Cổ Loa là một vùng đất gắn liền với truyền thuyết Trọng Thủy - Mị Châu, với quá trình dựng, giữ nước cũng như chống giặc ngoại xâm của Thục phán An Dương Vương. Một vùng đất ngoại thành Hà Nội không chỉ có những khu di tích lịch sử mà còn là nơi sở hữu phong cảnh đẹp tuyệt vời.
Học sinh tham quan di tích
Thành Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ X sau Công nguyên. Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Các cửa của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.
Học sinh tham quan các vòng thành tại khu di tích
Hiện tại khu di tích Cổ Loa còn lại với các di tích như đình Ngự triều di quy, am Bà Chúa (miếu thờ công chúa Mỵ Châu), đền Thượng (đền An Dương Vương), giếng Ngọc.
Trong khu vực thành Cổ Loa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hệ thống các di tích cư trú, di chỉ xưởng đúc mũi tên đồng đã tồn tại trước khi xây dựng thành Cổ Loa thuộc buổi đầu thời đại đồ sắt, trong đó phát hiện nhiều mộ cổ, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh, rìu lưỡi xéo bằng đồng, tiền đồng, lưỡi cày, các vật dụng bằng gốm, đất nung và trống đồng Cổ Loa.
Học sinh trải nghiệm dựng mô hình thành bằng đất sét
Học sinh trải nghiệm thi bắn nỏ thần An Dương Vương
Khu di tích Cổ Loa với những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, là tài sản quý báu trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng lịch sử phản ánh sâu sắc quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của biết bao thế hệ.
Nhằm quảng bá di sản và giáo dục thế hệ trẻ, kể từ năm 2018 Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa đã triển khai nghiên cứu, xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình Giáo dục di sản hướng tới đối tượng là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là chương trình học tập ngoại khóa gắn với bộ môn lịch sử địa phương.
Học sinh tham gia trò chơi kéo co
Tham gia chương trình các em học sinh được nghe các thuyết minh viên khu di tích giới thiệu về lịch sử Cổ Loa; được tham quan các vòng thành; được trải nghiệm các hoạt động bổ ích và lý thú như xây đắp thành bằng đất sét, dập hoa văn các hiện vật khảo cổ học, thi bắn nỏ thần An Dương Vương, làm một số món ăn truyền thống của Cổ Loa và các làng xung quanh…
Học sinh trải nghiệm làm một số món ăn truyền thống của Cổ Loa
Học sinh trải nghiệm dập hoa văn các hiện vật khảo cổ học
Học sinh tham gia ghép tranh
Chương trình Giáo dục Di sản tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ là bài học ngoại khóa đơn giản mà còn bồi đắp về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thông qua buổi trải nghiệm sẽ giúp các em có thêm những kiến thức về lịch sử, về tinh thần chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước của ông cha ta; giáo dục các em về tình yêu quê hương, đất nước, bảo vệ những di sản của cha ông, biết trân quý công lao của tổ tiên và biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô.
TS. Bùi Thị Thu Phương