Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương và khai mạc triển lãm chuyên đề “77 năm - Trọn vẹn nghĩa tình” tại khu di tích lịch sử Chín Hầm, phường An Tây, TP. Huế.
Các cựu binh, chiến sĩ tham quan không gian triển lãm "77 năm - Trọn vẹn nghĩa tình"
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu, đoàn viên thanh niên đã dâng hoa và thắp nén hương thơm lên các Anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc đến những chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, thế hệ hôm nay nguyện sẽ ra sức phấn đấu, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của thế hệ đi trước, tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Sau lễ dâng hương, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm chuyên đề “77 năm - Trọn vẹn nghĩa tình” tại không gian di tích lịch sử Chín Hầm. Triển lãm giới thiệu gần 80 hình ảnh, tư liệu lịch sử tiêu biểu về nhiều nội dung.
Trong đó, tập trung giới thiệu về sự ra đời ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7; sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đối với các Anh hùng Liệt sĩ, Thương binh, Bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn nêu cao trách nhiệm, lòng biết ơn, sự tự hào để tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũngcủa các thế hệ đi trước.
Triển lãm sẽ mở cửa đón khách đến hết ngày 30.7.2024 tại khu di tích lịch sử Chín Hầm.
Triển lãm chuyên đề “77 năm - Trọn vẹn nghĩa tình” sẽ mở cửa phục vụ khách quan quan đến hết ngày 30.7.2024.
Khu Chín Hầm được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1941 để làm nơi cất giấu vũ khí. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, quân đội Nhật đã tịch thu những kho vũ khí nơi đây và để lại các căn hầm trống. Đến khi Pháp quay trở lại xâm lược, thực dân Pháp đã sử dụng các hầm này để làm nơi giam giữ tù binh, chủ yếu là những chiến sĩ Việt Minh.
Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo lại khu Chín Hầm trở thành hệ thống nhà tù đặc biệt theo kiểu chuồng cọp để biệt giam các chiến sĩ Cộng sản và đồng bào yêu nước.
Năm 1993, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã công nhận Chín Hầm là Di tích chứng tích lịch sử quốc gia, và di tích này được trùng tu, phục dựng lại vào năm 2006. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, lan tỏa tinh thần yêu nước, yêu quê hương trong thế hệ trẻ.
S.THÙY