Những vật phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như mô hình trống đồng, Khuê văn các, trang phục áo dài trên chất liệu lụa truyền thống, gốm Chu đậu, đồ sơn mài, mây tre... đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn kỹ càng mang tới trưng bày tại triển lãm mang tên “Không gian Văn hoá Việt Nam”.
Triển lãm được tổ chức tại Thư viện Đại học George Mason (GMU), bang Virginia, và kéo dài từ cuối tháng 3 đến ngày 15/8.
Phu nhân Đại sứ Trần Thị Bích Vân giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Việt Nam với các vị khách quốc tế tại Triển lãm. Ảnh: Kiều Trang/PV TTXVN tại Washington D.C, Mỹ
“Không gian Văn hoá Việt Nam” được đặt tại Trung tâm nghiên cứu các bộ sưu tập đặc biệt của Thư viện GMU. Đây là sự hợp tác hết sức hiệu quả giữa Hội Phu nhân, Phu quân của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Trường Kinh doanh Costello thuộc Đại học George Mason nhằm đưa giá trị văn hoá, đất nước và con người Việt Nam đến gần với sinh viên, thầy cô giáo, bạn bè Mỹ và quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mỹ, Chủ tịch Hội phu nhân, Phu quân - Phu nhân Đại sứ Trần Thị Bích Vân - cho biết đây là một trong chuỗi những hoạt động quảng bá Văn hóa Việt Nam mà Hội đã lên kế hoạch từ đầu năm. Trong thời gian tới, Hội Phu nhân, Phu quân sẽ cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thực hiện nhiều chương trình mang “không gian Văn hóa Việt” đến các trường đại học tại Mỹ và những không gian cộng đồng có sức lan tỏa đến đông đảo bạn bè Mỹ và bạn bè quốc tế tại Mỹ.
Khách quốc tế tham quan những hình ảnh mô phỏng biểu tượng văn hóa Việt Nam tại triển lãm. Ảnh: Kiều Trang/PV TTXVN tại Washington D.C, Mỹ
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ bày tỏ mong muốn thiết lập “Góc Việt Nam” ở Thư viện GMU trong buổi Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tiếp Hiệu trưởng Trường Costello - ông Ajay Vinzé, ý tưởng ban đầu đã nhanh chóng được hiện thực hóa thành “Không gian Văn hoá Việt Nam”.
Ông Vinzé đánh giá rất cao ý nghĩa của Triển lãm. Trường Kinh doanh Costello chia sẻ: “Đây là bước khởi đầu cho sự hợp tác tuyệt vời giữa Việt Nam và Đại học George Mason. GMU đang tìm cách mở rộng các hình thức hợp tác với Việt Nam. Chắc chắn sẽ là trao đổi về học thuật và tương tác giữa các trường đại học. Chúng tôi cũng mong đợi những hoạt động trao đổi về hợp tác đào tạo và kết nối văn hóa với Việt Nam vì trường chúng tôi cũng có khá nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học nhiều ngành khác nhau. Triển lãm này chính là cách để thiết lập những mối quan hệ đó. Vì khi sinh viên Việt Nam đến đây, các em có cảm giác như mình có một ngôi nhà ở đây. Và đây cũng là một cách giáo dục sinh viên về các khía cạnh văn hóa, xã hội và lịch sử của Việt Nam”.
Tiết mục múa Sen tại sự kiện.Ảnh: Kiều Trang/PV TTXVN tại Washington D.C, Mỹ
Lễ khai mạc Triển lãm Không gian Văn hoá Việt Nam đã được mở màn một cách sinh động với tiết mục múa Sen và trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam do chính các phu nhân trong Hội Phu nhân, Phu quân của Đại sứ quán tự biên tự diễn. Hình ảnh tà áo dài thướt tha, áo bà ba đằm thắm, chiếc nón quai thao, áo tứ thân mớ ba, mớ bảy và bộ váy áo mũ của dân tộc H’Mông… đã thu hút các thầy cô và các bạn sinh viên của GMU bởi vẻ đẹp duyên dáng và sự rực rỡ của những sắc màu.
Tham quan khu trưng bày Không gian Văn hoá Việt Nam, các bạn bè quốc tế đều trầm trồ khen ngợi khi được trải nghiệm lịch sử văn hoá Việt Nam qua những bộ trang phục áo dài, qua hình ảnh những con rối bằng sứ, những lọ hoa gốm Chu Đậu, đồ sơn mài, mây tre, tranh dân gian Đông Hồ theo phong cách hiện đại của hoạ sĩ trẻ Xuân Lam, lụa De Silk với giá trị văn hoá Đông Tây kết hợp. Đặc biệt nhất là 3 mẫu vật làm bằng tăm tre của Công ty Boarc, gồm: Trống đồng, Khuê văn các và Bản đồ Việt Nam.
Ông Vinzé vui mừng thông báo trong tháng 6 tới, GMU sẽ cử phái đoàn sang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số trường đại học của Việt Nam. Quan hệ đối tác với các cơ sở giáo dục này sẽ được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau. GMU đang xem xét quan hệ đối tác thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên, tìm cách thay đổi hình thức hợp tác giáo dục, có thể là thực hiện một phần hoạt động giáo dục ở Việt Nam và một phần ở Mỹ. Nhiều trường cũng đề nghị tham gia Quỹ Nghiên cứu của GMU. Ông hy vọng các giảng viên của GMU sẽ đến Việt Nam và các giảng viên của Việt Nam sẽ tới thăm mô hình của GMU. Trường Kinh doanh Costello mong muốn mọi khía cạnh của GMU đều đóng góp cho quan hệ hợp tác với Việt Nam, bởi đây thực sự không phải là mối quan hệ một chiều mà là mối quan hệ nhiều chiều.
Khách quốc tế tham quan những hình ảnh mô phỏng biểu tượng văn hóa Việt Nam tại triển lãm Ảnh: Kiều Trang/PV TTXVN tại Washington D.C, Mỹ
Trong khi đó, bà Cindy Shao - Chủ tịch Phòng Thương mại Người Mỹ gốc Á, người rất tích cực thúc đẩy triển khai dự án Triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam tại GMU - cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam đã tạo điều kiện để cá nhân bà hiểu biết nhiều hơn về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bà rất ấn tượng về trang phục áo dài, về chất liệu lụa truyền thống Việt Nam và cuốn sách về trang phục cổ của các triều đại Lê, Lý được trưng bày tại Triển lãm. Bà cũng đang lên kế hoạch đến thăm Việt Nam trong năm nay để trực tiếp khám phá và trải nghiệm những điều hấp dẫn của văn hóa và con người Việt Nam - những gì mà vị Chủ tịch Phòng Thương mại Người Mỹ gốc Á mới chỉ được nhìn thấy tại Washington, D.C.
Kiều Trang - Hồng Nguyên (TTXVN)