Sáng nay 9.7, tại Thành phố Bắc Ninh đã diễn ra Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9.7.1912- 9.7.2022).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ; lãnh đạo Ban, bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chức mừng.
Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phường Phù Khê, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Viết sổ lưu niệm sau dâng hương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thành kính tưởng nhớ, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đồng chí sinh ngày 9.7.1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Sớm được giác ngộ cách mạng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với trí tuệ và tài năng, Đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong các phong trào công nhân và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và anh dũng hy sinh năm 29 tuổi (năm 1941). Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn nhưng vô cùng trong sáng và tràn đầy lý tưởng cách mạng cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước và quê hương Bắc Ninh.
Từ một học sinh trung học, với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng; năm 1927, Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1928, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (lúc này lấy tên là Phùng) ra mỏ Vàng Danh, Mạo Khê… (Quảng Ninh) làm phu cuốc than để vừa rèn luyện, vừa thâm nhập trong phong trào công nhân, vận động, giác ngộ công nhân. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2.1930), đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 1.5.1930. Tháng 2.1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò; bị kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, trước áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội, tìm liên lạc với tổ chức Đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ. Tại hội nghị Trung ương Đảng tháng 9.1937, Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3.1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6.1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích. Đây là một văn kiện lý luận quan trọng về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã kịp thời lãnh đạo và giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động, tập trung phê phán những khuynh hướng thiên tả hoặc thiên hữu của một số cán bộ, đảng viên, nhằm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.
Trước nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 2, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề thay đổi chiến lược của Đảng. Khi Chiến tranh thế giới thứ II đầu tháng 9.1939 bùng nổ. Đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình, quyết định đưa Đảng và một số cán bộ vào hoạt động bí mật, tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng; phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.
Ngày 6.11.1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VI tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam; Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương. Để phù hợp với tính chất cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp, bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc.
Quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương VI là rất đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với thực tiễn cách mạng, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Do có chủ trương chuyển hướng chiến lược đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời mà phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển, lực lượng cách mạng tránh được tổn thất khi kẻ thù tăng cường đàn áp, khủng bố. Giữa lúc phong trào cách mạng đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18.1.1940 đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Những chủ trương và quyết định đúng đắn do Hội nghị Trung ương VI vạch ra tiếp tục được các Hội nghị Trung ương tiếp theo kế thừa, phát triển, đưa đến thắng lợi vẻ vang trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân ta. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.
Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, học tập và noi gương các thế hệ đi trước, hơn 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp; cơ sở hạ tầng khó khăn đã có sự phát triển toàn diện, cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực”.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc; học tập tấm gương đạo đức cách mạng, tư duy sáng tạo của Đồng chí Nguyễn Văn Cừ; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan hứa với Trung ương Đảng, với Bác Hồ kính yêu và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển; góp phần cùng cả nước, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
NGUYỄN LÂM; ảnh: ĐỨC TUÂN