Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/06/2023 11:18 1379
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiều 4/6, trong chương trình làm việc tại An Giang, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê (Huyện Thoại Sơn).

Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là di tích cấp quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh An Giang, đang trong giai đoạn làm hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

 
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê (Huyện Thoại Sơn).
Quần thể di tích này là một địa điểm khảo cổ học có phạm vi phân bố rộng, chứa đựng một khối lượng lớn di tồn văn hóa cổ của cư dân văn hóa Óc Eo xưa. Kết quả của các chương trình khai quật khảo cổ học cho thấy Óc Eo-Ba Thê mang tầm vóc của một đô thị cổ xưa, là một trong những thành phố ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á. Nhiều loại hình di tích được phát hiện như kiến trúc đền thờ tôn giáo, khu cư trú, mộ táng, công xưởng thủ công, hào thành, kênh cổ… phân bố trên một phạm vi rộng khoảng 500ha. Cùng với đó là nhiều bộ sưu tập hiện vật có số lượng khổng lồ và đa dạng, phong phú về loại hình-chất liệu, phản ánh chân thực về đời sống của cư dân cổ xưa, đặc biệt là những hiện vật mang tính thương mại quốc tế tới từ nhiều quốc gia cổ đại phía tây.
 
Khu di tích Óc Eo - Ba Thê không chỉ nổi bật nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn được nhiều nhà khoa học đánh giá là khám phá khảo cổ học lớn ở Đông Nam Á.  Ngoài phân bố trên địa bàn huyện Thoại Sơn, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo còn được phát hiện trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và một số huyện, thị trong tỉnh.
Theo đại diện của Ban Quản lý Di tích, những thành tựu của khảo cổ học đã minh chứng Óc Eo-Ba Thê có vị thế là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo của Vương quốc Phù Nam. Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo vô cùng to lớn, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.
 
Đây là dấu tích của một nền văn minh lớn và rực rỡ đã một thời hiện diện từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Hàng năm nơi đây đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Óc Eo
Trong thời gian tới, địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học, các nhà quản lý từ Trung ương tới địa phương và các tỉnh, thành phố để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo, đặc biệt là nỗ lực để đưa Khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê trở thành di sản văn hóa thế giới.
 
Đơn vị chuyên môn đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập với số lượng hàng ngàn hiện vật, gồm các loại đồ gốm, trang sức thủy tinh, kim loại, đồ gỗ và tượng thờ.
Phát biểu khi tới khảo sát tại Khu di tích khảo cổ học Óc Eo, đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là quần thể di tích quốc gia đặc biệt- nơi luôn có sức hút đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của vùng đồng bằng hạ lưu sông Mêkông cũng như với lịch sử Đông Nam Á cổ đại. Với giá trị to lớn về mặt khảo cổ học, về lịch sử, văn hóa, An Giang cần có kế hoạch cũng như các giải pháp tổng thể trong quản lý, bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di tích Óc Eo-Ba Thê đặc biệt là hướng đến một tầm vóc di sản văn hóa của nhân loại.
 
Hiện nay, đã có 7 hiện vật trong những hiện vật khai quật tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ được những giá trị của di sản văn hóa Óc Eo, hiểu thêm các quy định trong Luật Di sản văn hóa quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, để bà con tích cực tham gia, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nhất là hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo.
 
Qua quá trình khai quật đã có nhiều loại hình di tích được phát hiện cùng với đó là nhiều bộ sưu tập hiện vật có số lượng khổng lồ và đa dạng, phong phú về loại hình, chất liệu phản ánh chân thực về đời sống của cư dân cổ xưa
Bên cạnh đó, địa phương cũng nghiên cứu để kết nối với các điểm đến quan trọng trong tỉnh và vùng đồng bằng Sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử-văn hóa; làm thế nào để vừa bảo tồn di sản của tiền nhân, vừa biến nó thành những điều kiện phát triển kinh tế bền vững./.

Tin, ảnh: Vương Lê

https://dangcongsan.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3402

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Mộc bản triều Nguyễn là tài liệu tin cậy quý giá cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam

Mộc bản triều Nguyễn là tài liệu tin cậy quý giá cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam

  • 30/05/2023 09:22
  • 829

Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (AFCP) tài trợ dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới”. Qua đó, đã xử lý bảo tồn thành công hàng trăm tấm mộc bản xuống cấp. Tại lễ khánh thành dự án, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper khẳng định: “Mộc bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu tin cậy quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam”.