Xin giới thiệu tới độc giả một phần lược dịch của bài viết được đăng trên Tuần báo Đông Dương ra ngày 30/4/1942.
Đồng bằng sông Hồng có vị trí chiến lược trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam. Ngay từ khi xâm chiếm nước ta và bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa, người Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng của vựa lúa miền Bắc đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, bên cạnh việc thành lập các viện nghiên cứu chuyên môn nhằm tăng sản lượng nông nghiệp, chính quyền Pháp cũng hết sức quan tâm đến công tác hoàn thiện hệ thống công trình thủy nông, đặc biệt là mạng lưới đê điều.
Xin lược dịch giới thiệu tới độc giả một bài viết đăng trên Tuần báo Đông Dương số ra ngày 30/4/1942 công bố nhiều số liệu nghiên cứu về đồng bằng Bắc Bộ cũng như những chiến dịch gia cố đê điều của người Pháp ở khu vực này.
Địa hình
Hình thành qua nhiều thế kỷ dưới tác động của hàng loạt hiện tượng tự nhiên như biển tiến, vận động tạo núi, ảnh hưởng của gió, mưa, và bồi đất của các nhánh sông, đồng bằng Bắc Kỳ hiện nay ( năm 1942) chiếm diện tích 14.700 km2 và có dạng hình thang với các đỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên ở phía Tây và phía Bắc, Nho Quan và Phát Diệm ở phía Đông và phía Nam.
Đồng bằng rộng lớn tưởng chừng bằng phẳng tuyệt đối này thực ra cao thấp không đều: khu vực Phú Thọ và Nam Định chính là đỉnh múi với sườn dốc thoai thoải về phía biển, hai bên đỉnh núi, mặt đất thấp dần với độ nghiêng vừa phải, phía Đông rõ rệt hơn phía Tây.
Đồng bằng Bắc Kỳ hình thành từ kỷ thứ tư (1). Tuy nhiên, những văn bản cổ xưa nhất về lịch sử châu thổ Bắc Kỳ chỉ có niên đại cách đây (những năm 1940) khoảng 10 thế kỷ.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, dưới triều vua An Dương Vương, thế kỷ thứ III trước Công nguyên, bờ biển đi qua đất Hà Nội. Một tài liệu quý hiếm khác, cuốn Đại Nam nhất thống chí biên soạn dưới triều vua Tự Đức cho biết Hào trưởng Trần Minh Công đã chiếm thành Bố Hải Khẩu (cửa biển) thuộc tỉnh Nam Định, vào giữa thế kỷ thứ 10, nơi này giờ là làng Kỳ Bá(2), ngay gần thủ phủ tỉnh Thái Bình.
Cứ 4 thế kỷ, đồng bằng Bắc Kỳ kéo dài thêm 4 km, ở những nơi chịu tác động kết hợp của cả sông và biển, có thể dài thêm tới 5 hoặc 6km.
Mạng lưới sông ngòi
Đồng bằng Bắc Kỳ là sự kết hợp của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Thái Bình với các dòng chảy tương đối đồng đều theo hướng Tây Bắc-Đông Nam.
Hai hệ thống sông với các phụ lưu và phân lưu lại phân thành vô số nhánh nhỏ, chia đồng bằng Bắc Kỳ thành rất nhiều ô trũng, mỗi ô có những đặc điểm riêng và việc tìm hiểu những đặc điểm đó là điều tối cần thiết đối với những người muốn biết rõ những vấn đề mà thiên nhiên đặt ra cho con người ở vùng đất này.
Sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam và đổ vào vịnh Bắc Kỳ sau quãng đường gần 1300km (3), gặp hai phụ lưu chính của nó là sông Đà(4) và sông Lô ở ngã ba Việt Trì. Trong khoảng 50 cây số từ Việt Trì về tới hạ lưu, nước từ sông Hồng và hai chi lưu chảy theo cùng một dòng.
Vào mùa mưa, đây là khu vực có lưu lượng nước lớn nhất, có thể vượt qua con số kỉ lục 25.000 m3/giây. Càng thêm nhiều phân lưu, lưu lượng nước của sông Hồng càng giảm, tới phân lưu cuối cùng, chỉ đạt 8.000 m3/giây.
Các phân lưu của sông Hồng nối tiếp nhau như sau: bên hữu ngạn có sông Đáy, sông Nam Định, sông Ninh Cơ và sông Ngô Đồng; bên tả ngạn có sông Đuống, sông Luộc và sông Trà Lý.
Sông Đáy, sông Trà Lý, sông Ninh Cơ và sông Ngô Đồng trực tiếp đổ ra biển.
Hai phân lưu lớn nhất là sông Đuống và sông Nam Định với lưu lượng nước vào mùa lũ lần lượt lên tới hơn 5.000 và 6.000 m3/giây.
Vào mùa khô, lưu lượng nước giảm xuống đáng kể, sông Hồng đoạn qua Sơn Tây hoàn toàn cạn kiệt và lưu lượng nước trung bình của sông Hồng cũng chỉ vào khoảng 600 m3/giây.
Lưu vực sông Thái Bình nhỏ hơn nhiều so với sông Hồng, tức là khoảng 10.800km2 so với 138.00km2, được hình thành do sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương hợp lưu ở Phả Lại.
Ở ngay hạ lưu Phả Lại, sông Thái Bình chia nước cho một phân lưu lớn bên phía tả ngạn, đó là sông Kinh Thầy nhưng ngay sau đó lại nhận thêm nước của sông Đuống và đến Quý Cao, cách Hải Dương 50 km thì nhận thêm nước của sông Luộc.
Sông Kinh Thầy, phân lưu lớn nhất của sông Thái Bình lại chia thành rất nhiều nhánh nhỏ: sông Lai Vu, sông Văn Úc, sông Kinh Môn, tạo thành một mạng lưới chằng chịt trải rộng từ Kiến An, Hải Phòng tới Quảng Yên.
Sự tồn tại của hai phụ lưu song song nối lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Thái Bình là sông Đuống và sông Luộc đã đẩy nhanh quá trình bồi đất ở khu vực Hải Phòng-Quảng Yên.
Mực nước lũ trên các phụ lưu sông Thái Bình ở thượng nguồn Phả Lại thường không lớn - lưu lượng nước tại Phả Lại, nơi hợp lưu của sông Cầu, sông Lục Nam và sông Thương cao nhất cũng chỉ ở mức 3.300 m3/giây, trong khi đó, với sự góp nước của sông Đuống (5000 m3/giây) và sông Luộc (2.000 m3/giây), lưu lượng nước của sông Thái Bình đoạn từ Quý Cao ra biển có thể đạt tới 10.000 m3/giây.
Vào mùa khô, lưu lượng nước của sông Thái Bình rất thấp, thông thường ở thượng nguồn Phả Lại chỉ đạt 80 m3/giây.
|
Bản đồ đê điều Bắc Kỳ |
Khí hậu Các nghiên cứu được tiến hành từ đầu thời kỳ Pháp thuộc cung cấp cho chúng ta những dữ liệu chính xác về các đặc trưng của khí hậu vùng châu thổ. Nói như thế không có nghĩa là các triều vua nước Nam không nhận thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu chuyên sâu điều kiện khí hậu trong nông nghiệp.
Tháng sáu năm Giáp Tuất, tức là năm Gia Long thứ 13 (1814), nhà vua ra lệnh cho quần thần phải ghi chép các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, và gió theo một bảng biểu nằm ngang và trình lên nhà vua hàng tháng. Tuy nhiên, không thể tìm thấy tài liệu lưu trữ nào về cơ quan khí tượng thuỷ văn thời bấy giờ.
Đồng bằng Bắc Kỳ và các lưu vực sông băng qua nó chịu tác động của gió mùa: tháng 10 đến tháng 4 thời tiết khô ráo và mát mẻ; ngược lại trời nóng và mưa nhiều trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 9.
Lượng mưa trung bình khá cao, lượng nước bốc hơi thấp; tuy nhiên, gió mùa hoạt động khá thất thường, mưa phân bố không đều và không chỉ thay đổi theo từng năm mà còn thay đổi theo từng thời điểm mùa vụ.
Theo các nghiên cứu của Nha Khí tượng Thủy văn Đông Dương, 8/10 lượng mưa hàng năm rơi xuống đồng bằng Bắc Kỳ trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm; tháng 8, tháng 9 là thời điểm mưa nhiều nhất.
