Phương thức mới này sẽ giúp các bảo tàng nghệ thuật đủ sức xoay sở trong nguồn ngân sách eo hẹp của mình. Tuy nhiên, đi kèm với đó, các bảo tàng sẽ phải bỏ ‘cái tôi’ của mình sang một bên để chia sẻ quyền sở hữu và sắp đặt tác phẩm với các tổ chức khác.
Đầu năm nay, Dia Art Foundation và Bảo tàng Mỹ thuật Houston cùng mua lại tác phẩm khổng lồ Double Merge (1968) của Sam Gilliam. Tác phẩm hiện được trưng bày tại Dia:Beacon. Ảnh: Bill Jacobson studio
Khách đến tham quan bảo tàng Dia:Beacon không mất nhiều thì giờ để mê mẩn tác phẩm trừu tượng với màu sắc rực rỡ Double Merge (1968) của Sam Gilliam, một tấm vải bạt khổng lồ đổ xuống như thác nước từ trần nhà. Bảo tàng đã mượn tác phẩm này từ một nhà sưu tập tư nhân và trưng bày nó cách đây hai năm. “Khách tham quan của chúng tôi say mê tác phẩm”, giám đốc Dia Art Foundation - và cũng là người đứng đầu bảo tàng, Jessica Morgan, cho biết, “Với những tác phẩm trong Dia:Beacon, một khi bạn sắp đặt chúng, bạn sẽ nhận ra rằng chúng đang mở ra những cánh cửa và con đường cho tiềm năng của bộ sưu tập, ngoài ra bạn còn chứng kiến mối quan hệ giữa các tác phẩm - điều mà trước đây bạn chưa từng tưởng tượng ra. Chúng tôi càng nóng lòng hơn mỗi khi nghĩ về việc ‘làm sao có thể đưa tác phẩm này vào bộ sưu tập?’”. Tác phẩm của Gilliam đã tăng lên hàng triệu đô trong vài năm qua, một con số quá cao đối với hầu hết các bảo tàng, nhất là khi ngân sách của họ vô cùng khiêm tốn.
Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, công chúng đã sửng sốt khi biết tin Dia đã mua được tác phẩm - bằng một cách thú vị: họ mua chung với một tổ chức cách đó gần 1.700 dặm, Bảo tàng Mỹ thuật Houston (MFAH). Với phương thức này, tác phẩm sẽ được trưng bày ở Houston vào năm tới, và sau năm năm, nó sẽ trở lại Beacon.
Năm vừa qua là một năm khó khăn đối với các bảo tàng. Hàng loạt bảo tàng đã lâm vào tình cảnh khó khăn về mặt tài chính và cuối cùng phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự. Vào tháng 6 vừa qua, Liên minh các Viện bảo tàng Hoa Kỳ đã công bố kết quả một cuộc khảo sát, ước tính rằng các cơ sở nghệ thuật Hoa Kỳ sẽ mất “nhiều năm” để phục hồi sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu; cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng 56% đã đưa ra thông báo cắt giảm hoặc sa thải nhân sự kể từ tháng 3 năm 2020.
Đồng thời, các bảo tàng đang có một nhu cầu cấp thiết đó là mua lại các tác phẩm của những nữ nghệ sĩ và nghệ sĩ da màu - nhằm đa dạng hóa tác phẩm, từ đó phản ánh tốt hơn toàn bộ phạm vi lịch sử nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ trong số đó, như Gilliam, đã trở thành mục tiêu săn lùng giữa các nhà sưu tập tư nhân. “Việc mua lại những tác phẩm lớn ngày càng khó, vì giá cả đã đạt đến mức mà chỉ một số nhà sưu tập tư nhân mới trả nổi”, Morgan chia sẻ. Một số bảo tàng đã chuyển sang nhượng quyền tác phẩm, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco đã bán một tác phẩm của Mark Rothko vào năm 2019 để mua các tác phẩm của Mickalene Thomas, Frank Bowling, Leonora Carrington và nhiều nghệ sĩ khác. Nếu các bảo tàng có thể giải quyết được một số vấn đề hậu cần thì việc mua chung có thể là một phương án hợp lý giúp họ thêm các tác phẩm mới vào bộ sưu tập của mình mà vẫn xoay sở được với nguồn ngân sách eo hẹp.
