Đó là lưu ý của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương tại buổi làm việc mới đây với các Bộ, ngành liên quan nhằm thống nhất một số nội dung giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc
Dự buổi làm việc có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Minh bạch, không chồng lấn
Theo Cục Di sản văn hóa, giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Lưu trữ hiện hành không có chồng lấn, mâu thuẫn, mặc dù đã có một số tài liệu lưu trữ được công nhận bảo vật quốc gia và được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới, nhưng việc quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát huy giá trị vẫn áp dụng theo 2 Luật rất phù hợp.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) mới bổ sung quy định về Tài liệu lưu trữ cógiátrị đặc biệt (Điều 35, 36) có các tiêu chí xác định trùng lặp với tiêu chí xác định của bảo vật quốc gia quy định tại Điều 41a Luật Di sản văn hóa hiện hành. Đồng thời, bổ sung Tài liệu lưu trữ tư cógiátrịđặc biệt (Điều 49) trùng lặp với tiêu chí của di sản tư liệu quy định tại Điều 50 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, các nội dung chồng lấn, giao thoa này cần được phân định rõ. Các tiêu chí về nội dung “Phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam”, “Phản ánh thân thế, sự nghiệp và đóng góp của cá nhân tiêu biểu” của tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt (Điều 35, 36 dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi) chồng lấn với tiêu chí của bảo vật quốc gia: “Liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu” (Điều 41a Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009); chồng lấn với tiêu chí về nội dung của di sản tư liệu “Đánh dấu các bước ngoặt giai đoạn phát triển của lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật hoặc gắn liền với địa điểm, sự kiện, con người có ảnh hưởng lớn trong quốc gia, khu vực hoặc thế giới” tại điểm d Điều 50 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tiêu chí về hình thức “trình bày độc đáo, có tính thẩm mỹ và nghệ thuật”, “kỹ thuật, phương pháp chế tác độc đáo, tiêu biểu” của tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trùng lặp với khái niệm bảo vật quốc gia tại Luật Di sản văn hóa “... có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học” và tiêu chí xác định “hình thức độc đáo” quy định tại Luật Di sản văn hóa 2001. Quy định liên quan đến tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) chồng lấn với đối tượng di sản tư liệu quy định tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) khi quy định tiêu chí xác định và trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lữu trữ tư có giá trị đặc biệt được thực hiện theo quy định tại điều 35, 36 của Luật này. “Do có sự chồng lấn trong tiêu chí nhận diện nên dẫn đến trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc di sản tư liệu thì quy định về biện pháp bảo vệ tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) mâu thuẫn, không thống nhất với quy định về biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia và di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa hiện hành cũng như trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Luật Di sản văn hóa quy định các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Các quy định đã được thực hiện ổn định từ khi có Luật Di sản văn hóa (năm 2001) đến nay, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, không mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Lưu trữ (năm 2011), kể cả khi một số tài liệu lưu trữ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lưu trữ được công nhận là Bảo vật quốc gia. “Bảo vật quốc gia là đối tượng điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, quy định tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi): “Tài liệu lưu trữ thuộc phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam được công nhận là bảo vật quốc gia thì việc bảo quản và phát huy giá trị được thực hiện theo quy định của Luật này” không phù hợp, mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa, không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, theo bà Hiền.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh để xảy ra những bất cập nảy sinh, hai dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung chỉnh sửa cần thiết, đảm bảo sự phân định rõ ràng, không chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực thi.
Nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh để xảy ra những bất cập nảy sinh, hai dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung chỉnh sửa cần thiết, đảm bảo sự phân định rõ ràng, không chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực thi. (Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)
Rà soát, đảm bảo tính thống nhất
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hay dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đều hướng đến các mục tiêu bảo quản, khai thác và phát huy giá trị những di sản, tài liệu lưu trữ có giá trị. Tuy nhiên, hai Bộ cần có sự thống nhất để đảm bảo sự quản lý nhà nước tập trung, thống nhất.
Thứ trưởng lưu ý, Nghị quyết số 3372/TB-TTKQH ngày 28.2.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ, tại mục 3 đã nêu rõ: Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó lưu ý: “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật Lưu trữ, trường hợp được công nhận là di sản tư liệu, bảo vật quốc gia thì còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, đây là căn cứ quan trọng để Bộ Nội vụ và Bộ VHTTDL thống nhất các nội dung còn trùng lặp, làm rõ để đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý này. Trước đó, tại công văn số 567/BVHTTDL-DSVH ngày 7.2.2024 gửi Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), để đảm bảo sự thống nhất giữa dự Luật, Bộ VHTTDL đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1 không quy định về Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vàTài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Theo đó, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt sẽ được thể hiện thông qua các tiêu chí cụ thể để được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ trong quá trình xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm chỉnh sửa các quy định về Bảo vật quốc gia, bảo đảm những tài liệu có giá trị đặc biệt như quy định tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hiện nay được xem xét, công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tại phương án 2, Bộ VHTTDL đề xuất dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần làm rõ tiêu chí Tài liệu lưu trữcó giá trịđặc biệt, bảo đảm không trùng lặp với tiêu chí của Bảo vật quốc gia, Tài liệu lưu trữtư có giá trị đặc biệt không trùng lặp với tiêu chí của Di sản tư liệu. Khi tài liệu lưu trữ được công nhận là di sản tư liệu hoặc bảo vật quốc gia thì sẽ được bảo vệ, phát huy giá trị theo pháp luật về di sản văn hóa. Trong trường hợp cơ quan soạn thảo tiếp tục quy định nội dung này thì đề nghị làm rõ các mức độ để xác định cụ thể trường hợp nào là tài liệu lưu trữ; di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia... Trên cơ sở các mức độ để quy định các tiêu chí xác định cho phù hợp với từng đối tượng, tránh chồng chéo với các quy định tại Luật Di sản văn hóa.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ thống nhất việc tiêu chí công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt mặc dù thấp hơn tiêu chí công nhận bảo vật quốc gia và di sản tư liệu nhưng vẫn cần được rà soát và làm rõ hơn đặc thù của tài liệu lưu trữ, tránh trùng lặp với tiêu chí đã được quy định tại Điều 41a Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
BẢO NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN