm trước đây cũng như trong lòng chúng ta ngày hôm nay.

Các đội dân công xe thồ tập trung chuẩn bị xuất phát chở hàng ra tiền tuyến
Có thể khẳng định, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, có công đóng góp to lớn của lực lượng dân công. Fall Bernad trong tác phẩm “Viet Minh 1945-1960” đã viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết và trên hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp tế”. Ivon Panhinét phải thốt lên rằng: “Máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh” và Jules Roy phải thừa nhận một thực tế: “Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các tuyến giao thông, nhưng đường tiếp tế cho quân đội nhân dân không bao giờ bị cắt đứt. Và không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm nilông trải trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.

Từng đoàn xe thồ, từng đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để góp phần làm rõ vai trò của dân công trong chiến dịch này, chúng tôi xin được giới thiệu với các bạn hai tài liệu quý. Một tài liệu có tiêu đề: “Báo cáo tổng kết xe đạp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ” - Bản báo cáo này có 2 phần. Phần thứ nhất gồm 15 trang đánh máy trên giấy Pơluya khổ 16x26 cm với bố cục gồm 6 điểm: 1 - Đặc điểm của vận tải xe đạp và những thành tích của nó; 2 - Đón quân và phiên chế tổ chức; 3 - Công tác vận chuyển; 4 - Vấn đề cước phí và bồi thường; 5 - Tính công ghi công; 6 - Kết luận. Phần thứ hai có tiêu đề: Phần phụ thêm Báo cáo tổng kết xe đạp thồ với ba nội dung: Những kinh nghiệm về phần kỹ thuật trong việc gìn giữ xe; Mấy trường hợp cấp bách giải quyết dọc đường và Cải tiến kỹ thuật tăng năng suất. Mở đầu Báo cáo viết: “So với chiến dịch Thượng Lào năm ngoái, năm nay ngoài lực lượng vận tải cơ giới, dân công bộ, vận tải xe đạp góp một phần quan trọng trong chiến dịch Điện Biên vĩ đại”. Và mở đầu phần Kết luận, báo cáo viết: “Chiến dịch Đông Xuân năm nay lực lượng vận chuyển xe đạp thồ ở trung tuyến rất trọng yếu, đã đảm nhiệm 1/4 tổng số khối lượng vận chuyển, đã đạt được thành tích về năng suất rất cao chưa từng thấy so với các kỳ phục vụ chiến dịch trước hoặc trong khi phục vụ sản xuất ở hậu phương, đã tiết kiệm được nhiều nhân tài vật lực của nhân dân”.
Tài liệu thứ hai có tiêu đề: “Tổng kết công tác dân công trong chiến dịch”. Báo cáo này gồm 19 trang đánh máy, giấy Pơluya khổ 16x26 cm, của Cục Chính trị - Tổng Cục Cung cấp, ghi ngày 9 tháng 7 năm 1954. Báo cáo gồm 4 phần: 1 - Kiểm điểm thành tích của dân công đã phục vụ bộ đội đánh thắng trong chiến dịch; 2 - Lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo tổ chức của dân công trong từng thời kỳ; 3 - Chấp hành chính sách đối với dân công; 4 - Kết luận. Báo cáo đề cập tới những thành tích của dân công phục vụ bộ đội đánh thắng trong chiến dịch: thành tích vận chuyển gạo và vũ khí; thành tích trong thời gian chuyển thương; thành tích bốc vác, cầu đường và chăn nuôi v.v…
Nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mà tiêu biểu là sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công. Chúng tôi hy vọng rằng với hai tài liệu này, những người quan tâm tới vai trò của lực lượng dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ nhận được những dữ liệu hay, quý báu và bổ ích.
Lê Khiêm (Biên tập)
Nguồn: Lê Thị Thúy Hoàn, “Dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, Thông báo khoa học 6-2004, số 2, tr.: 38-39, 43.