Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, năm 1781, trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn; thuyền của Nguyễn Phúc Ánh bị chìm gần vàm Trà Lọt. Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện chèo xuồng ra cứu thoát và đưa về nhà tá túc. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Phúc Ánh nhận con trai trưởng của ông Toại và bà Nguyễn Thị Lập là Lê Văn Duyệt (17 tuổi) vào quân ngũ, sau phong chức Cai cơ coi sóc nội binh.
Lê Văn Duyệt và em là Lê Văn Phong đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh nam chinh bắc chiến, lập nhiều công lao. Sau ngày chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, anh em Lê Văn Duyệt - Lê Văn Phong được phong tước hàm và giữ những vị trí quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn. Lê Văn Duyệt là Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Phong là Hiệp trấn Bắc thành.
Năm 1804, năm Gia Long thứ 3, nhân Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được phong tước hàm, ông Lê Văn Toại có ra kinh thành Huế chầu vua Gia Long, được vua phong hàm "Vũ Huân tướng quân chưởng cơ hầu" và ban khăn áo.
Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông Lê Văn Toại qua đời, vua Minh Mạng ban tặng chức Thống chế hàm Chánh nhị phẩm, tên thụy là Cung Tỉnh. Mộ ông Lê Văn Toại ở thôn Thạnh Hòa, làng Long Hưng, tỉnh Định Tường, được Đức Tả quân Lê Văn Duyệt lập và dựng bia tháng hai năm Tân Tỵ (1821), chữ khắc trên bia: Hiển khảo Vũ Huân Tướng Quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê hầu chi mộ.
Vợ ông Lê Văn Toại là bà Nguyễn Thị Lập qua đời năm 1813. Đức Tả quân dựng bia năm Giáp Tuất 1814, chữ khắc trên bia: Hiển tỷ Khâm sai Chương cơ Lê hầu Chánh thất Nguyễn phu nhơn chi mộ. Năm Minh Mạng 8 (1827), ông Lê Văn Toại được truy tặng Tráng võ tướng quân Trụ quốc Đô thống. Bà Nguyễn Thị Lập được gia tặng Tráng võ Tướng quân Trụ quốc Đô Thống Lê công Chánh thất, Nhứt phẩm phu nhơn, thụy là Trinh Thuận.
Cùng với hai ngôi mộ thân sinh Đức Tả quân trên nền gạch cao, xung quanh có nhiều ngôi mộ hợp thành một khu mộ rộng hơn ngàn mét vuông, chia làm hai vùng và thành nơi thờ cúng ông Lê Văn Toại, bà Nguyễn Thị Lập của con cháu họ Lê tại Long Hưng.
Mộ vọng Đức Tả quân với bình phong Bạch Hổ - Ảnh: D.H.P |
Sau ngày Đức Tả quân Lê Văn Duyệt tạ thế (1832), một ngôi mộ vọng Đức Tả quân có bình phong đắp hình Bạch Hổ, được dân làng lập phía trước mộ bà Nguyễn Thị Lập cách vài mươi thước, để tưởng nhớ và tri ân một hậu duệ họ Lê kiệt xuất, một danh nhân của đất Định Tường (Tiền Giang ngày nay).
Thế nhưng, vụ án Lê Văn Khôi chống lại triều đình (1833-1835) và chỉ dụ vua Minh Mạng buộc tội họ Lê Văn đã xóa đi tất cả công lao, phẩm hàm vua ban cho thân sinh Đức Tả quân; khiến con cháu họ Lê tại làng Long Hưng phải dắt nhau trốn khỏi quê nhà, thay tên đổi họ tránh họa tru di. Tất cả ruộng đất của họ tộc Lê Văn bị tịch thu sung vào công điền.
Theo thời gian, hai ngôi mộ thân sinh Đức Tả quân với mộ bia bị quan làng đục bỏ phẩm hàm vua ban, đã nhuộm sắc rêu phong. Các ngôi mộ đá nằm trong khu mộ cũng trở nên hoang phế. Lối đi đầy cỏ dại. Cây cảnh hoang tàn. Vắng lặng.
Đến đời vua Tự Đức (1849), nhờ các vị quan triều đình dâng sớ tấu xin mà án oan của họ Lê Văn mới được giải, con cháu không còn bị truy sát, ông bà tổ tiên lại được phục hồi tước hàm vua ban. Quan tỉnh Định Tường vâng mệnh vua, tìm được ông Lê Văn Niên (con bà Lê Thị Hổ, em gái út của Đức Tả quân), giao lại 32 mẫu ruộng để làm hương hỏa phụng thờ thân sinh Đức Tả quân. Lại tìm ra ông Lê Văn Thi (cháu nội Tả dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong) đưa về Gia Định cùng làng xã xây dựng nơi thờ tự Đức Tả quân, sau nhiều lần trùng tu nay là Lăng Đức Thượng công tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Họ tộc Lê Văn tại làng Long Hưng chịu kiếp nạn 13 năm, sau khi án oan được giải, có người trở về dựng miếu thờ họ tộc, hương khói tổ tiên, mả mồ ấm lại. Số đông con cháu họ Lê bỏ trốn trước đây đã không về lại Long Hưng vì án tru di là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Trong thời Pháp thuộc, một lần nữa con cháu họ Lê Văn trên đất Long Hưng phải rời quê quán ra đi. Rồi chiến tranh, loạn lạc triền miên, khu mộ họ Lê Văn làng Long Hưng rừng cây che khuất, ít người lui tới, chìm vào lãng quên.
Phải đến sau ngày chiến tranh kết thúc, dân chúng trong vùng trở về phát hoang, tìm được dấu tích khu mộ xưa, đã trình báo chính quyền rồi lập nhà thờ tre lá khói hương cầu Đức Tả quân, cầu "ông Cố, bà Cố" cho được an cư lạc nghiệp trên vùng đất trải nhiều binh biến. Hai ngôi mộ cổ rêu phong còn đó, hai tấm bia đá xanh bị đục phá còn đó, lưu lại đời sau dấu tích một thời của họ tộc Lê Văn vừa hiển vinh vừa bi tráng.
Tưởng nhớ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và song thân của ngài, dân làng Long Hưng và bá tánh thập phương góp công sức, tiền bạc dựng nhà thờ mới, tu bổ và mở rộng diện tích khu thờ tự rộng gần một mẫu. Diện tích nhà thờ thân sinh Đức Tả quân nằm gọn trong diện tích đất ruộng hương hỏa 32 mẫu trước đây được quan tỉnh Định Tường trả lại. Nhưng 31 mẫu đất còn lại nay là đất ruộng, vườn cây, ao cá của người dân trong vùng.
Hậu duệ họ Lê Văn ở làng Long Hưng nay chẳng còn ai!
Năm 2006, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng (TP.HCM) đã tìm về khu mộ nhà thờ thân sinh Đức Tả quân tại làng Long Hưng, dò đọc bia ký trên mộ cụ Lê Văn Toại và cụ bà Nguyễn Thị Lập, truy được nhiều chữ bị đục bỏ trước đây, đã làm hai tấm bia đá xanh cùng kích cỡ, cùng nét hoa văn, khắc chữ mạ vàng trên bia dựng cạnh bên mộ ông, mộ bà.
Diệp Hồng Phương