Với lịch sử 100 năm hình thành và phát triển (1919-2019), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng cùng những giá trị văn hóa, di sản mà nơi này đang lưu giữ.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với lịch sử 100 năm.
Theo lịch sử hình thành, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng vào năm 1915, đến năm 1919, lần đầu tiên, Bảo tàng mở cửa trưng bày với 160 cổ vật. Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX là công lao của những người Pháp yêu ngành khảo cổ học, đặc biệt là của những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (L'École Française d' Extrême - Orient). Một số hiện vật điêu khắc Chăm đã được chuyển về Pháp, một số khác được chuyển đến Bảo tàng tại Hà Nội, Bảo tàng tại Sài Gòn, phần lớn các tác phẩm tiêu biểu vẫn để lại tại Đà Nẵng.
Bảo tàng được mở rộng lần thứ nhất vào những năm giữa thập kỷ 1930 nhằm đủ chỗ để trưng bày thêm những hiện vật mới được thu thập trong những năm 1920, 1930. Năm 2002, một tòa nhà hai tầng được xây nối thêm nhằm tăng diện tích trưng bày hiện vật. Năm 2005, với sự trợ giúp của các chuyên gia Pháp thuộc dự án FSP, hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương được cải tạo và khánh thành năm 2009. Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng I tại Việt Nam.
Đến năm 2016, UBND TP Đà Nẵng đầu tư trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày với nỗ lực nhằm tạo sự liên kết các tòa nhà của bảo tàng trong một lộ trình tham quan tổng thể, bài bản, khoa học với một phòng chuyên đề ảnh tư liệu, một phòng chuyên đề khảo cổ, hai phòng trưng bày dân tộc học Chăm Nam Trung Bộ và thành tựu văn hóa Sa Huỳnh, 10 phòng trưng bày nghệ thuật điêu khắc Chăm như phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm, phòng trưng bày mở...
Hiện, bảo tàng sở hữu hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ; trong đó, có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà bảo tàng, 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật lưu giữ trong kho. Đặc biệt nơi đây hiện trưng bày, bảo quản bốn Bảo vật quốc gia, gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ tát Tara/Avalokiteshvara và Đài thờ Đồng Dương.
Tham quan bảo tàng, được tìm hiểu về các giá trị độc đáo của văn hóa Chăm-pa được sưu tầm, khai quật và lưu giữ tại đây, ngoài việc được nghe thuyết minh, người dân, du khách có thể sử dụng hệ thống thiết bị audio hiện đại để khách du lịch có thể chủ động nghe giới thiệu bảo tàng Chăm Đà Nẵng và các hiện vật.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sự, sự tiếp biến của thời gian, những giá trị về văn hóa, khảo cổ mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang trưng bày, lưu giữ, chưa bao giờ thôi hấp dẫn người dân, du khách. Văn hóa, nhìn từ góc độ bảo tàng, là giá trị còn lại vĩnh cửu trước thời gian.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với lịch sử 100 năm.
Đài thờ Đồng Dương - Bảo vật quốc gia.
Tượng Bồ tát Tara/Avalokiteshvara - Bảo vật quốc gia.
Đài thờ Trà Kiệu - Bảo vật quốc gia.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 - Bảo vật quốc gia.
Các không gian trưng bày được sắp xếp theo địa danh.
Người dân, du khách có thể tự mình tìm hiểu về bảo tàng qua hệ thống thiết bị audio.
Các phòng trưng bày hiện đại, lôi cuốn.
Phòng trưng bày chuyên đề kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ, 2011 - 2018.
Các không gian trưng bày các giá trị văn hóa Chăm-pa.
Đá Thạch Anh được tìm thấy tại phế tích Chăm Phong Lệ, Đà Nẵng.
Mô phỏng hố thiêng tại phế tích Chăm Phong Lệ, Đà Nẵng.
Các lối tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Độc đáo Bảo tàng Điêu khắc Chăm với 100 năm tuổi.
BÀI, ẢNH: ANH ĐÀO