Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/05/2022 08:19 861
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phát biểu tại tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, sau hơn 2 năm các hoạt động bảo tàng đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19, thời gian hiện tại và sắp tới rất quan trọng để các Bảo tàng cùng phục hồi, phát huy sức mạnh bằng sự liên kết chặt chẽ, tạo khối thống nhất. Đây cũng là định hướng phù hợp với chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5: “Sức mạnh của Bảo tàng”.

 
Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5

Tọa đàm do Cục Di sản Văn hóa và ICOM Việt Nam tổ chức ngày 16.5 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội.

Cùng tham dự tọa đàm có GS.TS  Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Chủ tịch ICOM Việt Nam; Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Phạm Định Phong, Phó Chủ tịch ICOM Việt Nam; các lãnh đạo ICOM Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị thành viên ICOM Việt Nam...

Chủ đề Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022 là “Sức mạnh của Bảo tàng”, thông qua đó Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích phát huy tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua những thế mạnh của bảo tàng.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, tọa đàm là sự kiện có ý nghĩa, đặc biệt nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5 và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ICOM Việt Nam.

 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Theo Thứ trưởng, năm 2022 và thời gian tới đây sẽ là quãng thời gian hết sức ý nghĩa đối với hoạt động của ICOM Việt Nam và hệ thống các bảo tàng. “Chúng ta vừa trải qua hơn hai năm đại dịch và chứng kiến nhiều hoạt động đình trệ của khối bảo tàng. Những trải nghiệm đó giúp các bảo tàng đúc kết kinh nghiệm và nhận thấy những tác động của việc không có khách tham quan cũng như sự cần thiết phải phát huy sức mạnh để vượt qua thử thách. Khó khăn cũng giúp chúng ta thấy những yêu cầu đặt ra là phải làm gì để khôi phục, để phát huy sức mạnh trong thời gian tiếp theo...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng cho biết, thời gian sắp tới sẽ có nhiều thay đổi quan trọng, với nhiều dự án cải tạo, hoàn thiện các Bảo tàng trọng điểm. Việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các Bảo tàng sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá và giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị tại các thiết chế văn hóa này. Trong bối cảnh đó, rất cần có  những tọa đàm như thế này để các Bảo tàng, đồng thời là những đơn vị thành viên của ICOM Việt Nam thảo luận những vấn đề thiết thực, từ thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất như thế nào. 

 
Khảo sát  về công tác ứng dụng công nghệ 3D và phục dựng hiện vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

“Có thể nói, các Bảo tàng chưa từng trải qua một thời gian nào đặc biệt như vừa qua; cùng với đó là việc sắp tới nhiều đơn vị Bảo tang sẽ được đầu tư, xây dựng và kiện toàn. Vấn đề đặt ra là các đơn vị cần phối hợp với nhau như thế nào để hình thành một  khối liên kết mạnh mẽ, phát huy giá trị, sức mạnh các bảo tàng trong thời gian tới....”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương lưu ý.

 Lãnh đạo Bộ VHTTDL hoan nghênh Cục Di sản Văn hóa và ICOM Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm  thực hiện và nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn đối với các Bảo tàng. Ngoài hoạt động khảo sát thực tế  tại một số Bảo tàng thì đây là dịp để các đơn vị cùng tập trung thảo luận những vấn đề về ứng phó và vượt qua đại dịch; hoạt động của các Bảo tàng cần thay đổi ra sao khi có sự đầu tư thay đổi cơ sở vật chất; vấn đề tạo khối liên kết để phát huy sức mạnh, đúng như chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay: “Sức mạnh của Bảo tàng”.

 
Khảo sát công tác ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Nhà trưng bày Viettel

“Đồng thời, việc phát huy sức mạnh của các Bảo tàng cũng  giúp chúng ta không còn phải nhận những phê phán của xã hội  rằng  nhiều Bảo tàng không thu hút được khách. Đây là vấn đề mà sau những trao đổi trong khuôn khổ tọa đàm, các Bảo tàng vẫn cần quan tâm thực hiện...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Phạm Định Phong cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ICOM Việt Nam sẽ  xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp, thiết thực hơn. “Nhiệm kỳ 2019- 2022, hoạt động của ICOM Việt Nam và các bảo tàng  gần như đình trệ vì Covid-19. Sau Hội nghị của ICOM tại Praha vào tháng 8 tới,  chúng ta sẽ chuyển sang một nhiệm kỳ mới (2022-2025), đồng thời sẽ có những định hướng theo chương trình mà ICOM đề ra, phù hợp với định hướng  hoạt động của ICOM Việt Nam...” ông Phong nhấn mạnh.

 
 
Khảo sát về công tác ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong khuôn khổ tọa đàm còn diễn ra nhiều nội dung như: Giới thiệu mô hình và mục tiêu hoạt động của ICOM nhiệm kỳ 2019-2022; giới thiệu nội dung các dự thảo định nghĩa Bảo tàng của ICOM; thống nhất ý kiến của ICOM Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng ICOM 2022; giới thiệu một số ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trước đó, ngày 15.5,  Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng  Di sản Văn hóa quốc gia và thành viên ICOM Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực: Khảo sát và tọa đàm về công tác ứng dụng công nghệ 3D và phục dựng hiện vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Khảo sát công tác ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Nhà trưng bày Viettel; Khảo sát và tọa đàm về công tác ứng dụng công nghệ trong trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; tham dự Chương trình trải nghiệm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.

BẢO ANH

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3228

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/2022)

Hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/2022)

  • 16/05/2022 10:14
  • 840

Ngày 06/4/2022, Cục Di sản văn hóa có Công văn số 275/DSVH-QLBT&TTTL gửi các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc định hướng hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5).