Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/08/2022 10:23 806
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tối 23.8, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (từ ngày 23 đến 25.8.1945). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và trao Bằng xếp hạng.

 

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Phú Gia và Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là một trong những cơ sở cách mạng đặc biệt quan trọng. Nơi đây từng nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong... trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cũng tại nơi đây, Trung ương Đảng đã tin tưởng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng, Trạm liên lạc với các cơ sở của xứ ủy, tỉnh ủy trong cả nước. Bến đò Xù (Phú Xá) cũng là đầu mối giao thông quan trọng nối liền hai vùng Bắc, Nam sông Hồng trong An toàn khu của Trung ương Đảng. Hàng trăm người dân địa phương đã luôn sẵn sàng, hăng hái tình nguyện tham gia chở đò và bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng trong quá trình di chuyển để hoạt động cách mạng qua khu vực sông Hồng. Không những vậy, Phú Gia và Phú Xá cũng là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp, địa phương đã nhiều lần tổ chức tổ chức mít tinh quần chúng ở bãi giữa sông Hồng.
 
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Tây Hồ
 
Đại biểu và đông đảo nhân dân tham dự buổi lễ
Vào chiều ngày 23.8.1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội qua Bến đò Xù, Phú Xá, Người đã đến gia đình cụ Nguyễn Thị An tại làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) để dừng chân nghỉ ngơi và làm việc từ ngày 23.8 đến ngày 25.8.1945. Đây cũng chính là nơi Người đã trực tiếp làm việc với đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh về kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước, để tiến tới việc chuẩn bị soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2.9.1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đến năm 1946, gia đình của cụ An và người dân làng Phú Gia, Phú Xá một lần nữa được vinh dự đón Người quay trở lại thăm. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Từ đó đến nay, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên những kỷ niệm quý báu, những di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh vô giá liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Với những sự kiện lịch sử quan trọng đó, Bộ VHTTDL đã quyết định xếp hạng di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là Di tích quốc gia.
 
Các nghệ sĩ đã tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh về địa điểm di tích năm 1945
Tại lễ đón nhận, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ trân trọng cảm ơn các Bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ VHTTDL; thành phố Hà Nội, các nhà khoa học… đã tham gia xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xếp hạng di tích. Đặc biệt cảm ơn dòng họ, gia đình cụ Nguyễn Thị An đã có những đóng góp không nhỏ trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của địa phương, của dân tộc, để hôm nay, di tích nhà cụ Nguyễn Thị An được xếp hạng là di tích quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Thay mặt gia đình cụ Nguyễn Thị An và dòng họ phát biểu tại buổi lễ, ông Công Ngọc Dũng bày tỏ niềm tự hào khi gia đình vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương tại chính ngôi nhà của gia đình trong thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước. Ông Công Ngọc Dũng trân trọng cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng toàn thể bà con nhân dân phường Phú Thượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, cùng với gia đình bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà, qua đó góp phần lan tỏa truyền thống yêu nước, niềm tự hào tới các tầng lớp nhân dân.
Cùng với lễ đón nhận, tại sân khấu ngoài trời UBND Phường Phú Thượng đã diễn ra chương trình nghệ thuật mang tính chất sử thi Phú Thượng in dấu chân Người với sự tham gia  gần 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải Lương Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, góp phần làm lan toả ý nghĩa của sự kiện.

ĐÀO ANH; ảnh: QUANG THÁI

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3268

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Hoàn thiện nền tảng bảo tàng số góp phần phát triển du lịch, tạo ra quỹ tư liệu rất quý giá

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Hoàn thiện nền tảng bảo tàng số góp phần phát triển du lịch, tạo ra quỹ tư liệu rất quý giá

  • 22/08/2022 12:23
  • 959

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh việc hoàn thiện nền tảng bảo tàng số sẽ góp phần phát triển du lịch và tạo ra quỹ tư liệu rất quý giá.