“Tôi nghĩ đồng sở hữu là một ý tưởng tuyệt vời”, giám đốc MFAH Gary Tinterow nói. Các tổ chức nghệ thuật phải “cung cấp cho công chúng những trải nghiệm thị giác phong phú nhất, tốt nhất, đa dạng nhất và thú vị nhất. Đó là công việc của chúng tôi. Và có ba cách để làm điều đó: sở hữu các tác phẩm nghệ thuật, mượn các tác phẩm nghệ thuật, cùng sở hữu các tác phẩm nghệ thuật.” Theo ông, Double Merge là “một trong số những nỗ lực đáng chú ý của bảo tàng” nhằm có được nhiều tác phẩm hơn của những nghệ sĩ da màu.
“Đó có vẻ như là một phương án tuyệt vời đối với tất cả các tổ chức”, Morgan nói. “Quan trọng là chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm, tôi nghĩ sẽ thật đau khổ khi có những tác phẩm không bao giờ được đưa ra ngoài ánh sáng vì bất kỳ lý do gì. Nhìn chung, đây có vẻ là một hướng đi đầy cấp tiến và nó chắc chắn sẽ là xu hướng tương lai trong việc xây dựng bộ sưu tập.”
Khó khăn dồn dập
Thực chất, việc mua chung hiện vật trưng bày đã diễn ra từ đầu thế kỷ 20, nhưng thường là với các hiện vật khảo cổ học. Nó chỉ được áp dụng với lĩnh vực nghệ thuật hiện đại và đương đại trong thời gian gần đây, và đến thế kỷ 21 thì nó thậm chí còn mở rộng sang các hình thức hợp tác quốc tế. Năm 2003, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney ở New York, Phòng trưng bày Tate ở London, và Trung tâm Compidou ở Paris đã cùng mua lại video tác phẩm sắp đặt Five Angels for the Millennium (2001) của Bill Viola. Các bảo tàng châu Âu, vốn không nhận được sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân như các viện nghệ thuật ở Mỹ, có thể dễ dàng mua các tác phẩm nghệ thuật hơn; bên cạnh tiền mua, các cơ sở cũng chia sẻ các chi phí liên quan đến việc duy trì và lưu trữ hệ thống lắp đặt quy mô lớn.
Năm 2003, Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney ở New York; Phòng trưng bày Tate
ở London và Trung tâm Pompidou ở Paris cùng mua bản video tác phẩm sắp đặt Five Angels for the Millennium (2001) của Bill Viola. Ảnh: Kira Perov/ Bill Viola Studio
“Đây là một bước ngoặt đối với các bảo tàng ở New York, vì nó đã mang lại cơ hội được sở hữu một tác phẩm có độ phứctạp cao, quy mô lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để sắp đặt”, Maxwell Anderson, người khởi xướng vụ mua chung, lúc bấy giờ là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney, cho biết.
Thoạt nghe có vẻ phức tạp, nhưng theo Anderson, “quyền đồng sở hữu không hề rủi ro hơn so với các hợp đồng được ký kết một cách lặng lẽ và đầy miễn cưỡng của các bảo tàng trên toàn quốc”. Tuy vậy, kể từ tác phẩm của Bill Viola trở đi, “chúng tôi đã chứng kiến một số nơi cũng nỗ lực tiến hành các thỏa thuận đồng sở hữu, nhưng đều không thành công. Giám đốc MFAH Gary Tinterow cho rằng “một trở ngại lớn đối với các tổ chức là quyền kiểm soát” - vì các bên tham gia thương vụ mua chung không có quyền đơn phương bán hoặc trưng bày một tác theo ý muốn. Viễn cảnh bị hạn chế quyền tác động và sở hữu tác phẩm khiến các bảo tàng mất hứng và không muốn ký kết thỏa thuận mua chung. (Trên thực tế, vào thời điểm mua tác phẩm của Viola, Kathy Halbreich, lúc đó là giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Walker ở Minneapolis, đã chia sẻ với New York Times rằng “những ngày này không ai trong chúng tôi có đủ khả năng để tự lực”, vì vậy “chúng tôi chỉ cần đặt cái tôi của mình sang một bên”.)
