Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/10/2021 10:45 1381
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Chiều ngày 5/10/2021, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Munch tại Oslo đã tổ chức gặp mặt trực tuyến với báo chí và các bảo tàng ở Hà Nội nhân dịp ra mắt Bảo tàng Munch vào ngày 22/10/2021, tại Thủ đô Oslo, Na Uy. Sự kiện do bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và ông Stein Olav Henrichsen - Giám đốc bảo tàng Munch chủ trì.

 

Toàn cảnh buổi gặp mặt trực tuyến

Bảo tàng Munch là nơi trưng bày bộ sưu tập lớn nhất thế giới về các tác phẩm của nghệ sĩ người Na Uy - Edvard Munch (1863 - 1944). Ông là họa sĩ Na Uy theo trường phái tượng trưng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bức tranh Tiếng Thét, đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của nghệ thuật thế giới.

Bảo tàng cũ được xây dựng sau Thế chiến II tại vùng ngoại ô khá nghèo nàn của Oslo, song nơi này được cho là nơi không xứng đáng để trưng bày một bộ sưu tập vô giá như vậy. Năm 2008, hội đồng thành phố Oslo đã thông qua kế hoạch xây dựng bảo tàng mới. Tuy nhiên, đã có nhiều tranh cãi về kinh phí, địa điểm xây dựng và cả bản thiết kế khiến dự án bị trì hoãn. Trải qua nhiều năm, năm 2013, Chính phủ Na Uy quyết định “sẽ giúp hình thành một bảo tàng Edvard Munch mới, cả về tài chính lẫn công việc tổ chức”.

 

Bảo tàng Munch chiếm một vị trí nổi bật trên bờ sông gần Nhà hát Opera Oslo do công ty Na Uy Snøhetta hoàn thành.

 

Mặt đứng chính của tòa nhà

Bảo tàng mới được thiết kế bởi estudio Herreros - công ty kiến trúc có uy tín đã dành được nhiều giải thưởng danh giá.

Bảo tàng Munch mới lớn gấp 5 lần so với bảo tàng hiện tại, sẽ trở thành bảo tàng lớn nhất thế giới dành riêng cho một họa sĩ. Công trình cao 13 tầng, với 11 phòng trưng bày mới, và không gian trưng bày rộng 4,500 m2, khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập lớn nhất thế giới của Edvard Munch.

Đến với Bảo tàng Munch, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm của Edvard Munch ở toàn bộ 13 tầng của tòa nhà. Phần lớn tác phẩm trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Munch là những bức tranh mà Edvard Munch đã tặng lại thành phố Oslo sau khi ông mất - với hơn 26,700 bức tranh, bản in, ảnh chụp, bức vẽ và tranh màu nước của họa sĩ trong giai đoạn từ 1873 đến 1944. Ngoài các bức tranh, đặc biệt là tranh mầu nước và bản in khắc gỗ là những thể loại được biết đến nhiều nhất của ông, Munch còn để lại một chiếc máy ảnh Kodak năm 1902 và hiện được xem là một trong những nghệ sĩ đầu tiên thử nghiệm việc chụp ảnh chân dung tự họa.

Điểm nhấn của bảo tàng là các bức tranh tường hoành tráng lấy cảm hứng từ những tác phẩm nổi tiếng của cố nghệ sĩ như bức Mặt trời (1909) với chiều dài gần 8m và một số phiên bản của Tiếng Thét, gồm một bản sơ khảo bằng phấn mầu năm 1893 và một bản vẽ hoàn thành sau đó (năm 1910).

 Bộ sưu tập của Bảo tàng còn bao gồm hàng nghìn các vật phẩm khác được tặng lại cho thành phố theo di chúc của Edvard Munch như các đĩa in và đá thạch bản cùng với hàng ngàn bức thư và khoảng 10.000 đồ vật là đồ dùng cá nhân của nghệ sĩ.

Cùng với mong muốn có thêm cơ hội để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Edvard Munch, Bảo tàng mới cũng sẽ là nơi tổ chức các cuộc triển lãm lớn dành cho các nghệ sĩ Na Uy và quốc tế, để khám phá những ảnh hưởng lâu dài của ông đối với các thế hệ nghệ sĩ đi sau.

Tại buổi gặp mặt, Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: “Tôi rất vinh dự được chia sẻ thông tin này tới các khán giả Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao năm nay. Edvard Munch là nghệ sĩ có vị trí đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật của Na Uy cũng như quốc tế. Ông đã rất hào phóng khi tặng lại toàn bộ tài sản của mình cho thành phố Oslo, bao gồm rất nhiều hiện vật trong đó có hơn 28.000 tác phẩm nghệ thuật và hàng loạt các bản văn, bức thư, ảnh chụp, thiết bị và các tư trang cá nhân khác”.  

Ông Stein Olav Henrichsen, Giám đốc Bảo tàng Munch nhấn mạnh: “Cuối cùng, chúng tôi cũng có thể cho tất cả mọi người thấy giá trị mà tòa nhà này sẽ đóng góp cho thành phố Oslo cũng như tất cả những điều thú vị mà tòa nhà sẽ mang lại. Chúng tôi rất mong chờ tới ngày mở cửa bảo tàng 22/10/2021”.

 

Thu Nhuần

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: