Những tháp Chăm hiện còn ở Bình Định được xem như một gia tài vô giá; điều nhiều người thắc mắc là người Chăm đã bày gì trong lòng các tháp?
Không biết Ch.Lemire có tận mắt thấy hay không nhưng trong tác phẩm Les Tours kiames de la Province de Binh Dinh, ông đã viết: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những tượng bằng đá có thể bị lấy đi ngay sau đó”. Theo tư liệu này thì tất cả những phù điêu, tượng đã bị người Pháp lấy đi trong thời gian cai trị ở Việt Nam. Bị mất nhiều nhất là tháp Bánh Ít. “Người ta đã đào các bức tượng để bóc gỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó. Các tháp Bạc (người Việt Nam quen gọi là tháp Bánh Ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng. Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu Mêkông chuyển về Pháp dưới sự coi sóc của Tiến sĩ Maurice. Tàu Mêkông bị đắm ở Hồng Hải và những tên cướp biển Somalis khi cướp tàu tưởng rằng đã tìm thấy kho báu nên đã đem vào bờ một số lớn những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá”.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi định vị được tàu Mêkông và kho báu bí mật thì nước có chủ quyền trên vùng lãnh hải mà tàu Mêkông bị đắm đã nổ ra một cuộc nội chiến khốc liệt, việc thu hồi kho báu trên tàu Mêkông đành dừng lại. Kho báu mà tàu Mêkông có nhiệm vụ đưa về Pháp chủ yếu được thu gom trên khu vực Vijava từ Quảng Nam đến Bình Thuận và chắc chắn đây chưa phải là kho báu duy nhất của Vương quốc Champa.
Qua miêu tả này thì những cổ vật Champa vẫn nằm trong lòng biển Hồng Hải. Nếu quả đúng như vậy thì đây là một gia tài phần lớn của Bình Định chưa được biết đến. Nhưng ngay cả khi sự thật không phải là như thế thì với việc chúng ta đang thừa hưởng một quần thể 8 cụm tháp trên tổng số 14 tháp Chăm cổ còn lại đến nay, thiết nghĩ rằng: Bình Định đang sở hữu một phần kho báu của nhân loại.
|
Tháp Bánh Ít được xem là tháp có nhiều hiện vật quý giá bị mất. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Bức màn bí mật bao quanh số phận của con tàu Mêkông đã thách đố các nhà khoa học, giới săn lùng cổ vật và cả những kẻ hiếu kỳ hơn 100 năm nay. Trong số những người tìm cách sở hữu kho báu trên tàu Mêkông có giáo sư Robert Stenout (Pháp). Đến tháng 10.1995, sau hơn 30 năm mày mò nghiên cứu ở hàng trăm thư viện, sở lưu trữ văn khố, các hải cảng, nhiều hãng tàu biển…, R. Stenout đã khoanh vùng một cách chính xác vị trí mà tàu Mêkông bị đắm tại mũi Guadaqui ở biển Hồng Hải. Theo R. Stenout, Mêkông là một con tàu lớn được thiết kế với hai chức năng chở khách và chở hàng nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sự thanh nhã của nó. Chuyến đi định mệnh của tàu Mêkông vào năm 1906 chở theo 180 sĩ quan, thủy thủ, 66 hành khách cùng hàng tấn cổ vật bằng vàng và một khoang bí mật chứa đầy hàng- mà theo khảo sát ban đầu của đội thợ lặn thuộc tàu Scorbio do thuyền trưởng Campell chỉ huy (tàu Scorbio là con tàu mà Stenout sử dụng trong cuộc khai quật của mình) - thì hàng trăm ngàn thỏi vàng có trong khoang hàng bí mật này như huyền thoại về Mêkông đã lan truyền là có thật.