Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/08/2024 09:12 250
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024), ngày 2.8, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc".

 

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc"
Hội thảo nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng; đánh giá di sản, định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc thể hiện qua thân thế, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam.
Đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư phục vụ quản lý và phát triển đất nước nói chung, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng hướng đến tầm nhìn năm 2050.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, thế kỷ X được xem là thế kỷ bản lề, thế kỷ chuyển đổi từ thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc sang thời kỳ độc lập - tự chủ với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, có tính chất bước ngoặt của lịch sử Việt Nam.
Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỷ Mão (979), ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và cho định đô ở Hoa Lư, mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới thống nhất giang sơn, phục hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, tiếp tục củng cố vững chắc nền độc lập tự chủ mà họ Khúc, họ Dương, họ Ngô đã giành được.  
Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực tự cường.
Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc.
Cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại hệ thống di sản to lớn cho tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà còn rất đặc sắc về giá trị.
Hiện nay, Ninh Bình đang sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 324 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An).
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, trải qua mỗi chặng đường lịch sử, những di sản quý giá của dân tộc tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo, bồi đắp và luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày với tư cách là nền tảng tinh thần, tài sản vô giá và là nguồn lực chiến lược cho sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Nhờ vậy, Ninh Bình đã và đang là một địa chỉ, một không gian văn hóa có sức hấp dẫn cao, với những tiềm năng và lợi thế đủ mạnh mẽ để xây dựng và phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ trong thời gian tới.
Di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Bởi vậy việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị cần phải tiếp tục triển khai với cường độ và quy mô lớn hơn, bài bản hơn, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị-xã hội cùng cộng đồng dân cư… để di sản của cha ông thực sự trở thành nguồn lực và động lực trong phát triển quê hương, đất nước. 
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, Hội thảo là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc.
Những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.
 
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu rõ, mục đích của Hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư nhằm phục vụ xây dựng tại Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế cùng triều Đinh, Tiền Lê làm trung tâm.
Xây dựng Ninh Bình thành một địa phương văn minh và hiện đại, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là một trong những khu trung tâm du lịch nổi tiếng, thu hút khách tham quan ở trong và ngoài nước.
Hội thảo diễn ra 2 phiên chuyên đề với nội dung: Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng; Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Tham luận "Kinh thành Hoa Lư- Một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ" của PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã nêu các giá trị nổi bật của Kinh đô Hoa Lư trong 42 năm triều Đinh và Tiền Lê đã đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam thời Đinh-Tiền Lê trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Đó là: Tòa thành đồ sộ, độc đáo thể hiện truyền thống xây thành tài giỏi và tinh thần tự lập, tự cường mạnh mẽ, cao độ của người Đại Việt-Đại Cồ Việt thời Đinh-Tiền Lê; Kinh thành Hoa Lư và dấu tích các cung điện lộng lẫy vàng son; Một nền nghệ thuật Đinh-Lê đặt nền móng cho toàn bộ nghệ thuật Đại Việt.
Những dấu tích cố đô Hoa Lư phản ánh sự giao thoa cởi mở và tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực; di tích cố đô Hoa Lư phản ánh sự tiếp nối không đứt đoạn của truyền thống 4.000 năm văn hiến Việt Nam, tạo tiền đề cho văn hóa Việt Nam phát triển đến đỉnh cao trong các thời kỳ tiếp theo...
PGS.TS Vũ Văn Quân, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận "Non sông thu về một mối-Tầm vóc chính trị, khát vọng thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng Đế"  khẳng định: Thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam được coi là thế kỷ bản lề, trong đó mỗi dòng họ hay triều đại nắm quyền đã thể hiện các vai trò nổi bật khác nhau nhưng tựu chung cùng một công cuộc là giành, giữ và củng cố nền độc lập dân tộc, là khẳng định thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia, là khởi động một thời đại văn minh rực rỡ-văn minh Đại Việt.
Trong công cuộc đó, Đinh Tiên Hoàng Đế-nhà Đinh-Quốc gia Đại Cồ Việt- kinh đô Hoa Lư có thể coi là mốc trọn vẹn của hành trình phục quốc đồng thời là bước đi nền móng của thời đại văn minh Đại Việt-văn hóa Thăng Long.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với tham luận "Khát vọng phục hưng dân tộc từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Công Uẩn-Qua phân tích dấu ấn thời Đinh tại Di tích Hoàng thành Thăng Long" cho thấy một số phát hiện và nghiên cứu mới về dấu ấn vật chất của thời Đinh-Tiền Lê tại khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, trong đó tập trung giới thiệu về dấu tích kiến trúc của thời kỳ này như một sự giải mã về những thiếu hụt trong nghiên cứu khảo cổ học tại cố đô Hoa Lư.
Đồng thời, từ những phát hiện khảo cổ học về kiến trúc thời Đại La và thời Đinh-Tiền Lê tại Hoàng thành Thăng Long sẽ giúp tiếp cận nghiên cứu bối cảnh lịch sử và kiến trúc thời thuộc Đường, từ đó nhận diện sâu rộng hơn về kiến trúc thời Đinh cũng như những nghiên cứu đánh giá về kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc thời Đinh trong lịch sử kiến trúc cung điện Việt Nam.
 
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại phiên chuyên đề
Tại Phiên chuyên đề, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã làm rõ hơn về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng.
Trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên sâu để các nhà khoa học tham gia và đóng góp các nghiên cứu như: Hội thảo nhận diện về hành cung Vũ Lâm - nơi gắn liền với kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần và là nơi Trần Nhân Tông có 5 năm tu tập; tổ chức hội nghị thông tin liên ngành khoa học phục vụ cho phục dựng, phỏng dựng hoàng thành Hoa Lư trên những căn cứ khoa học, nhất là khảo cổ học trên cơ sở tiếp cận thực tế…
Qua đó để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu, định dạng làm rõ mối liên hệ giữa triều Đinh và vai trò của Đinh Tiên Hoàng với các triều đại trong lịch sử, nhất là khát vọng, sự nghiệp phục hưng dân tộc; làm rõ vai trò, giá trị di sản của tuyên ngôn, quốc hiệu...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 55 bài báo cáo tham luận, trong đó có 43 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương, 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương.
Đây là khối lượng tham luận đồ sộ đối với một hội thảo khoa học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với vấn đề mà Hội thảo đặt ra.
Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng với quê hương, đất nước.
Đây là cơ sở, tiền đề trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Bình và hướng tới xây dựng một thành phố di sản tại mảnh đất địa linh, nhân kiệt Ninh Bình trong thời gian tới.
Đồng thời, đề xuất phương hướng, các giải pháp phát huy các giá trị tốt đẹp do Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh để lại trong định hướng xây dựng thành phố di sản; trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng thời góp phần xây dựng Ninh Bình thành một địa phương giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

NGUYỄN LINH 

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3228

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Trưng bày chuyên đề Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ

Trưng bày chuyên đề "Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ"

  • 02/08/2024 08:57
  • 274

Chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024), chiều 31.7.2024 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”.