Theo Bảo tàng tỉnh Yên Bái, vừa qua người dân thôn Đồng Hen, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái đã phát hiện một lư hương bằng đất nung nên đã báo với cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Qua xác định, lư hương này có từ thời Trần với niên đại khoảng tầng 3 văn hóa Lý-Trần (thế kỷ 11 - 14). Lư hương có cân nặng gần 2,9 kg, hình chữ nhật, có 4 chân, trong đó 2 chân đã bị gãy. Toàn thân Lư Hương có đắp nổi các linh vật uy nghi, quyền lực nhưng lại mang phong cách dân gian, thuần Việt. Mặt lư hương được trang trí lưỡng long chầu nguyệt (mặt trời) có 10 tia, rồng uốn quanh 1/2 miệng Lư. Phía dưới lưỡng long chầu nguyệt là đôi hạc dẫm lên đôi rùa đắp nổi, ở giữa phía trên đôi rùa có lỗ vuông (chữ khẩu) xuyên sâu vào đáy miệng của lư hương. Còn ở bề mặt phía sau trang trí đơn giản hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Việc phát hiện cổ vật lư hương là hiện vật vô giá minh chứng thêm về thông điệp của cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và sự ra đời, tồn tại của một trung tâm văn hóa Phật giáo trên vùng núi rừng Tây Bắc.
Trước đó vài tháng, tại huyện Văn Chấn, Yên Bái, Bảo tàng tỉnh Yên Bái cũng đã phát hiện ra hệ thống phế tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở đồi Pú Tre thuộc bản Ỏ, đồi Pú Chìa Chùa ở bản Nong và tại khu vực vườn nhà ông Lường Văn Xiên ở bản Đao, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, phía Đông của cánh đồng Mường Lò.
Vào năm 2000, ông Lường Văn Xiên ở bản Đao sau khi thuê máy múc đất đào ao, ở độ sâu 60 - 80 cm thì phát hiện khoảng 5- 6 lò nung, các loại gạch ngói lạ thời cổ: gạch chữ nhật, ngói mũi lá, mũi hài, ngói ống… Hiện nay một phần lấp sâu, phần kè đắp bờ ruộng, bờ ao, vương vãi trong khuôn viên vườn nhà với số lượng khá lớn.
Còn tại đồi Pú Tre, cách nhà ông Lường Văn Xiên khoảng hơn 1km về hướng Bắc, năm 1978, có một HTX thuê máy ủi đỉnh quả đồi này để trồng cây thì phát hiện có ngói mũi hài, mũi lá, đá bó vỉa, ngói, gốm, tiền cổ….
Khảo sát tại hai đỉnh đồi Pú Tre, Pú Chìa Chùa, đoàn khảo sát đều phát hiện được các loại đá gọi là "đá ông sư", gạch, ngói, ngói mũi hài, ngói mũi lá, ngói bò nóc, ngói bò nóc trang trí hoa sen, cánh sen lật, gốm hoa nâu.. Đặc biệt, ở đồi Pú Chìa Chùa cách nhà ông Lường Văn Xiên 2km, cách đồi Pú Tre 1km đều về phía Bắc chỉ cần bóc một lớp đất màu nâu hơi đen khoảng 35 đến 45cm là chạm vào gạch, ngói. Đoàn điều tra, khảo sát cho rằng: Khu nhà ông Lường Văn Xiên là khu sản xuất vật liệu đất nung xây dựng kiến trúc Phật giáo; ở Pú Tre và Pú Chìa Chùa, đá ông sư được vận chuyển từ suối Thia lên để kè bó vỉa nền của hệ thống kiến trúc kể trên.
Thiên Di