Tuy nhiên, vào mùa “khô”, một hiện tượng tự nhiên đặc biệt gọi là “mưa phùn” ở Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ là cứu cánh của ngành nông nghiệp, mưa nhỏ rơi không ngừng làm cho độ ẩm tương đối tăng lên đáng kể. Nhưng hiện tượng này cũng thay đổi tùy theo từng năm.
Hạn hán trong những năm gần đây là nỗi sợ hãi với dân cư trong vùng. Phần lớn dân cư rơi vào cảnh túng quẫn trước khi các công trình công ích như quy hoạch hệ thống thủy nông và phát triển đường giao thông được tiến hành.
Mặc dù chính quyền nhà Nguyễn đã dùng khá nhiều biện pháp như phát tiền, phát gạo, giảm thuế, cầu mưa, thì nạn đói vẫn còn đó, trộm cắp vặt gia tăng, các băng đảng có vũ khí cướp phá khắp nơi. Nỗi sợ hãi đối với nạn hạn hán đã ăn sâu vào đời sống làng mạc và vẫn hiện hữu trong rất nhiều nghi lễ truyền thống.
Tuy nhiên, hạn hán không phải là tai họa duy nhất đối với nông nghiệp Bắc Kỳ. Những cơn bão quét qua vùng này mang theo mưa lớn khiến mực nước sông Hồng dâng cao và thường xuyên tạo lũ ồ ạt ở sông Thái Bình.
Mới đây, vào năm 1940, bão đã tàn phá đồng bằng Bắc Kỳ ở các khu vực Nam Định, Ninh Bình và Phủ Lý vào tháng 9 và tháng 10 gây thiệt hại tới 40% hoa màu ở các tỉnh nói trên.
Dân số
Số dân ở đồng bằng Bắc Kỳ hiện nay (năm 1942) là 7.000.000 người nếu tính cả Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, mật độ trung bình là 450 người/km2, đặc biệt ở một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hà Đông, con số này lên tới 600 người/ km2.
Những số liệu này còn tiếp tục tăng lên, tỉ lệ tăng trưởng dân số hàng năm là 13/1000, tức là cứ mỗi năm, thêm 80 đến 90.000 đứa trẻ được sinh ra.
Giả sử mỗi năm một người ăn hết 200kg gạo thì phải cần tới 1.400.000 tấn gạo tức là khoảng 2.160.000 tấn lúa để đảm bảo khẩu phần lương thực.
Sản lượng lúa ở Bắc Kỳ cũng không ngừng tăng lên và hiện nay có thể đối mặt với tốc độ tăng trưởng dân số lên tới 50% trong vòng 30 năm. Nhưng khả năng tốc độ tăng trưởng dân số bằng hoặc vượt mức tăng sản lượng là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, chính phủ Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp như tăng diện tích đất trồng, nâng cao sản lượng bằng cách đổi mới phương pháp trồng trọt, chọn giống, và phân bón.
Công tác phòng chống lụt bão
Lũ sông Hồng thường lên vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 10. Thực tiễn 50 năm qua cho thấy lũ lớn nhất vào tháng 7 và tháng 9, mực nước ở Hà Nội vào mùa khô là +2,25m nhưng vào mùa lũ có thể lên tới +11,00m. Đỉnh lũ kỷ lục vào đợt lũ 1940 là +12,00m.
Thủy chế ở sông Hồng khá biến động và khác biệt rõ rệt theo từng năm; chẳng hạn như năm 1941, sông Hồng hầu như không có lũ trong khi đó vào những năm khác, thường xuyên có nhiều đợt lũ nguy hiểm nối tiếp nhau.
|
Vỡ đê ở Phú Thọ |
Đường sắt bị hư hỏng do vỡ đê sông Thương, đoạn qua Vũ Giản
Chiều hướng chung của các đợt lũ là nước lên nhanh, rút nhanh, và lên xuống đồng thời ở sông cả và phụ lưu. Vì vậy, khi nước lên ở sông Hồng, sông Đà và sông Lô, có thể nhận thấy hạ lưu Việt Trì là nơi có lưu lượng nước lớn nhất.
Lũ ở sông Thái Bình không đáng sợ như ở sông Hồng, nhưng kinh nghiệm các năm 1937, 1938 và 1939 cho thấy không thể chủ quan đối với hiện tượng này. Thời điểm nước lên ở sông Thái Bình cũng muộn hơn sông Hồng. Mực nước ở Phả Lại đạt đến đỉnh điểm vào khoảng tháng 8 và tháng 9 hàng năm.
Năm 1937, xảy ra trận lũ lớn nhất ở Phả Lại với đỉnh lũ lên tới +5,68m trong khi số liệu trước đây chỉ được ghi nhận ở mức +4,86m.
Mặt khác, các phụ lưu nối sông Hồng và sông Thái Bình làm cho con sông này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các trận lũ ở sông Hồng.
Công trình thủy nông của Nam Triều
Các triều vua nước Nam cũng như các hoàng đế phương Bắc đều hết sức nỗ lực để đảm bảo an toàn cho nông thôn vào mùa lũ, đặc biệt là khu vực ven sông Hồng và các phân lưu của sông Hồng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có viết: năm 1909, đắp đê bên bờ sông ở làng Cơ Xá (tỉnh Hà Đông).
Dưới triều Lê, năm 1248, “Vua lệnh cho tất cả các tỉnh bắt đầu đắp đê từ thượng nguồn sông Hồng đến cửa biển”. Qua nhiều thế kỷ, mạng lưới đê điều ngày càng mở rộng, tuy nhiên do phương pháp thi công kém chất lượng, các công trình này dần bị phá hủy bởi xói mòn, ngập lụt.
|
Hộ đê trong cơn lũ |
Vào thế kỷ XVI, XVII và XVIII, rất nhiều cuộc khởi nghĩa, chiến tranh Trịnh Nguyễn, chiến tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài khiến cho việc tu bổ đê điều không được quan tâm. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhà Lê khởi động lại công tác đắp và tu bổ đê điều. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Nguyễn, sử sách mới ghi chép lại các đóng góp của vua nước Nam đặc biệt là vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Năm 1858, cho đào một con kênh dẫn ra sông Đuống thay thế con kênh phía thượng nguồn đã bị phù sa bồi lấp.
Vua Minh Mạng đã lập quy định và tổ chức việc hộ đê trong mùa lũ ở nhiều tỉnh đồng thời giải quyết các vấn đề tưới tiêu, chống hạn và tìm các giải pháp chung cho đồng bằng Bắc Kỳ. Cuốn Thật Lục triều vua Gia Long cũng đề cập đến cuộc điều tra về những lợi ích và nguy cơ của đê điều năm 1803.
Khi người Pháp chiếm Bắc Kỳ, đê sông Hồng và các phân lưu chính đều đã hoàn thành nhưng mức độ kiên cố không tương đồng; nhiệm vụ đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho đồng bằng châu thổ khỏi mối đe dọa của những cơn sóng dữ từ sông lớn.
Công trình thủy nông của Chính quyền Pháp
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Bảo hộ, nhiều Ban nghiên cứu, được giao nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp cho tình hình đáng lo ngại của đồng bằng Bắc Kỳ, đã nhóm họp vào các năm 1896, 1904, 1905, 1906, 1915, 1924 và 1926 để bàn về vấn đề này.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu của những nhiệm kỳ đầu vẫn mang nặng tính lý thuyết. Do thiếu tư liệu cần thiết, các kĩ thuật viên được giao phụ trách việc lập bản đồ quy hoạch chung cho vùng châu thổ, đã phải mò mẫm và tỏ ra khá ngần ngại trước núi việc khổng lồ.
Dần dần, tư liệu về vùng đất đã hình thành: thủy kế chung của đồng bằng Bắc Kỳ, bản đồ tỉ lệ 1/25.000 của Sở Địa dư Đông Dương, báo cáo quan sát một cách hệ thống và liên tục mực nước và lưu lượng nước mang đến cho các kĩ sư những hiểu biết chuyên sâu phục vụ công tác quy hoạch.
Dự án gia cố đê điều đầu tiên bắt đầu năm 1917 và hoàn thành năm 1922. Hiệu quả của dự án gây ấn tượng mạnh với tất cả mọi người. Dự án thứ hai quy mô lớn hơn được đưa ra bàn bạc vào năm 1924 và thi công năm 1926 khi xảy ra vỡ đê ở sông Hồng đoạn qua Lâm Du, đối diện Hà Nội.
