Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/01/2025 10:50 182
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nằm lưng chừng núi ở mảnh đất Hòa Bình, năm ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường dựa lưng vào rừng già và hướng mặt ra thung lũng bao la. Đây không phải là những ngôi nhà thông thường, mà là Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường, thành quả của gần 40 năm miệt mài sưu tầm và gìn giữ văn hóa của ông Bùi Thanh Bình.

Không gian Bảo tàng được bố trí theo đúng nguyên lý phong thủy của người Mường, “phía đầu đội sơn, phía chân đạp thủy” để tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa với thiên nhiên.

TS Sử học Quách Văn Ạch - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hoà Bình, người hỗ trợ ông Bình xây dựng Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường - nhận xét, công trình này không chỉ mang tính trưng bày mà còn phản ánh cả một hệ thống tổ chức xã hội đặc thù của người Mường xưa, đó là nhà sàn của chế độ Lang Đạo. Tục ngữ Mường có câu “Đất có Lang, làng có Đạo”, thể hiện vai trò quan trọng của tầng lớp Lang Đạo trong xã hội Mường truyền thống. Lang Đạo vừa là người thay mặt triều đình phong kiến trung ương cai quản dân chúng, vừa là người gìn giữ và duy trì luật tục của người Mường.
Trước khi dành phần lớn cuộc đời theo đuổi sứ mệnh gìn giữ di sản văn hóa, ông Bùi Thanh Bình, người mang trong mình dòng máu Mường, đã trải qua một hành trình dài trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Ông theo học âm nhạc từ năm 9 tuổi và trở thành nghệ sĩ phong cầm (accordéon) tại Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc. Năm 1973, khi có sự sáp nhập giữa các quân khu, ông chuyển về Hải Dương và phụ trách đoàn nghệ thuật của công an tỉnh. Đến năm 1995, ông được phân công làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách quốc tế đến tham quan miền Bắc Việt Nam.
 
Ông Bùi Thanh Bình, người đã dành 40 năm sưu tầm và gìn giữ văn hóa Mường. Nguồn: Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường
Chính trong thời gian này, ông phát hiện các đoàn khách quốc tế luôn thích thú tìm hiểu về những bản làng còn giữ được bản sắc tộc người, từ văn hóa sinh hoạt đến lao động sản xuất. Du khách say mê chụp ảnh và tìm hiểu về đồ dùng của các tộc người nói chung và về phong tục tập quán của người Mường nói riêng.
Thế nhưng, mỗi lần về thăm quê, ông lại nhận thấy những đồ dùng truyền thống đang dần bị thay thế bởi đồ nhựa, đồ kim khí hiện đại. Ngay cả văn hóa nhà sàn là một nét đặc trưng của người Mường cũng bị mai một. Trước thực tế đó, ý tưởng sưu tầm và gìn giữ những hiện vật văn hóa Mường đã nhen nhóm trong tâm trí ông.
Quý vật tìm quý nhân
Năm 1985 đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình mới của ông Bình. Trong một lần đi xe máy ở xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, ông tình cờ bắt gặp một chiếc xe thồ chở theo nhiều bộ chiêng đi ngược chiều. Ông tìm hiểu mới biết, do hoàn cảnh khó khăn, mấy gia đình người Mường đã phải bán đi những bộ chiêng quý giá. “Ngày xưa, phải đổi đến 12 con trâu mới có được một bộ chiêng,” ông Bình xúc động kể lại. Ông đã quyết định mua lại toàn bộ số chiêng để chúng không phải rời xa mảnh đất quê hương.
 
Đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của nhà Lang. Nguồn: Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường
Hành trình mới của ông được ghi dấu bởi vô số những câu chuyện đáng nhớ, nhưng gây xúc động nhất cho ông có lẽ là lần gặp người con trai của một gia đình nghèo muốn bán chiếc chiêng gia bảo để lấy tiền chữa bệnh cho người cha già đang ốm nặng. Thế nhưng, từ trong căn buồng bệnh, người cha đã cất tiếng nói bằng tiếng Mường: “Dù cho bố có chết, các con cũng không được bán đi chiếc chiêng quý của nhà mình!” Nghe những lời này, ông Bình đã từ bỏ ý định mua chiếc chiêng, thay vào đó giúp đỡ họ một số tiền để đưa người cha đi viện.
Qua nhiều năm, ông Bình nhận ra một điều kỳ lạ mà ông gọi là “quý vật tìm quý nhân”. Dù các thương lái có thể trả giá cao hơn, nhiều gia đình người Mường vẫn tin tưởng bán hiện vật cho ông. Họ cảm nhận được tấm lòng của ông và mong muốn những báu vật của gia đình được lưu giữ ngay trên mảnh đất quê hương. “Những vật quý sẽ đến với những người biết trân trọng nó,” ông tâm đắc chia sẻ.
Từ ước mơ đến hiện thực
Sau gần 30 năm miệt mài sưu tầm, đến năm 2014, ông Bùi Thanh Bình quyết định đây là thời điểm thích hợp để hiện thực hóa ước mơ về một bảo tàng văn hóa Mường. Ông chia sẻ, với số lượng hiện vật đã lên đến con số ấn tượng, việc xây dựng một không gian trưng bày chuyên nghiệp không chỉ là mong muốn cá nhân của ông mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.
Quá trình vận động thành lập bảo tàng được ông thực hiện một cách bài bản. Ông tích cực vận động sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là các nhà khoa học. Những chuyên gia này đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại, định danh và xác định giá trị của các hiện vật. Sự tham gia của họ không chỉ nâng cao tính học thuật của bảo tàng mà còn góp phần thuyết phục các cơ quan chức năng về tính khả thi của dự án.
 
Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường tọa lạc tại số 28, tổ 6, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Nguồn: Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường
Nỗ lực của ông đã được đền đáp khi vào năm 2000, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình ký quyết định cấp phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập. Đến tháng 5/2015, Bảo tàng chính thức khai trương với năm ngôi nhà sàn truyền thống, mở ra những không gian sống động, nơi du khách có thể trải nghiệm văn hóa Mường một cách trọn vẹn. Đến đây, du khách có thể tham gia các hoạt động ẩm thực như học làm các món bánh của người Mường, thưởng thức các món ăn được chế biến từ những nguyên liệu và gia vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, chơi quay, hay đánh đu. Đặc biệt, nhiều học sinh từ các trường phổ thông trong vùng được đến Bảo tàng để tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình.
Kể từ ngày khai trương đến nay, Bảo tàng đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Đáng mừng hơn nữa là năm năm trở lại đây, thế hệ trẻ người Mường ở địa phương đã bày tỏ sự quan tâm, thích thú với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Nhiều bạn trẻ tự hào khoác lên mình trang phục truyền thống và tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa tại Bảo tàng.
Những di sản độc đáo
Trong số khoảng 6.000 hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường, hệ thống lịch của người Mường được xem là một trong những di sản độc đáo nhất, phản ánh trí tuệ và sự tinh tế trong quan sát thiên nhiên của người xưa.
 
Hệ thống lịch thẻ tre của người Mường. Nguồn: Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường
Qua hàng nghìn năm quan sát sự vận động của Mặt trăng, các bậc tiền nhân người Mường đã xây dựng một hệ thống lịch với 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày. Đặc biệt, mỗi tháng được chia thành ba khoảng thời gian rõ rệt: mười ngày đầu, mười ngày giữa và mười ngày cuối hay còn gọi là thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Trên các thẻ tre dùng làm lịch, người Mường khắc những ký hiệu đặc biệt để đánh dấu ngày lành tháng tốt, ngày thích hợp cho săn bắn, đánh cá, hay tổ chức các nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, làm nhà.
Bên cạnh hệ thống lịch độc đáo, Bảo tàng còn sở hữu một bộ sưu tập chiêng quý giá gần 500 chiếc. Với người Mường, chiêng không chỉ là nhạc cụ thông thường mà còn là vật thiêng. Trong văn hóa cồng chiêng của các tộc người ở Tây Nguyên, người ta gọi loại có núm giữa là “cồng” và loại không núm là “chiêng”, nhưng người Mường không có “cồng” mà họ gọi loại có núm là “chiêng” và phân biệt thành hai loại: chiêng hờ (được đánh giá cao hơn bởi âm thanh của nó có độ ngân vang và ấm áp đặc biệt) và chiêng nay.
 
Thế hệ trẻ yêu thích các hoạt động văn hóa tại Bảo tàng. Nguồn: Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường
Trong văn hóa Mường có câu Trống đánh không nghe một dùi/Chiêng vui không nghe một tiếng, hàm ý việc chơi chiêng cần một tập thể, một dàn hoàn chỉnh với nhiều chiếc chiêng cùng hòa âm. Theo truyền thống, mỗi gia đình người Mường đều sở hữu ít nhất ba chiếc chiêng, và một dàn chiêng hoàn chỉnh có thể lên đến 12 chiếc. Mỗi dịp lễ tết, ngày vui hay trong các nghi lễ cộng đồng, tiếng chiêng lại vang lên, kết nối quá khứ và hiện tại.

Chí Viễn

https://khoahocphattrien.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3487

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Công nhận 33 bảo vật quốc gia

Công nhận 33 bảo vật quốc gia

  • 03/01/2025 11:11
  • 200

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024).