Nhằm bổ sung, củng cố các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa làm sáng tỏ vai trò, vị thế của các trung tâm gốm cổ qua các giai đoạn lịch sử trên vùng đất Ninh Bình, từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy truyền thống nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và văn hóa hiện nay, ngày 20.4, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại”.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thảo tỉnh Ninh Bình cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 450 di sản văn hóa phi vật thể thuộc đủ các loại hình cùng 1821 di tích trong đó có 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 03 di tích quốc gia đặc biệt, 390 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 05 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Đã có 68 di tích khảo cổ được phát hiện, cung cấp các dữ liệu khoa học lịch sử quan trọng về quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của Ninh Bình từ thời tiền sơ sử cách ngày nay hàng vạn năm đến các giai đoạn lịch sử cách mạng.
Nhận thức sâu sắc về giá trị các di sản trong việc nhận diện, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, những năm qua Ninh Bình đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội ở địa phương. Trong lịch sử khảo cổ học ở Ninh Bình đã phát hiện và lưu giữ nhiều bộ sưu tập về gốm thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, ở mỗi giai đoạn đều chứng minh vùng đất Ninh Bình giữ vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Năm 1998, di tích khảo cổ Mán Bạc được phát hiện và đã tiến hành thực hiện khai quật với quy mô lớn vào các năm 1999, 2001, 2004, 2005, 2007. Kết quả khai quật cho thấy di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay.
“Hội thảo là hoạt động đầu tiên nhằm mở ra hướng nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nghề gốm cổ ở Ninh Bình và đưa ra luận cứ khoa học để xác định Ninh Bình là một trung tâm gốm cổ trong lịch sử, tiền đề để đề xuất các giải pháp, chủ trương, định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát nói riêng, nghề gốm ở Ninh Bình nói chung trong thời gian tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng Khoa lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội nêu rõ: “Ninh Bình là một vùng đất cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Từ thời tiền sử, con người đã lựa chọn các hang động thuộc sơn khối đá vôi Ninh Bình để cư trú. Trong quá trình sinh sống và thích ứng tự nhiên, cư dân cổ Ninh Bình đã có nhiều sáng tạo vật chất. Đặc biệt trong số đó, họ đã phát minh ra đồ gốm đất nung. Theo các nghiên cứu khảo cổ học hiện biết, đồ gốm Ninh Bình được đánh giá là đồ gốm sớm nhất ở Việt Nam, có niên đại khoảng 8.000-9.000 năm cách ngày nay. Gốm Ninh Bình cũng là một trong những đồ gốm có niên đại thuộc loại sớm nhất trong khu vực và trên thế giới. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như là một trung tâm gốm Việt Nam”.
Đặc biệt, giai đoạn đầu của thời kỳ tái lập độc lập Đinh và Tiền Lê, hoạt động sản xuất gốm tại Ninh Bình phát triển nhanh chóng. Để phục vụ cho quá trình xây dựng kinh đô Hoa Lư, nhiều loại hình vật liệu kiến trúc đặc trưng đã được sản xuất, tiêu biểu trong số đó phải kể đến là những loại gạch vuông lát nền in hình phượng đôi, hoa sen và các loại đầu ngói ống trang trí hoa sen… Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Ninh Bình luôn đóng vai trò như là một trung tâm gốm Việt Nam.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được được 32 bài tham luận của các chuyên gia khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa… Trong đó có một số tham luận đã được chọn trình bày tại Hội thảo như: Các trung tâm gốm sớm ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực Đông Á và Đông Nam Á; Gốm Mán Bạc: Đỉnh cao gốm Ninh Bình thời sơ sử; Một số loại hình đồ gốm Việt Nam phát hiện được ở kinh đô Hoa Lư năm 1998; Vật liệu kiến trúc thời Đinh-Tiển Lê ở cố đô Hoa Lư; Sự tái sinh và phát huy giá trị dòng gốm Chu Đậu; Nghề gốm và đồ gốm Ninh Bình trong công nghiệp văn hoá hiện nay; Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị gốm ở Ninh Bình trong bối cảnh hiện nay;... Mỗi tham luận, đều từ góc nhìn riêng song tựu chung lại đã tập trung phân tích, luận giải làm nổi bật chủ đề Hội thảo, thể hiện ở các nội dung chính “Di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và Nghề gốm Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy giá trị”. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến gợi ý về mô hình phù hợp nhằm khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Binh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Hội thảo chính là điểm nhấn để thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư" giai đoạn 2021 - 2030, phù hợp với quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Thời gian tới tỉnh, giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, Đền thờ tổ nghề gốm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô trở thành điểm đến du lịch; tiếp tục có chính sách quan tâm phát triển nghề gốm Bồ Bát, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của Ninh Bình; hướng tới xây dựng Bảo tàng gốm Bồ Bát, tạo thành quần thể văn hóa di sản vừa bảo tồn nghề gốm cổ vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững, gia tăng giá trị cho nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.