Những yếu tố khác cản trở các thỏa thuận đồng sở hữu giữa bảo tàng đều rất thực tế. Đối với các tác phẩm phức tạp như Double Merge của Gilliam hay bất kỳ hiện vật nào, vận chuyển càng nhiều lần thì mức độ rủi ro càng gia tăng. Ngoài ra, các bên mua chung còn phải đối diện với những vấn đề về bảo quản, lưu trữ, đơn xin cho vay và các vấn đề phức tạp về pháp lý khác. Paul Martineau, giám tuyển khu trưng bày nhiếp ảnh tại Bảo tàng Getty ở Los Angeles - nơi đã bổ sung thêm hơn 2.000 tác phẩm của Robert Mapplethorpe vào bộ sưu tập của mình, cho rằng đồng sở hữu là một phương án hợp lý đối với các tổ chức muốn mua một tác phẩm “hoàn toàn ngoài tầm với, nhưng nó cũng kéo theo những khó khăn về mặt hậu cần”, ông lưu ý. “Và đôi khi nó là yếu tố lớn cản trở thỏa thuận hợp tác.”
Cố vấn cho các tổ chức văn hóa, András Szántó, cho rằng một bất lợi nữa là các bảo tàng vẫn chưa quen với việc đồng sở hữu tác phẩm, dù rằng “hoạt động này mang lại các lợi ích về ngân sách, khả năng trưng bày, lưu trữ và bảo quản các tác phẩm.”
Theo ông, “các bảo tàng đã có những cơ chế rõ ràng cho việc mượn tác phẩm và tổ chức triển lãm lưu động, nhưng phương thức đồng sở hữu thì vẫn còn khá mới mẻ, mà các bảo tàng thì lại không quen thử nghiệm những cách thức mới”. Đối với các bảo tàng, “bất cứ điều gì chưa từng có trong tiền lệ hoặc không phù hợp với cơ chế thì sẽ đều trở thành thách thức. Tôi nghĩ, nhìn chung mọi người sẽ nhất trí rằng việc đồng sở hữu là một ý tưởng hay, tuy nhiên việc thực hiện thì lại quá phức tạp, rắc rối - và điều đó khiến mọi người nản lòng.”
Tương lai bỏ ngỏ
Bất chấp việc nhiều bảo tàng không mấy mặn mà với việc đồng sở hữu tác phẩm, thập kỷ qua vẫn chứng kiến nhiều thương vụ mua chung đáng chú ý. Vào năm 2013, Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco cùng mua lại tác phẩm sắp đặt đa phương tiện The Refusal of Time (2012) của William Kentridge; và vào năm 2016, SFMOMA và Bảo tàng Nghệ thuật Dallas đã hợp tác để cùng mua tác phẩm Large Rod Series: Circle/Rectangle, 5, 7, 9, 11, 13 (1986) của Walter De Maria.
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại
San Francisco đã cùng mua lại tác phẩm sắp đặt đa phương tiện The Refusal of Time (2012) của William Kentridge vào năm 2013. Ảnh: AP/ Doug Peters.
