Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến
Hơn 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, một số địa phương và tỉnh Tuyên Quang cùng các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn Tuyên Quang làm “đại bản doanh” của cách mạng. Tháng 8/1945, nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại, những quyết định lớn thể hiện sự nhạy bén, sáng suốt và ý chí, quyết tâm cao độ của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh khi lãnh đạo dân tộc vùng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước khi rời Tuyên Quang trở về Thủ đô Hà Nội, với sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn vượt trước thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng “Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; vừa xây dựng vừa củng cố chính quyền cách mạng. Mặc dù đã ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, nhưng thực dân Pháp không những không thi hành mà còn tìm cách phá hoại, ra sức chuẩn bị chiến tranh nhằm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện những biện pháp đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt và nhân nhượng có nguyên tắc để bảo vệ độc lập và giữ gìn hòa bình đất nước. Tuy nhiên, “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Trước tình thế đó, ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc với niềm tin son sắt: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Ngày 02/4/1947, Người trở lại Tuyên Quang. Một lần nữa Tuyên Quang đi vào lịch sử khi trở thành “Thủ đô kháng chiến” của dân tộc.
Lựa chọn quay trở lại Tuyên Quang của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, bởi Tuyên Quang là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành căn cứ đầu não cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Tuyên Quang đã cùng nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của đất nước, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Tuyên Quang trong hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn quốc kháng chiến giành thắng lợi
Nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với đội quân xâm lược chính quy, nhà nghề của thực dân Pháp, lại được các lực lượng đế quốc giúp sức, trong khi chúng ta vừa mới giành được độc lập, có Nhà nước nhưng chưa được nước nào công nhận về mặt ngoại giao; quân đội còn non trẻ, trang bị vũ khí, kỹ thuật còn thiếu thốn…
Trở thành nơi sống và làm việc chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đứng chân của hầu hết các cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội và các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Tuyên Quang chính là nơi in đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Để lãnh đạo kháng chiến thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mặt trận dân tộc thống nhất. Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội chỉ đạo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; tiến hành giảm tô, giảm tức và tiến tới thực hiện “người cày có ruộng”, chia ruộng đất cho nông dân nghèo. Đồng thời, Người cũng chỉ đạo những chiến dịch lịch sử quan trọng như: Chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (Đông Xuân 1951 – 1952),... và đặc biệt là Chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Tuyên Quang còn là nơi ghi dấu những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực ngoại giao. Bằng đường lối và nghệ thuật ngoại giao tài tình, Người đã tranh thủ được cao nhất sự ủng hộ to lớn và rộng khắp của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Thời gian sống và làm việc tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo và tham dự những sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng và dân tộc như: Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt (3/1951); Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương (3/1951); Quốc hội khóa I kỳ họp thứ ba (12/1953); các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ…
Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc
Vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trao cho sứ mệnh đặc biệt là nơi chủ yếu đặt các cơ quan đầu não kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng.
Suốt 9 năm kháng chiến, Tuyên Quang đã cùng với các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã đồng tâm, hợp lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất hai miền Nam Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới
Sau khi kháng chiến thành công, đất nước thống nhất, cùng với cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: 75 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não kháng chiến trở lại Tuyên Quang, căn cứ địa Việt Bắc, xây dựng căn cứ đầu não kháng chiến, lãnh đạo thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng tự hào và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị di sản từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.