Trưng bày chuyên đề: “Nghệ Tĩnh Đỏ trong trái tim Người” của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (Nghệ An) nhằm giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu hơn về tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Xô viết Nghệ Tĩnh.
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12.9.1930 – 12.9.2023), chiều 8.9, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức Khai mạc Trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người” và Gặp mặt, giao lưu với thân nhân gia đình các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. Trước giờ khai mạc, các đại biểu đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 tại Nhà tưởng niệm.
Diễn văn tại Lễ trưng bày đã ôn lại chặng đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quá trình xây dựng cơ sở cách mạng của Người. Cũng từ sự đào tạo, dìu dắt của vị lãnh tụ tài ba, những học trò xuất sắc như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã trở thành những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh và cả nước. Điều đó lý giải vì sao Nghệ An - Hà Tĩnh sớm trở thành trung tâm cách mạng của cả nước trong những năm 1930 - 1931.
Đại biểu 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dự Lễ Khai mạc Trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người”
Cách đây tròn 93 năm, đất nước ta chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. 93 năm trôi qua, nhưng khí phách và tinh thần Xô viết vẫn trường tồn cùng lịch sử dân tộc, vang vọng truyền thống kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới hôm nay. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân bùng lên mạnh mẽ, nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, mở đầu cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người”
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy vào ngày 1.5.1930. Nhân dân các huyện hưởng ứng treo cờ, mít tinh, diễu hành đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Làn sóng cách mạng phát triển trong những tháng tiếp theo. Đặc biệt, vào sáng 12.9.1930, khoảng 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn đã kéo đến huyện lỵ giương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống đế quốc, thực dân phong kiến. Hoảng sợ, thực dân Pháp cho máy bay trút bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương, hàng chục người bị bắt giam. Mất mát, đau thương nhưng tinh thần sục sôi của phong trào cách mạng lên cao hơn bao giờ hết. Trước sự khủng bố trắng vô cùng tàn bạo của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh của nhân dân ta bị dìm trong biển máu. Từ đó, ngày 12.9 hàng năm được lấy làm ngày tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết - Nghệ Tĩnh.
Giao lưu với thân nhân gia đình các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh
Phát biểu khai mạc trưng bày, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, dù ở nơi đâu, ở cương vị nào, Người cũng luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc cho quê hương xứ Nghệ, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931). Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, mặc dù lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, nhưng Người vẫn luôn theo dõi sát sao từng cuộc đấu tranh để cùng với Trung ương Đảng uốn nắn, chỉ đạo phong trào cũng như động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân. Khi phong trào bị khủng bố, Người đã liên tục báo cáo, gửi thư đề nghị Quốc tế Cộng sản quan tâm hơn nữa tới cách mạng Việt Nam, đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với nhân dân Nghệ Tĩnh. Người đã khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh…, tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh... Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!”.
Trên cương vị Chủ tịch nước, Người luôn dành sự kính trọng, tình cảm đối với Xô viết Nghệ Tĩnh. Trong dịp về thăm quê hương, Người đã đến đặt vòng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12.9.1930; gặp mặt và chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1964, Người ký Lời đề tựa tặng cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và căn dặn: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An – Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.
Đông đảo người dân và thân nhân gia đình các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh đến tham dự buổi lễ
Nhằm giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu hơn về tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức Trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người”. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện sự thành kính với những công lao hi sinh to lớn các anh hùng, liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ đó góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu tham quan, nghe thuyết minh về trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người”.
Tham quan trưng bày chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ trong trái tim Người”
Với gần 100 tư liệu hình ảnh, trong đó có nhiều tư liệu quý được khai thác từ các Trung tâm lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga, Pháp, Anh..., bộ trưng bày sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm, trăn trở của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng thời cung cấp thêm cho các nhà nghiên cứu những tư liệu mới liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Dịp này, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức gặp mặt, giao lưu với thân nhân gia đình các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh.
PHẠM NGÂN