Cuốn sách khắc chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa vẫn được người dân miền biên viễn Kỳ Sơn (Nghệ An) bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sách lá hiện còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cổ cũng không còn nhiều. Vì vậy, cần phải khẩn trương có phương án gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào...
Nội dung sách lá cây chủ yếu nói đến các phong tục tập quán của người Thái cổ
Tinh hoa cha ông truyền lại
Gia đình ông Lữ Văn My (bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh) là một trong những hộ còn lưu giữ được bộ sách viết trên lá cây bằng chữ Thái hệ Lai Pao. Anh Lữ Văn Mun (cháu trai ông My) vừa mở chiếc rương cũ kỹ được cất ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà sàn vừa nói: Cuốn sách được gia đình tôi xem như báu vật. Trong tiếng Thái, Lai có nghĩa là hoa văn, hoa tay; Tay là chữ viết; Lai tay hiểu nôm na là “chữ viết của người Thái”. Sách được một địa chủ ở bản Cánh (xã Tà Cạ) truyền lại cho ông tôi từ năm 1960, gồm 254 mảnh lá cây (bơ lan) ghép lại với nhau, nói về truyền thuyết lập mường, đánh giặc giữ đất hiển hách của cha ông. Sách còn ghi lại những bài cúng của người xưa trong các lễ nghi cưới hỏi, tang ma, Tết...
“Chữ được viết trên lá cây, mỗi lá có kích thước dài khoảng 25cm, rộng 5cm và được neo lại với nhau bằng sợi dây bện xoắn. Ông tôi kể, để viết được chữ lên lá cây, các cụ phải chọn lá về ủ cả năm trời rồi đem sấy khô trên bếp lửa rất kỹ lưỡng. Hiện tại, sách lá cây còn lại rất ít, trong cộng đồng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Trước đây trong bản cũng có một số người sở hữu những cuốn sách có hình thức như vậy, nhưng do không hiểu được nội dung nên họ đã bán hết”, anh Mun cho biết thêm.
Gia đình ông Kha Ngọc Minh (bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý) cũng là một trong số ít hộ còn lưu giữ được bộ sách cổ viết trên lá cây bằng chữ Thái hệ Lai Pao. Ngồi trên nhà sàn, hướng đôi mắt xa xăm về ngọn núi cao, ông Minh chia sẻ: Sách được xem như cuốn cẩm nang của người Thái cổ, ghi chép lại những kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán... Người viết phải có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống và phải mất hàng năm trời mới có thể viết xong một cuốn sách như thế này. Sách của tôi từng có nhiều người trả giá cao, nhưng chúng tôi nhất quyết không bán. Những di sản này cần được bảo vệ, lưu truyền cho thế hệ mai sau để con cháu hiểu được phong tục của tổ tiên, dân tộc mình. Trải qua thời gian, sách dần bị mối mọt, hư hỏng, chúng tôi mong sẽ có chính sách hỗ trợ của nhà nước để có thể bảo quản được lâu dài”.
May mắn sở hữu cuốn sách cổ còn có gia đình ông Vi Thanh Tuấn (bản Kèo Lực 2, xã Phà Đánh). Ông Tuấn cho biết, trước đây gia đình ông sở hữu nhiều cuốn sách lá, nhưng do đời sống khó khăn nên phải bán dần, hiện chỉ còn duy nhất bộ ông đang giữ. Bộ sách gồm 5 cuốn, bìa làm bằng gỗ, các trang bằng lá cây được kết với nhau bằng sợi dây gai xuyên ở chính giữa. Loại chữ và hoa văn được vẽ trên sách cổ này rất hiếm gặp. Mặc dù đã lưu giữ và bảo quản cuốn sách cổ được hơn 40 năm, nhưng ông Vi Thanh Tuấn cũng như nhiều người trong bản không thể đọc được dạng chữ này. Ông mong có cơ hội sẽ đem dịch nội dung trong sách để con cháu hiểu được văn hóa của chính dân tộc mình.
Lá cây được sử dụng để khắc chữ có chiều dài khoảng 25cm, rộng 5cm và được liên kết với nhau bằng một sợi dây gai xuyên vào chính giữa
Bảo tồn di sản vô giá
Ngoài hát khắp, múa khèn, múa sạp… chữ viết là một sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quan trọng của người Thái ở Nghệ An. Tên gọi Lai Pao theo tiếng Thái nhóm “Tay Mương” có nghĩa là chữ viết của người Thái cư trú dọc vùng dọc sông Pao hay còn gọi là sông Cả. Chữ Lai Pao còn có tên gọi khác là Lai Liệp Nặm, nghĩa là “xuôi theo dòng nước”. Vào cuối thế kỷ XIX, người Thái vùng sông Pao vẫn còn sử dụng loại văn tự này trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên ngày nay, những người đọc được chữ Thái cổ còn rất ít, phần lớn đã cao tuổi, già yếu… Người trẻ hầu như không ai còn biết đọc, biết viết nữa.
Ông Lô Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý thông tin: Để viết được một cuốn sách như vậy, người xưa phải mất rất nhiều thời gian và thực hiện thủ công qua rất nhiều công đoạn. Họ dùng vật nhọn khắc trên lá bơ lan rồi dùng nước màu được làm từ vỏ và rễ cây quét lên nhiều lớp. Qua thời gian, sách cổ không được giữ gìn cẩn thận nên đã hư hỏng, thất lạc gần hết. Nếu các ngành chức năng không có phương án lưu giữ, bảo tồn thì dần dần những di sản này sẽ hoàn toàn biến mất.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng VH&TT huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn hiện còn khoảng 10 bộ sách cổ bằng chữ Thái Lai Pao. Qua kiểm chứng từ một số nghệ nhân, những cuốn sách này có niên đại khoảng trên 200 năm và là những bộ sách cổ vô cùng quý hiếm.
Lo lắng về sự thất truyền đã hiển hiện trước mắt, ông Sầm Văn Bình, nhà nghiên cứu văn hóa và truyền dạy chữ Thái cho biết: Sách chữ Thái viết trên lá cây chủ yếu đang lưu giữ trong các gia đình, dòng họ. Ngành Văn hóa tỉnh Nghệ An chưa có một cuộc kiểm kê, khảo sát mang tính tổng thể nào để kiểm đếm số lượng sách còn lại trong các bản làng, để từ đó có hướng bảo quản, lưu trữ bằng việc mã hóa hoặc áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật để kéo dài tuổi thọ tài liệu. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn chữ viết của các dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng là rất cấp thiết, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: “Hiện tại huyện đang lên kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn thông qua việc sưu tầm các cuốn sách cổ được viết trên lá cây. Đồng thời cũng có phương án mở lớp truyền dạy cho đồng bào Thái để họ biết được chữ viết, văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, hiện kinh phí để thực hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn nên địa phương chỉ có thể tuyên truyền với bà con lưu giữ cẩn thận các cuốn sách này chứ chưa thể thu hồi hoặc mua lại”.
PHẠM NGÂN