Nhằm nâng cao chất lượng trong việc dạy và học lịch sử, các nhà trường đã phối hợp với thiết chế bảo tàng trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện nhiều chương trình liên kết để giúp học sinh tìm hiểu về các hiện vật, di tích, từ đó tích lũy thêm kiến thức đồng thời giúp các em hiểu, nhận thức đúng đắn về những thành tựu của lịch sử nước nhà.
Học sinh tìm hiểu lịch sử biển đảo tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng)
Học mà chơi, chơi mà học
Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ là nơi tham quan của du khách, trưng bày hiện vật lịch sử mà còn là địa chỉ diễn ra các hoạt động ngoại khóa hữu ích cho học sinh. Các hoạt động giáo dục, tuyên truyền mà bảo tàng tổ chức hằng năm đều có sự đổi mới trong cách thức truyền đạt, chú trọng vào sự tương tác, kích thích tìm hiểu nhằm giúp các em chủ động hơn trong việc tiếp cận, học hỏi lịch sử. Như chương trình sinh hoạt CLB Em yêu lịch sử được triển khai từ năm 2011 đã nhận được sự hưởng ứng, chào đón của đông đảo học sinh, giáo viên, với nội dung xoay quanh các chủ đề văn hóa, lịch sử và chủ quyền nước nhà đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tổ chức dưới hình thức thi tìm hiểu kiến thức, hùng biện, kết hợp với trò chơi vận động dễ hiểu, dễ thực hiện. Chương trình Nghe hiện vật kể chuyện giúp các em hiểu thêm về ý nghĩa, giá trị của mỗi hiện vật, tìm hiểu những sự kiện lịch sử ẩn chứa trong đó...
Với cách tuyên truyền linh động, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các bạn nhỏ, việc học lịch sử trở nên dễ dàng hơn, thu hút sự tham gia không chỉ của các trường học, học sinh mà còn có sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Tham gia cùng các con trong giờ sinh hoạt CLB Em yêu lịch sử, chị Hồ Thị Nga (phụ huynh) đánh giá cao những giá trị mà tiết học ngoại khóa mang lại: “Kiến thức lịch sử sẽ sống mãi trong lòng các con nếu những người giảng dạy biết cách truyền đạt một cách phù hợp, hấp dẫn. Phụ huynh chúng tôi rất ủng hộ những chương trình ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, vì dù trưởng thành trong thời hiện đại, các con có tiếp cận với nhiều kiến thức xã hội mới như thế nào đi chăng nữa thì những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc vẫn là điều cần thiết đối với thế hệ trẻ, để các con không bao giờ quên dân tộc, nguồn cội, ghi nhớ sự hy sinh của cha ông, giữ mãi lòng tự hào dân tộc”.
Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, bà Ngô Thị Bích Vân thông tin: “Trong nhiều năm qua, công tác giáo dục lịch sử - văn hóa cho học sinh tại Bảo tàng Đà Nẵng đã nhận được sự phối hợp tích cực và nhiệt tình của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng như các đơn vị giáo dục địa phương. Có thể nói, việc phối hợp giữa bảo tàng và ngành Giáo dục được duy trì và phát huy rất hiệu quả. Về phía bảo tàng cũng không ngừng nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục. Riêng Giờ học ngoại khóa đến nay đã có khoảng hơn 10 chủ đề thay đổi qua các năm học để học sinh không thấy nhàm chán và bám sát tài liệu giáo dục địa phương mà TP đã ban hành”.
“Trăm nghe không bằng một thấy”
Những giờ học lịch sử sinh động, hấp dẫn và dễ nhớ tại các bảo tàng đã trở thành hoạt động ngoại khóa được cả học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh chờ đón. Tiếp thu kiến thức thông qua các hiện vật, chương trình, trò chơi đã góp phần giúp môn Lịch sử không còn khô khan mà trở nên gần gũi hơn.
Thầy Lê Văn Sức, Tổ trưởng môn Sử trường THCS Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng cho biết, từ nhiều năm nay, hoạt động liên kết giữa nhà trường và các bảo tàng như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà trưng bày Hoàng Sa... được thực hiện rất tốt: “Các đơn vị đã đưa ra nhiều hoạt động giáo dục mang tính bám sát, phù hợp với môn Lịch sử, Địa lý thuộc chương trình mới trong các trường THCS. Trong đó, hoạt động đưa học sinh đến bảo tàng được các trường thực hiện nhiều nhất. Hoạt động trải nghiệm này trợ giúp rất nhiều cho các giờ học trên lớp, khi đến đây, học sinh được nhìn ngắm, đọc thông tin, nghe thuyết minh về giá trị lịch sử, ý nghĩa của hiện vật... khiến các em có thêm hứng thú học tập. Trên lớp, dù thầy cô cũng giới thiệu, hướng dẫn các em tìm hiểu trên Internet nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”, chuyến đi thực tế ở bảo tàng sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn”, thầy Sức chia sẻ.
Được xem là “địa chỉ đỏ” của Đà Nẵng, năm 2023, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã chủ động đưa tư liệu đến các trường học, ước tính khoảng hơn 10 ngàn học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP đã được tiếp cận tư liệu lịch sử từ các triển lãm lưu động, cuộc thi tìm hiểu về kiến thức lịch sử. Hướng đến giáo dục đối tượng học sinh, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã phối hợp với một số trường tổ chức trưng bày, thuyết minh giới thiệu tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tổ chức các cuộc thi: Em yêu biển đảo quê hương, thi ảnh Tuổi trẻ với biển đảo quê hương cho học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà; thi Rung chuông vàng Em yêu biển đảo quê hương cho học sinh 4 trường THCS: Lê Lợi, Phạm Ngọc Thạch, Phan Bội Châu và Trường THPT Thái Phiên. Thông qua việc khảo sát tại các trường, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã xây dựng chương trình giáo dục trực tuyến với chủ đề Hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Hải đội Hoàng Sa và phương án hoạt động trải nghiệm cho học sinh bậc tiểu học và THCS.
Từ năm 2022, hầu hết các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đưa môn Giáo dục địa phương vào giảng dạy. Chương trình gồm 7 chủ đề cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, môi trường, nhằm giúp các em bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, trân trọng những giá trị lịch sử mà ông cha để lại, từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn phát huy giá trị lịch sử.
NGỌC HÀ