Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Bảo tàng tỉnh Nghệ An đang nỗ lực số hóa các hiện vật khảo cổ, tư liệu về thời chiến, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể..., góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Nhờ đó, bảo tàng đã mở ra một khoảng không gian mới giúp khách tham quan có thể tiếp cận, khám phá và tương tác với di sản văn hóa.
Sự kết hợp của leapmotion, công nghệ AI và 3D mapping giúp người xem có thể tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động.
“Chạm” tay để tham quan bảo tàng
Bảo tàng tỉnh Nghệ An sẽ ra mắt trưng bày tương tác ảo 3D mapping chuyên đề “Nghệ An - đất và người”. Không gian nhỏ 200 m2 nhưng chứa đựng bề dày lịch sử của mảnh đất Nghệ An với đầy đủ các thông tin, dữ liệu theo nhiều chủ đề khác nhau gồm: Theo dòng lịch sử; Danh lam thắng cảnh; Di sản văn hóa; Ẩm thực, Con người - Danh nhân xứ Nghệ. Đến với không gian này, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều ứng dụng công nghệ số hiện đại. Với Công nghệ 3D mapping, người xem có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động.
Tương tác 3D hiện vật là hoạt động thu hút công chúng nhiều nhất. Trên không gian 3D, trống đồng Đông Sơn không còn xuất hiện ở trạng thái tĩnh hay hình ảnh đen xám hai chiều mà mọi góc độ của hiện vật được hiện rõ từng chi tiết, hoa văn. Những chi tiết, hoa văn, nội dung tiêu biểu, quan trọng được đánh số, tương tác hiện lên những thông tin chi tiết giúp người xem có thể tìm hiểu kỹ càng. Đây là cách thức khi tham gia trưng bày thông thường công chúng không thể cảm thụ hết được.
Ngoài ra, khi sử dụng công nghệ thực tế ảo VR, các hình ảnh còn được thiết kế như thế giới thật. Vì vậy, chỉ cần đeo thêm một chiếc kính thực tế ảo, du khách sẽ được trải nghiệm qua các thiết bị định vị và kiểm soát chuyển động, tạo ra cảm giác như thực tế đầy chân thực và sinh động.
Gian trưng bày “Đất và người Nghệ An” giúp du khách trải nghiệm nhiều ứng dụng công nghệ số hiện đại.
“Tôi đang nghe một bài hát về xứ Nghệ và như được đắm chìm trong cảnh sắc của quê hương, như đang đặt chân ở vùng đất ấy. Bên cạnh đó, chỉ cần chạm tay lên màn hình, ấn vào thông tin cần tìm kiếm, tôi có thể cập nhật toàn bộ các dữ liệu về hiện vật”, chị Lan Hương (một trong những du khách đầu tiên ở thành phố Vinh được trải nghiệm công nghệ này) chia sẻ.
Một trong những điểm đặc biệt trong gian trưng bày trải nghiệm là việc kết hợp của leapmotion, công nghệ AI và 3D mapping. Tại gian trưng bày “Theo dòng lịch sử” dù lượng thông tin rất đồ sộ ghi lại quá trình phát triển của Nghệ An từ thời kỳ tiền sử đến buổi đầu dựng nước, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong bước đường đổi mới, nhưng người xem không cảm thấy nặng nề.
Chỉ cần đeo thêm một chiếc kính thực tế ảo, du khách sẽ được trải nghiệm thực tế một cách sống động.
Bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại, các nội dung sẽ được tái hiện như một cuốn phim quay chậm giúp người xem trở về với quá khứ lịch sử và hiện tại với nhiều hình ảnh, âm thanh, clip sinh động. Đặc biệt, công nghệ AI được sử dụng trong phần trưng bày này giúp tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa cho người xem. Các hệ thống AI có khả năng tạo ra các hướng dẫn âm thanh hoặc hình ảnh tùy chỉnh để giúp người tham quan hiểu sâu hơn về nội dung trưng bày. Ngoài ra, trong chủ đề này, việc ứng dụng AI còn có tác dụng thay cho một hướng dẫn viên truyền thống trả lời các câu hỏi của du khách.
Nhân rộng không gian trải nghiệm số
Mô phỏng hang Thẩm Ồm (có tích nằm trong dãy núi đá vôi của xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu) đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, đặc biệt là các học sinh khi đến với Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Trong không gian hang Thẩm Ồm, các chuyên gia về công nghệ đã kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ làm phim tạo nên những hiệu ứng về hình ảnh, ánh sáng, âm thanh, kích thích tất cả giác quan của người xem. Câu chuyện được dẫn dắt bởi sự xuất hiện của người Nghệ An cổ của 20 vạn năm trước với bó đuốc trong tay tiến vào hang. Cuộc sống sau đó được tái hiện với nhiều hình ảnh sinh động từ việc săn bắt, hái lượm, khung cảnh thiên nhiên với mặt trời, dòng suối chảy tràn, những con thú cổ… thực sự tạo nên sự hấp dẫn và lý thú.
Bà Phan Thị Hà Long, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An cho biết, hang Thẩm Ồm là sự thử nghiệm đầu tiên cho một nội dung trong trưng bày thường xuyên và nhận được sự phản hồi rất tốt với khách tham quan. Thời gian tới, ngoài gian trưng bày trải nghiệm số với chủ đề “Nghệ An - đất và người”, không gian trưng bày trải nghiệm số hang Thẩm Ồm, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi số, đầu tư đổi mới công nghệ để triển khai hiệu quả nhiều chủ đề khác nhằm mang đến cho khách tham quan nhiều trải nghiệm lý thú.
Chỉ cần chạm tay lên màn hình, ấn vào thông tin cần tìm kiếm, người xem có thể cập nhật toàn bộ các dữ liệu về hiện vật, di tích văn hóa lịch sử.
Tại bảo tàng, việc ứng dụng công nghệ số từ không gian trưng bày ảo, nội dung thuyết minh tự động, tham quan qua kính thực tế ảo…, công chúng có thể từ các thiết bị như: Máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... để tương tác và trải nghiệm. Hiện, Bảo tàng tỉnh Nghệ An có hơn 30.000 hiện vật, tư liệu, trong đó có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
“Nếu việc ứng dụng công nghệ số được áp dụng rộng rãi, du khách sẽ thích thú khi đến với bảo tàng. Bởi vì ở đó, du khách không chỉ được xem, cảm nhận mà còn được tương tác. Đặc biệt, nếu áp dụng được công nghệ trình chiếu, bảo tàng sẽ tái hiện thêm được nhiều không gian sinh động, nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với nhiều ký ức về một thời hoa lửa của dân tộc như những trang thư, nhật ký và các kỷ vật thời chiến” - bà Phan Thị Hà Long cho biết thêm.
Với công nghệ trình chiếu 3D mapping, người xem còn được nhìn một cách tường tận các mặt của trống và từng chi tiết nhỏ với các hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ.
Hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ số trong trưng bày là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Việc khánh thành và đưa vào phục vụ giai đoạn 1 “Không gian trải nghiệm số” được xem là dấu mốc quan trọng của Bảo tàng tỉnh Nghệ An nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm giá trị lịch sử, văn hóa ngày càng cao của đông đảo công chúng.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết: “Dự án đi vào hoạt động là tiền đề tạo thêm một kênh thông tin chính thống để quảng bá giới thiệu lịch sử văn hóa, đất và người Nghệ An một cách hiệu quả đến du khách trong và ngoài nước. Điều này còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch một cách bền vững”.
Nghe, tương tác, điều khiển và trải nghiệm trong một không gian sống động là những điều đặc biệt khi đến với Bảo tàng tỉnh Nghệ An và tham quan gian trưng bày “Nghệ An - đất và người”. Từ việc ứng dụng công nghệ số vào trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, Nghệ An tiếp tục nhân rộng, áp dụng với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, các khu di tích trong tỉnh với mong muốn giới thiệu một cách đầy đủ nhất về văn hóa, con người và những di sản quý giá của xứ Nghệ.