Trận lũ năm 1926 là một trong những trận lũ lớn nhất vào thời kỳ đó, đỉnh lũ đo được ở Hà Nội là +11,92 mét.
Ngay sau đó, Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương Pouyanne đã trình Chính phủ Pháp một chương trình thi công gấp rút các công trình gia cố đê điều ở lưu vực sông Hồng.
Một ban phụ trách đê điều đã nhóm họp, nghiên cứu các đề nghị của Pouyanne và quyết định chương trình thi công. Chương trình năm 1926 được thi công liên tục và nhất quán đã tạo ra một mạng lưới đê điều hiệu quả.
Con số mét khối đất được đào đắp sau đây sẽ cho thấy nỗ lực của Nam triều trước năm 1885 và những đóng góp của người Pháp kể từ ngày đó đối với hệ thống đê điều ở Bắc Kỳ.
Trước năm 1885, nước Nam đã đào đắp tổng cộng 22.000.000 m đất.
3Từ thời người Pháp, con số đó tăng dần lên như sau:
Từ năm 1885 đến năm 1924: 44.000.000 m;
3Từ năm 1924 đến năm 1930: 73.800.000 m;
3 Từ năm 1930 đến năm 1935: 87.000.000 m;
3 Từ năm 1935 đến năm 1941: 100.000.000 m
3Tổng thanh tra công chính Đông Dương Pouyanne, trong nghiên cứu về hệ thống thủy nông Bắc Kỳ năm 1931, đã dự đoán con số mét khối đất được đào đắp sau chương trình năm 1926 sẽ là 77.000.000 m. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, đã có thêm rất nhiều công trình gia cố và đắp mới đê được thực hiện.
3Vụ vỡ đê năm 1937-1938 và 1939 chỉ xảy ra ở lưu vực sông Thái Bình, trong khi đó đê sông Hồng vẫn vững, điều đó cho thấy việc gia cố những con đê xung yếu đang là vấn đề cần thiết hơn so với gia cố đê sông Hồng.
Một chiến dịch gia cố đê ở sông Thái Bình, khu nội đồng sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Kinh Thầy đã được thúc đấy thực hiện bất chấp cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra năm 1939.
Chiến dịch gia cố này hoàn thành vào những năm 1942-1943, riêng dự án “từ Hải Phòng đến sông Lô” bị hoãn lại cho đến khi bắt đầu gia cố đoạn đê gần Phả Lại.
Mặt khác, trận lũ bất thường ở sông Hồng năm 1940 cho thấy nhu cầu phải gia cố đê ở vùng trũng, đặc biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng yên và Hà Nam. Một dự án gia cố các tuyến đê xung yếu ngay lập tức được thông qua và thực hiện trong mùa khô 1940-1941.
Kết luận
Mạng lưới đê điều ở đồng bằng Bắc Kỳ đã tỏ ra hiệu quả trong trận lũ lớn năm 1940. Những đoạn đê vỡ được ghi nhận không đáng kể. Trên tổng diện tích đất trong đê là 1.000.000 hec ta, chỉ có 7.500 hec ta đất bị ngập và chỉ có khoảng 750 hec ta hoa màu vụ tháng 10 bị thiệt hại hoàn toàn.
Toàn bộ mạng lưới đê điều tính đến thời điểm hiện tại (năm 1942) là 926 km.
Hiện nay, hệ thống đê sông Hồng có tổng chiều dài lên tới 1.314km và vẫn tiếp tục được gia cố nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống của hàng triệu người dân sống trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bùi Thị Hê – Trung tâm LTQG I
1. Kỷ thứ tư hay còn gọi là kỷ Đệ tứ là một giai đoạn trong niên đại địa chất theo Ủy ban Địa tầng quốc tế
2. Nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình
3. Bách khoa toàn thư Việt Nam ghi là 1.126km
4. Tên gọi của một số địa danh dưới thời Pháp : Rivière Noire : sông Đà, Rivière Claire : sông Lô, Canal des Rapides : sông Đuống, Canal des Bambous : sông Luộc, Sept-Pagodes : Phả Lại
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945 (2005), Nxb Giáo dục
2. Lưỡng Kim Thành, Vua chúa triều Nguyễn, chín đời chúa mười ba đời vua (2011), Nxb Thuận Hóa
3. TC826.Indochine hebdomadaire illustré, số 87, ra ngày 30/4/1942