Bảo tàng TP.HCM đang trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận - Nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ". Hoạt động do Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bình Dương thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng TP.HCM (1978 - 2023).
Chuyên đề giới thiệu gần 200 hiện vật đặc sắc
Chuyên đề trưng bày hơn 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc nhằm giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm, ý nghĩa, giá trị di sản của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: Gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gồm Pháp do Sài Gòn đặt hàng... Chuyên đề góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam Bộ.
Theo các tài liệu ghi chép lại, gốm Sài Gòn ra đời và phát triển từ đầu thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Địa danh xóm Lò gốm đã được ghi nhận trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1772) và trên bản độ của Trần Văn Học (1815). Trong bài phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh đầu thế kỷ XIX cũng miêu tả: “Lạ lùng xóm Lò Gốm/ Chơn vò vò bàn cổ xây trời".
Nét đặc trưng và khác biệt của gốm Sài Gòn so với các dòng gốm phụ cận Lái Thiêu (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai), đó là sự phát triển của dòng gốm trang trí, kiến trúc tín ngưỡng. Loại hình gốm này phong phú về đề tài và đa dạng trong các loại sản phẩm, phản ánh đậm nét yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt và người Hoa ở vùng Chợ Lớn nói riêng và ở cả vùng Nam Bộ nói chung. Sản phẩm bao gồm các tượng, quần thể tiểu tượng, bình gốm, đôn gốm... trên các mái đình, miếu của người Hoa và Việt. Bên cạnh sự đa dạng, linh hoạt trong tạo dáng còn thể hiện trình độ nghệ thuật tạo tác tinh xảo, cầu kỳ.
Đến đầu thế kỷ XX, ký danh trên sản phẩm gốm Sài Gòn như “Đồng Hòa Diêu”, “Bửu Nguyên Diêu” “Nam Hưng Xương Điếm Tố”, “Lương Mỹ Ngọc Điếm Tạo”... như một bảo chứng về chất lượng sản phẩm gốm cao cấp sử dụng trong lĩnh vực gia dụng hoặc trong trang trí kiến trúc. Đây là dòng gốm men màu đầu tiên của vùng đất Nam Bộ mà ảnh hưởng của nó còn khá đậm nét trong mối quan hệ “Văn hóa Gốm” với các vùng phụ cận.
Về gốm Pháp do Sài Gòn đặt hàng, vào đầu thế kỷ XIX, nghề gốm tại Việt Nam không được chú trọng phát triển, gốm sứ tại Việt Nam giai đoạn này đa phần là gốm được nhập từ Trung Quốc và châu Âu. Sự ưa chuộng đồ gốm Trung Quốc trước đó và trong thế kỷ XIX làm phát sinh, phát triển một nghề chuyên buôn bán đồ gốm cũng như hình thành một hệ thống cung cấp và phân phối hầu hết các khu vực thành thị Việt Nam, nhất là các địa phương có cảng sông hoặc cảng biển như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… Bên cạnh dòng gốm Trung Quốc sản xuất du nhập vào Việt Nam thuộc địa lúc bấy giờ còn có dòng gốm sản xuất tại Pháp cũng được các thương nhân Pháp và Việt Nam sử dụng nhằm quảng bá, tuyên truyền nền văn hóa Pháp trong công cuộc khai phá.
Các sản phẩm gốm Pháp du nhập vào Việt Nam chủ yếu là đồ gốm gia dụng, đặc biệt trên mỗi sản phẩm đều có ghi hiệu đề của các hãng sản xuất như: Moulin Des Loups & Hamage và U&C-SARREGUEMINES, công ty xuất khẩu và nhập khẩu là La Bordelaise-Saigon, France Tere De Fer H.B & Cie Saigon và Frexor-Saigon có trụ sở đóng tại Sài Gòn được gọi tên là "Gốm Pháp - Sài Gòn đặt hàng".
Các chủng loại gốm đặt hàng rất phong phú về kiểu dáng và mỹ thuật. Đường nét hoa văn, mô típ và men trang trí đều có nét tương đồng với gốm Trung Quốc. Hoa văn trang trí thường được vẽ hoa lá với nhiều màu sắc rực rỡ, phong cảnh nước Pháp và một số theo tích của gốm sứ Trung Hoa (Giang Liễu) hay truyền thuyết Thất Hiền. Tuy nhiên, chất liệu, xương gốm xốp, mỏng hơn so với các dòng gốm khác của phương Đông trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM cho biết: “Trưng bày không chỉ là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị mà còn là sự chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo trong việc mở rộng mối quan hệ, gắn bó, sẻ chia và hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn nghiệp vụ giữa các tỉnh thành trong cả nước.
Thông qua trưng bày, hai bảo tàng mong muốn giới thiệu đến công chúng về bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; đồng thời, góp phần làm rõ thêm các giai đoạn hình thành và phát triển của nghề làm gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Sài Gòn và vùng đất Nam Bộ”.
Chuyên đề mở cửa đón công chúng tại Bảo tàng TP.HCM (số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1) đến hết tháng 12.2023.
THÙY TRANG