Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/09/2021 08:33 1346
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bản chạm khắc trên đất sét mô tả nhiều phần trong "Sử thi Gilgamesh” - một trong những tác phẩm văn học lâu đời nhất trong lịch sử loài người; cổ vật bị đánh cắp được nhập lậu vào Mỹ hồi năm 2003.

  

Phiến đất sét khắc sử thi Gilgamesh được bán với giá 1,67 triệu USD cho chuỗi thủ công mỹ nghệ Hobby Lobby để trưng bày tại Bảo tàng Kinh thánh ở Washington (Mỹ). (Nguồn: washingtonpost.com)

Ngày 23/9, một phiến đất sét khắc sử thi Gilgamesh, niên đại 3.500 năm trước đây, đã được trao trả Iraq. Cổ vật này bị đánh cắp cách đây 3 thập kỷ và được nhập lậu vào Mỹ.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận ở Washington, Bộ trưởng Văn hóa Iraq Hassan Nazim nhấn mạnh việc hoàn trả cổ vật này mang ý nghĩa trả lại sự tự tôn và lòng tin trong xã hội Iraq.

Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng cổ vật này chứa đựng các giá trị văn hóa và giá trị lịch sử to lớn. Bản chạm khắc trên đất sét mô tả nhiều phần trong "Sử thi Gilgamesh” - được xem là một trong những tác phẩm văn học lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Sử thi kể câu chuyện về một vị vua hùng mạnh thời Văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamian) trong hành trình tìm kiếm sự bất tử.

Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), bà Audrey Azoulay, đánh giá sử thi Gilgamesh là "báu vật của nhân loại" và việc cổ vật trên được đưa trở lại Iraq là "một chiến thắng lớn đối với cộng đồng quốc tế chống lại những kẻ phá hoại các di sản."

Trợ lý của Tổng Chưởng lý Mỹ, ông Kenneth Polite cho rằng "bản thân việc hồi hương cổ vật này cũng được coi là một phần sử thi."

Theo ông Polite, phiến đất sét chạm khắc các ký tự hình nêm được cho là bị đánh cắp khỏi một bảo tàng ở Iraq vào năm 1991, trong thời gian diễn ra Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Năm 2001, phiến đất sét cổ xuất hiện ở Anh. Một nhà buôn nghệ thuật người Mỹ đã mua lại cổ vật này từ một gia đình người Jordan ở London vào năm 2003, trước khi nó được đưa đến Mỹ mà không khai báo trung thực nguồn gốc xuất xứ.

Năm 2007, cổ vật này được bán cho các đại lý đồ cổ với giá 50.000 USD kèm giấy chứng nhận xuất xứ giả mạo. Năm 2014, chủ sở hữu chuỗi thủ công mỹ nghệ Hobby Lobby, gia đình Green, đã chi 1,67 triệu USD mua lại cổ vật với mong muốn trưng bày tại Bảo tàng Kinh thánh của họ ở Washington.

Tuy nhiên, năm 2017, một người phụ trách bảo tàng đã nghi ngờ các giấy tờ liên quan tới cổ vật này. Đến năm 2019, nhà chức trách Mỹ đã thu giữ cổ vật.

Nhiều hiện vật lịch sử của Iraq đã bị đánh cắp hoặc bị cướp phá trong nhiều thập kỷ. Bộ Văn hóa nước này kêu gọi các tổ chức xem xét kỹ những hiện vật có nguồn gốc đáng ngờ trong nỗ lực tìm kiếm các báu vật như vậy.

Trong tháng Bảy vừa qua, Mỹ đã trao trả Iraq khoảng 17.000 đồ tạo tác cổ. Các cổ vật chủ yếu có niên đại từ thời Sumer khoảng 4.000 năm trước đây - một trong những nền văn minh Lưỡng Hà lâu đời nhất./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn

Chia sẻ: