Ngày 15/8/2019, tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (số 01 Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075-1919) - 100 năm nhìn lại”. Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, Viện Sử học phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, Viện Harvard - Yenching (Hoa Kỳ) đồng tài trợ.
PGS.TS. Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học - Đơn vị tổ chức)
phát biểu tại Hội thảo
Diễn văn khai mạc của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Trải qua 14 thế kỉ khoa cử ở Đông Á, trong đó ở Việt Nam là hơn 8 thế kỷ, nền giáo dục khoa cử gắn với Nho giáo đã thể hiện được nhiều mặt mạnh, nhưng cũng dần bộc lộ ra những mặt yếu, để rồi bị thay thế bằng nền giáo dục hiện đại vào khoảng những thập niên đầu thế kỉ 20.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và tuyển chọn người thực tài để phục vụ đất nước, phục vụ xã hội luôn là trọng trách của mỗi quốc gia. Hiện nay Việt Nam đang coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hệ thống giáo dục và thi cử ở Việt Nam trong những năm vừa qua đã liên tục được cải thiện, nâng cao cả về lượng và về chất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngành giáo dục còn vấp phải không ít vấn đề nan giải.
TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm)
trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo
Vì vậy, Hội thảo mang ý nghĩa tập trung những tiếng nói học thuật về một giai đoạn lịch sử tuyển chọn nhân tài ở Việt Nam từ góc độ khoa cử, lịch sử, Hán Nôm, văn hoá của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hội thảo cũng là cơ hội tốt nhằm trao đổi chuyên sâu về các dục và thi cử từ truyền thống đến hiện đại trong khu vực Đông Á.
Hội thảo thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo học giả Việt Nam cùng các chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ
Bên cạnh số lượng đông đảo học giả Việt Nam tham dự, Hội thảo còn có sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhiều đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.
Với 57 tham luận (chia thành 3 tiểu ban), Hội thảo đã tập trung làm nổi bật các giá trị văn hoá và lịch sử của chế độ khoa cử Nho giáo Việt Nam, xem xét mối quan hệ giữa khoa cử Việt Nam với khoa cử Đông Á thời xưa, cũng như giá trị và bài học kinh nghiệm của khoa cử Nho giáo Đông Á ngày xưa đối với nền giáo dục hiện đại ngày nay, từ đó góp phần gắn chặt nghiên cứu khoa học với công tác tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoạch định các chính sách quản lí phù hợp trên lĩnh vực giáo dục và tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Hội thảo kết thúc vào 17h30 cùng ngày, được các nhà khoa học, đại biểu khách mời đánh giá thành công tốt đẹp. Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đã có nhiều đóng góp lớn, tích cực cho vấn đề đào tạo nhân tài tức nguồn lực chất lượng cao cho đất nước để gánh vác trách nhiệm quốc gia, trách nhiệm xã hội ở Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại.
Phạm Hoàng Mạnh Hà