Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/08/2011 13:59 1568
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
...

1. Mộ đá cổ - Tấm bia lịch sử một vùng đất

Mộ táng là một loại hình di sản khá đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa vật thể ở Phú Yên. Loại hình di sản này mang ý nghĩa tâm linh và in đậm dấu ấn lịch sử phản ánh rất rõ sắc thái văn hóa tộc người, biểu lộ từ hình dáng, kích thước mộ táng, kiến trúc, chất liệu xây và cách thức trang trí.

Khu mộ cổ núi A Mang:thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên); được phân bố tại triền phía nam của núi A Mang trên một diện tích rộng khoảng 2.000m2 dọc theo triền núi. Số mộ hiện còn khảo sát nhận diện được là hơn 500 ngôi. Về kiểu dáng kiến trúc ở khu mộ cổ núi A Mang có thể phân thành 4 loại: loại hình yên ngựa (kiều ngựa) chiếm đa số, loại hình mu rùa, loại hình mái nhà và hình búp sen có số lượng ít hơn. Những ngôi mộ đều quay mặt về hướng đông hoặc đông nam, tức thi hài của người quá cố được chôn quay đầu về hướng tây hoặc tây bắc phía đỉnh núi và chân hướng về phía chân núi. Nguyên tắc này được tuân thủ tuyệt đối, trong toàn khu mộ không có trường hợp nào ngoại lệ.

Về vật liệu xây dựng: tất cả các ngôi mộ đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày. Tại một số ngôi mộ bị sụp đổ hoặc bị bong tróc lớp hợp chất ở bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá. Đây là loại đá tự nhiên, không qua gia công, được thu nhặt ở quanh vùng. Loại đá này có rất nhiều ở các triền núi nơi đây. Ở một số ngôi mộ có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính, xuất lộ lên bề mặt, có độ dày 1cm và rất rắn chắc.

Về quy cách xây dựng và đặc điểm trang trí: phần lớn những ngôi mộ chỉ xây đắp bộ phận kiến trúc chính là nấm mộ. Song, có nhiều trường hợp có xây thành bao xung quanh, bình phong ở phía trước và các trụ biểu. Một số ngôi có quy mô rất bề thế với nhiều chi tiết trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Có trường hợp 3 ngôi mộ dạng yên ngựa cùng có chung một vòng tường bao và bình phong. Có trường hợp có tạo cổng ở phía trước, dạng cổng vòm cuốn có độ cao vừa tầm người đứng. Trên trụ biểu ở phía trước của một số ngôi mộ còn vết tích nét khắc chữ Hán nhưng phần lớn đã bị mòn mờ rất khó nhận biết. Loại hoa văn được tạo tác để trang trí chủ yếu là hoa văn dạng vân tròn xoắn trôn ốc, được đắp nổi trên những ngôi mộ kiểu yên ngựa và mu rùa. Ngoài ra, ở một số ngôi có trang trí hoa lá ở các trụ biểu và thành mộ. Trên một số bức bình phong cũng cho thấy có vết tích trang trí nhưng những dấu ấn còn lại là rất mờ nhạt. Nhiều ngôi mộ có tạo bia ở mặt trước nhưng tất cả đều bị đục phá hoặc bị bào mòn, không thể xác định được danh tính người quá cổ. Vị trí khu mộ cổ núi A Mang cách thành phố Tuy Hòa 33km đường bộ.

Khu mộ cổ Bình Thạnh:thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên). Khu mộ này nằm sát bên bờ sông Cái, gần khu vực Thành Cũ (thành Hội Phú). Do dòng chảy làm sói lở, phần lớn các ngôi mộ đã bị sụp đổ xuống lòng sông. Quan sát dưới lòng sông ở dọc bờ tại khu vực này vào mùa nước cạn có thể nhận thấy nhiều khối kết dính bằng vôi cát còn rõ kiểu dáng hình yên ngựa, nửa lộ lên trên nửa bị vùi trong cát. Những ngôi mộ còn lại ở gần bờ sông chỉ duy nhất có một kiểu kiến trúc. Đó là loại hình mộ yên ngựa có quy mô lớn. Qua một số vết nứt và điểm bị sứt vỡ cho thấy vật liệu đắp mộ chủ yếu là hợp chất vôi cát, vật liệu đá cũng được sử dụng nhưng có mức độ ít trong hỗn hợp xây dựng. Vị trí khu mộ cổ Bình Thạnh cách TP Tuy Hòa 35km đường bộ.

Khu mộ cổ Chánh Nam:thuộc thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Khu mộ cổ này hiện còn khảo sát, nhận diện được 25 ngôi, phân bố trên một địa bàn rộng khoảng 1.000m2. Nơi đây có địa hình bằng phẳng, nằm bên bờ vịnh Xuân Đài, gần Vũng Lắm. Các ngôi mộ được xây theo hướng đông tây và đông nam - tây bắc. So với khu mộ cổ ở núi A Mang, khu mộ này có số lượng ít hơn và mật độ phân bố cũng thưa hơn. Mộ ở đây được xây dựng theo 3 kiểu: hình yên ngựa, hình mu rùa, hình mái nhà. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là loại hình yên ngựa, thứ đến là các loại hình mu rùa, mái nhà. Về quy cách xây dựng và đặc điểm trang trí tương tự như ở khu mộ cổ núi A Mang. Về vật liệu xây dựng, thành phần vôi cát chiếm tỉ lệ lớn, vật liệu đá chiếm tỉ lệ nhỏ và thường được sử dụng để xây tường bao, bình phong, trụ biểu. Vị trí khu mộ cách TP Tuy Hòa 48km đường bộ.

(Còn nữa)

NGUYỄN HOÀI SƠN

baophuyen.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3285

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Thán phục gu thẩm mỹ của phụ nữ Việt 3.000 năm trước

Thán phục gu thẩm mỹ của phụ nữ Việt 3.000 năm trước

  • 13/08/2011 20:46
  • 1639

Nhiều món đồ trang sức của phụ nữ Việt thời kỳ cổ đại tinh xảo tới mức các quý bà, quý cô ngày nay hẳn không khỏi trầm trồ thán phục khi được chiêm ngưỡng.