Và những thương vụ đồng sở hữu không chỉ giới hạn ở các tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 2020, Bảo tàng Nghệ thuật Harvard ở Cambridge, Massachusetts và Bảo tàng Georgia O'Keeffe ở Santa Fe, New Mexico, đã cùng nhau mua lại 20 dạng màu bột - bao gồm cả các sắc độ của màu đen và màu chàm mà O'Keeffe đã sử dụng. Họ đã mua lại những lọ màu này tại buổi đấu giá Sotheby's New York vào mùa xuân năm ngoái với giá khoảng 56.000 USD. Narayan Khandekar, giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Kỹ thuật Straus và là chuyên gia bảo tồn tại Bảo tàng Nghệ thuật Harvard, cho biết chúng sẽ giúp các chuyên gia nghệ thuật hiểu rõ hơn về quá trình sáng tác của O’Keeffe. .
Đây là một phần trong nỗ lực hợp tác nghiên cứu giữa hai bảo tàng, họ sẽ sử dụng những mẫu vật liệu nhỏ vào mục đích nghiên cứu khoa học. Khandekar ví thỏa thuận với Bảo tàng O'Keeffe là “quyền đồng bảo hộ”, và việc quản lý các lọ bột màu sẽ phụ thuộc vào việc tổ chức nào giữ chúng trong thời điểm ấy.
Georgia O’Keeffe đã bảo quản các lọ bột màu của mình trong một chiếc thùng gỗ. Trong hình là một số lọ bột màu đã được Bảo tàng Nghệ thuật Harvard chọn lọc trong bộ sưu tập. Ảnh: Caitlin Cunningham/ President and fellows of Havard College.
Những thỏa thuận khác thì phân chia thời gian cụ thể hơn. Chẳng hạn, Double Merge sẽ được trưng bày qua lại giữa Dia và MFAH sau mỗi năm năm. Bảo tàng sở hữu tác phẩm sẽ phải đảm bảo việc bảo dưỡng và quyết định thời gian trưng bày nó. Tuy nhiên, Khandekar cho rằng không nên quá bận tâm hay tính toán chi li về số ngày và giờ mỗi bên sở hữu, đó không phải là ý nghĩa của việc đồng sở hữu. “Với tôi, điều quan trọng là việc mua các lọ bột màu sẽ thu hút sự chú ý của công chúng. Nếu mọi người quan tâm đến việc này, chúng tôi sẽ hiểu rằng mình đang đi đúng hướng trong việc khơi gợi sự hứng thú của mọi người.”
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ: Liệu các vụ mua chung có phải là xu hướng trong tương lai của giới nghệ thuật hay không khi các bảo tàng bắt đầu thích nghi với bối cảnh hậu COVID-19. Các hiện tượng gần đây như cơn sốt NFT và những trải nghiệm nhập vai như tác phẩm sắp đặt Infinity Mirror Room của Yayoi Kusama và những buổi triển lãm số tác phẩm của van Gogh có thể thay đổi cách đầu tư và xây dựng các hiện vật trong bộ sưu tập, Anderson cho biết. “Công chúng dường như đang tập trung vào các trải nghiệm và sự kiện tạm thời, điều này góp phần gia tăng áp lực đối với các bộ sưu tập hiện vật”, ông nói.
Szántó cũng chỉ ra rằng thế giới nghệ thuật có “mong muốn hợp tác một cách hệ thống, bài bản, nhưng có rất ít những thương vụ hợp tác đã diễn ra trên thực tế”, ngay cả trong bối cảnh họ phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Dù vậy, nhiều bảo tàng vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai của hình thức đồng sở hữu tác phẩm. Một lợi ích quan trọng đó là nhiều người, ở nhiều khu vực khác nhau, sẽ có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm này. “Đây là một tác phẩm nghệ thuật cực kỳ quan trọng”, Morgan nói về tác phẩm của Gillian. “Và sẽ tốt hơn nếu nó được trưng bày ở nhiều địa điểm thay vì chỉ duy nhất một nơi.”
Anh Thư tổng hợp
Nguồn: Why Joint Acquisitions May Be the Way Forward for Cash-Strapped Museums