Thứ Hai, 02/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/07/2024 16:11 342
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 30/7, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức tiếp nhận hiện vật lịch sử do gia đình chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Lâm Sơn Náo trao tặng.

 

Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận hiện vật từ gia đình chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Lâm Sơn Náo.
Theo đó, gia đình chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Lâm Sơn Náo đã bàn giao hiện vật là khẩu súng K59 và 6 viên đạn 9mm K59, do chính Chủ tịch Cuba Fidel Castro tặng ông Lâm Sơn Náo sau chiến công đánh chìm tàu chiến Mỹ tại bến cảng Sài Gòn vào ngày 2/5/1964.
Đi kèm hiện vật còn có một cây thông nòng súng, cùng một giấy phép sử dụng súng tặng phẩm của ông Lâm Sơn Náo. Các hiện vật được gia đình giữ gìn và bảo quản tốt suốt thời gian qua, không bị hỏng hóc, hư hại.
Được biết, sau trận đánh lịch sử tại bến cảng Sài Gòn, để ghi nhận và cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ biệt động Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã gửi tặng ông Lâm Sơn Náo khẩu súng K59 như một món quà vô giá. Đây không chỉ là một món vũ khí, một kỷ vật cá nhân thông thường mà còn là biểu tượng cho sự kháng chiến dũng cảm của các chiến sĩ biệt động Việt Nam, cho tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.
 
Khẩu súng K59 và 6 viên đạn 9mm K59 do chính Chủ tịch Cuba Fidel Castro tặng ông Lâm Sơn Náo.
Trong suốt những năm qua, khẩu súng này luôn được ông Lâm Sơn Náo trân trọng và gìn giữ như bảo vật. Trước khi qua đời, ông Lâm Sơn Náo đã bày tỏ nguyện vọng được trao tặng khẩu súng cho các bảo tàng. Sau khi bàn bạc và thống nhất giữa các thành viên trong gia đình, gia đình ông quyết định trao tặng cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về những hy sinh, cống hiến của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Lâm Văn Quản, con trai của ông Lâm Sơn Náo cho biết: “Việc trao tặng khẩu súng cho bảo tàng không chỉ là sự tri ân đối với những đóng góp của cha tôi, mà còn là mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Gia đình cũng rất xúc động khi thực hiện nguyện vọng cuối cùng của cha. Cha tôi là một chiến sĩ biệt động và ông luôn tự hào về điều đó nên gia đình muốn lưu giữ kỉ vật này tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định”.
 
Hiện vật được tiếp nhận sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Ngoài khẩu súng, gia đình ông Lâm Sơn Náo còn trao tặng bảo tàng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông Lâm Sơn Náo. Tất cả những hiện vật này sẽ được bảo tàng bảo quản cẩn thận và trưng bày tại bảo tàng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục và giới thiệu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trước đó, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cũng đã tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị lịch sử từ các nhân chứng: Ông Huỳnh Văn Cấn (Tư Trung), Trưởng ban liên lạc Biệt động cánh Tây Nam; bà Lại Thị Kim Túy (Sáu Túy), chiến sĩ Đội biệt động Vùng 3 Phân khu 2, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; bà Bành Thị Lệ, con gái liệt sĩ, AHLLVTND Bành Văn Trân.
Các hiện vật được trao gồm: Cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Đội B2 - F100 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Đội 65 - F100 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; bức ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời khi bị bắt cùng với phương tiện mưu sát vào ngày 11/5/1964 (gồm cuộn dây điện và chất nổ plastic cực mạnh đựng trong thùng sắt); bức ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bành Văn Trân (Năm Vững); bức ảnh Anh hùng Phạm Văn Hai (Cả Nhì)…
 
Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định viết vào sổ tang ông Lâm Sơn Náo tại tư gia.
Ông Nguyễn Quốc Độ, đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định cho biết, việc tiếp nhận khẩu súng K59 của ông Lâm Sơn Náo là một vinh dự lớn đối với bảo tàng. Hiện nay, bảo tàng đã và đang lưu giữ hơn 10.000 hiện vật, mỗi một hiện vật là một câu chuyện riêng, có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn đối về các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa. Việc lưu giữ các kỉ vật của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn còn giúp bảo tàng lan tỏa và giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ.

Tin, ảnh: Ngân Tuyền/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3384

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”

Phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”

  • 30/07/2024 08:39
  • 383

Bộ tem gồm 4 mẫu, giới thiệu các hiện vật: Bình gốm Đầu Rằm; Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; Bình gốm Nhơn Thành; Thống gốm hoa nâu được họa sỹ Nguyễn Du thiết kế trên khổ 37x37(mm).