Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2024 15:54 261
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
“Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”, “Đấu xảo – Nơi tinh hoa hội tụ”, “Hội nghị Paris: Cuộc đàm phán lịch sử”…đây là ba trong số các trưng bày, triển lãm đang được các trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức nhằm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Bên cạnh những cuộc trưng bày, triển lãm đó, các trung tâm còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, giới thiệu tài liệu lưu trữ liên quan đến các sự kiện quan trọng của đất nước, ngành, lĩnh vực; giới thiệu tài liệu trên trang Facebook của đơn vị; ra mắt sách về tài liệu, hình ảnh lưu trữ…, đưa những tư liệu vốn khô khan đến gần hơn với công chúng. 

 
Quang cảnh không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại”. Ảnh tư liệu: Hải Ngọc/TTXVN
Sứ mệnh của ngành lưu trữ giờ đây không chỉ giới hạn trong việc gìn giữ những tài liệu, tư liệu, mà đã có bước chuyển mình vượt ra khỏi ranh giới của những trang giấy, mộc bản cũ, chủ động và tích cực trong việc tôn vinh và phổ biến giá trị của di sản tư liệu, trở thành cầu nối văn hóa, mở cánh cửa tri thức cho mọi người.
Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của độc giả
Bà Nguyễn Ngọc Diệp - Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu TTLTQG III cho biết, trong lịch sử gần 30 năm thành lập, Trung tâm luôn quan tâm đến việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Qua mỗi thời kỳ, cùng với sự phát triển của xã hội, việc phát huy giá trị của các tài liệu cũng phong phú hơn, nhiều hình thức hơn. Hoạt động phổ biến nhất là phục vụ độc giả khai thác tài liệu tại Trung tâm thông qua công tác nghiên cứu, sao chụp, chứng thực…
Là một trong 5 trung tâm lưu trữ lớn của Việt Nam, đang lưu giữ và bảo quản hơn 14km giá tài liệu với nhiều loại hình như tài liệu giấy, tài liệu phim ảnh, ghi âm vô cùng quý giá của dân tộc, hàng ngày, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đón rất nhiều bạn đọc đến tìm hiểu, nghiên cứu. Đáng chú ý trong số này, ngoài hai khối tài liệu được công nhận là Bảo vật quốc gia (gồm tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1946 và bộ sưu tập các mẫu Quốc huy của Việt Nam ra đời năm 1953), còn có hàng chục ngàn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, như chứng minh thư nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn, quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác; quyết tâm thư, Đơn tình nguyện đi B; huân, huy chương, thẻ tiết kiệm, phiếu thu tiền, vàng, công trái …
Đó là những hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam công tác và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác sau đó trở về miền Nam, được gửi cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Mỗi thành phần, nội dung giấy tờ, kỷ vật là một mảnh ghép kí ức, một phần đời sống thanh xuân của cán bộ đi B.
Các hồ sơ, kỷ vật này đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phân loại, thống kê, sắp xếp, chỉnh lý khoa học. Toàn bộ danh mục hồ sơ, tài liệu đã được xây dựng cơ sở dữ liệu có đầy đủ thông tin phục vụ việc quản lý, với nhiều trường thông tin (họ tên, bí danh, quê quán, thời gian đi B, cơ quan trước khi đi B…) phục vụ nhanh chóng nhu cầu tra cứu, tra tìm quản lý và phát huy giá trị tài liệu.
Trong số 72.000 hồ sơ của cán bộ đi B do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, có 55.722 hồ sơ đã xác định được từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 - 1975). Thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã gửi dữ liệu danh sách cán bộ đi B và bản sao các hồ sơ này về Trung tâm Lưu trữ lịch sử thuộc Sở Nội vụ của 63 tỉnh, thành phố, phối hợp với các cơ quan ở các địa phương trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B. Đồng thời, Trung tâm đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm; tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, đăng tin, bài giới thiệu hồ sơ đi B để thông tin đến nhân dân, cán bộ đi B và thân nhân…
Rưng rưng nhận lại hồ sơ đi B cùng những kỷ vật từ gần 50 năm trước, bà Đoàn Thị Xưởng (Móng Cái, Quảng Ninh) chia sẻ, tốt nghiệp trường Y khi vừa tròn 20 tuổi, bà viết đơn tình nguyện “đi bất cứ nơi nào của Tổ quốc". Tháng 8/1968, bà được phân công tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam và đã có 7 năm công tác ở nhiều đơn vị tại Tây Ninh, Phước Long, Campuchia...
Nghe theo tiếng gọi của miền Nam, năm 1963, ông Lê Văn Bôi (Triệu Phong, Quảng Trị) xung phong lên đường vào Nam với bí danh Kim Sơn. Trước khi lên đường, ông gửi lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ cá nhân của mình cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Trong hồ sơ của ông, có mẩu giấy nhỏ nhắn nhủ: "Ðề nghị các đồng chí phụ trách hồ sơ sau khi thống nhất nước nhà không có người nhận thì gởi số tiền đó cho đứa con trai của tôi là Lê Tùng hay mẹ tôi là Bùi Thị Miễn, còn anh em là Lê Thủ và Lê Phàn hiện nay còn ở trong nam". Năm 1967, ông hy sinh.
Hơn 60 năm sau ngày ông gửi lại hành trang, tài sản của mình, tại Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, những kỷ vật đó đã được anh Lê Chương, cháu ruột, người có trách nhiệm hương khói cho ông nhận lại, bởi, mẹ ông đã không chờ được đến ngày này, con trai ông đã hy sinh và vợ ông cũng đã qua đời.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, đến nay, có khoảng 60% cán bộ đi B, thân nhân đã nhận được bản sao hồ sơ, kỷ vật của mình. Còn hơn 3 vạn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B dân sự, trong đó có kỷ vật của nhiều cán bộ tập kết và các liệt sỹ, mong được người thân đến nhận.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đang được bảo quản tại Trung tâm là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn chứa đựng những kỷ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B.
Thổi hồn cho tài liệu lưu trữ
Từ những tài liệu khô cứng nhiều năm cất trong kho, giờ đây, thông qua các hoạt động văn hóa sáng tạo và thú vị, kể những câu chuyện xung quanh các tài liệu lưu trữ một cách hấp dẫn, đầy đủ và chính xác với góc nhìn mới, bắt kịp xu hướng hiện đại, tài liệu lưu trữ đã được hồi sinh, thổi hồn, trở nên sống động và gần gũi hơn trong cuộc sống.
Những buổi hội thảo, tọa đàm, ra mắt sách hay các triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ được tổ chức ngày càng nhiều. Đặc biệt, các triển lãm, trưng bày đã có sự kết hợp giữa truyền thống là dùng các tài liệu gốc, hiện vật gốc với ứng dụng kỹ thuật công nghệ để hình ảnh được sinh động, hấp dẫn hơn, đảm bảo cả về hàm lượng thông tin cần truyền tải và kỹ, mỹ thuật.
“Những tài liệu chúng tôi đưa ra không thể đưa nguyên xi ra bày ra được mà phải có câu chuyện, kết cấu, bố cục của nó và được dẫn dắt bởi kỹ thuật công nghệ”, bà Nguyễn Ngọc Diệp cho biết.
Để làm được những triển lãm, trưng bày thì việc lên ý tưởng là vô cùng quan trọng. Trong kho tàng tư liệu, việc lựa chọn tài liệu, hiện vật nào để đưa vào triển lãm, trưng bày, xâu chuỗi thành câu chuyện có lớp lang, có hồn là không đơn giản.
“Trong triển khai triển lãm hay làm các sự kiện, việc lựa chọn chủ đề cũng như triển khai các ý tưởng gặp khó khăn. Bởi trong quá trình lịch sử rất dài từ triều Nguyễn, 150 năm đô hộ của thực dân Pháp, các vấn đề chính trị, lịch sử, văn hóa, cả một giai đoạn lịch sử dài như vậy, những vấn đề gì chúng ta lựa ra, ưu tiên sử dụng, tiếp đó là lên ý tưởng như thế nào”, bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I chia sẻ khi nói về trưng bày “Châu bản triều Nguyễn –  Ký ức một triều đại”.
Theo bà, khi lên một ý tưởng, nội dung nào đó, điều đầu tiên phải nắm bắt là nhu cầu xã hội quan tâm. Tiếp theo, cần xác định nội dung phản ánh và nội dung đó mang lại thông điệp gì khi tổ chức trưng bày, từ đó nghiên cứu, lựa chọn chủ đề.
Tuy nhiên, để hoạt động trưng bày hấp dẫn độc giả thì điều quan trọng là ở phần nhìn, đòi hỏi công tác sưu tầm hình ảnh minh họa cho chủ đề phải thật sự hấp dẫn đối với công chúng. Đây cũng là phần việc khó khăn nhất khi tổ chức các trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ. Đa phần các triển lãm, trưng bày hiện nay đều có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới cùng với các hoạt động tương tác, trải nghiệm cho công chúng.
“Muốn có được độc giả, khán giả xem và truyền tải thông điệp của mình, đương nhiên phải hấp dẫn. Đó là cái khó khăn trong quá trình việc lựa chọn triển khai chủ đề”, bà Đỗ Hoàng Anh cho hay.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

https://baotintuc.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3228

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

  • 08/08/2024 08:37
  • 224

Chào mừng ngày kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 – 19.8.2024) và Quốc khánh 2.9, Chương trình khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức sẽ diễn ra sáng 9.8.2024 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.