Thứ Hai, 11/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/08/2011 16:21 1623
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trở thành "tài sản chung" của nhân loại, vấn đề cần quan tâm của Thành nhà Hồ - kinh đô Việt cổ (từ 1398 đến 1407) hơn bao giờ hết chính là việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. "Trước mắt, di sản thế giới gần như còn nguyên vẹn nên xác định không trùng tu phục dựng mà phát triển theo hướng như một công viên khảo cổ học", TS. Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết.

Thành nhà Hồ đang ngày càng
thu hút nhiều du khách đến thăm quan

Di tích phải "nằm” trong lòng dân

Nằm trên huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thành nhà Hồ được phòng ngự bởi những bức "bình phong" tự nhiên bao bọc kinh thành với vòng ngoài là nhiều dãy núi vòng cung vây kín bốn phương, tám hướng, vòng trong là sông Mã, sông Bưởi lượn tròn, tạo nên một sự biệt lập với các vùng đất chung quanh như một ốc đảo tự nhiên hiểm trở. Công trình kiến trúc độc đáo có toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.

Đặt vấn đề về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) thành nhà Hồ, ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Thanh Hóa cho biết, phía tỉnh đang trong quá trình xây dựng đề án thực hiện, kèm theo đó là việc triển khai thực hiện 10 cam kết của tỉnh với UNESCO về di sản thành nhà Hồ.

Ông Nhẫn cho biết, phía tỉnh đang đề nghị với Bộ VHTTDL xin đăng cai tổ chức hội thảo quốc tế 40 năm thực hiện Công ước di sản tại Thanh Hóa. Đồng thời dự kiến, lễ công bố, đón nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ sẽ được tổ chức vào 5-4-2012 (tức 5-3 âm lịch). Thanh Hóa cũng đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể thành nhà Hồ với những đánh giá nghiên cứu mang tính chất đa ngành, đồng thời tiến hành khai quật, nghiên cứu "trục đường hoàng gia” Hòe Nhai.

Cũng theo ông Nhẫn, quan điểm từ phía ngành VHTTDL Thanh Hóa là toàn bộ khu di sản với vùng lõi và vùng đệm tổng cộng 5.234ha bao gồm toàn bộ tòa Thành đá, La thành, Hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động liên quan đến Thành Nhà Hồ, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan đến địa hình phong thủy thể hiện sự giao thoa văn hóa về nét đặc sắc của tòa thành sẽ được bảo tồn toàn vẹn một cách tốt nhất... Tỉnh cũng đã cho di dời một số hộ dân nằm trong vùng lõi của di tích. "Còn phía ngoài thành, sẽ có quy hoạch cụ thể với một không gian làng quê Việt tương xứng nhằm tôn vinh di sản. Di tích không "nằm” trong lòng dân sẽ không sống được!”, ông Nhẫn nói thêm.

Cùng chung quan điểm với ông Nhẫn về việc ứng xử với di tích Thành nhà Hồ, TS. Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho rằng: "Không trùng tu phục dựng mà phát triển thành nhà Hồ theo hướng như một công viên khảo cổ. Tuy nhiên việcnày không phải một sớm một chiều!”. Ông Trọng nói thêm, trong tháng 8, Trung tâm sẽ có công bố mới liên quan đến nghiên cứu cơ bản nhất và các công trình nơi đây. Sở sẽ quy hoạch thêm các khu vực (như việc tổ chức đưa các làng nghề truyền thống Đông Môn, Xuân Giai, Tây Giai (nổi tiếng với chè lam phủ Quảng) vào khu vực đề cử; lập ranh giới mới các khu vực liên quan đến thiên nhiên di sản Thành nhà Hồ. Để nơi đây giống như một quảng trường, du khách đến đây có thể được khám phá, thu thập trữ lượng thông tin nhiều hơn về lịch sử văn hóa liên quan đến di sản...

Phát triển du lịch thế nào?

Phía ngành VHTTDL Thanh Hóa đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng mở rộng vùng phát triển du lịch Nội - Thanh Hóa. Theo Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, khách du lịch đến với Thành nhà Hồ hầu hết đều là khách "tự phát”, nghĩa là không qua các hãng lữ hành. Ông Nguyễn Hữu Nhẫn cho biết, khách đến tham quan gần như là những đoàn sinh viên nghiên cứu, khách đi nghỉ mát Sầm Sơn rẽ qua, hay khách "Tây balo lẻ". "Những năm trước, du lịch tỉnh cũng đã phối hợp mời các hãng lữ hành khảo sát, nối tour Du lịch qua các kinh đô Việt cổ, tuy nhiên hiệu quả cũng chưa thấy mấy. Khách hầu hết vẫn tự phát”, ông Nhẫn trăn trở.

Ông Đỗ Quang Trọng cho biết, sẽ phải có một kế hoạch bài bản, từ việc nghiên cứu sản phẩm tour, sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho di sản, đến việc kết nối với các địa phương, doanh nghiệp... Hiện tại, phía Sở đã mở các lớp đào tạo cộng đồng cho ba làng xung quanh cổng Nam ( Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn) truyền dạy các giá trị lịch sử, văn hóa di sản Thành nhà Hồ, thậm chí cả tiếng Anh. Ông Trọng tâm huyết: "Tôi hy vọng một ngày mỗi người dân ở Vĩnh Long, Vĩnh Tiến có thể thu nhập từ 20-30 nghìn đồng mỗi ngày từ việc làm du lịch... Tôi đang tự đặt cho mình trách nhiệm như thế...”.

Tới đây, Thanh Hóa sẽ tổ chức thêm nhiều tour du lịch nội vùng, du lịch homestay gắn với các di tích vệ tinh như: Thành Nhà Hồ - Phủ Trịnh, Thành Nhà Hồ - Chùa Giáng, Thành Nhà Hồ - Động Kim Sơn...; các tour du lịch trong tỉnh: Thành Nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương - Lam Kinh- Sầm Sơn... và các tour du lịch từ Thành Nhà Hồ đến các kinh đô cổ và các di sản khác trong cả nước. Làm thế nào để di sản phát huy được tiềm năng, thu hút khách du lịch luôn là một trong những vấn đề quan tâm nhất của Sở VHTTDL Thanh Hóa!

Bởi chỉ có như thế, những phiến đá của di sản thành nhà Hồ kia mới thực sự có "linh hồn”, để di sản có thể phát huy giá trị, có cuộc sống thực sự với đời thường!

Mi Anh - qdnd.vn

Dự kiến lễ đón bằng công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ sẽ được tổ chức vào ngày 5-4-2012 (tức 5-3 âm lịch), đúng dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam thực hiện Công ước di sản.

daidoanket.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3350

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn

  • 01/08/2011 14:13
  • 1620

Đây là nhóm cổ ngọc hết sức đặc sắc, làm từ ngọc trắng xanh và ngọc celadon kết hợp với vàng, đồi mồi, trang trí hình chim phượng tinh tế.