Sáng ngày 10/7/2019 khóa tập huấn đã khai mạc, tới dự khai mạc có TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản - Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; Ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; các chuyên gia đến từ Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM); các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, phòng chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở Việt Nam như: Di sản Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Tràng An, Thành Nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật; Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ; Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử giám, Cục Lưu trữ Quốc gia…
Toàn cảnh Hội nghị
Tham gia giảng dạy và hướng dẫn trong khóa tập huấn là các chuyên gia đến từ Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM), Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
Việt Nam là một trong những nước phải chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, hàng năm phải đối mặt với hàng chục cơn bão có diễn biến phức tạp, gây vỡ đê, lụt lội, sạt lở đất... Ngoài những thiệt hại về người, về của, thì di sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các di sản thế giới, như quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), khu phố cổ Hội An (Quảng Nam)... năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập lụt. Bên cạnh đó, không ít vụ cháy, hỏa hoạn vẫn còn diễn ra ở các di tích. Gần đây nhất là vụ cháy rừng ở khu vực núi Vụng Quao thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An vào ngày 28/6/2019.
Ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Chương trình tập huấn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cung cấp lý luận cũng như kinh nghiệm trong phương pháp phòng ngừa rủi ro đặc thù trong lĩnh vực di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các nhà quản lý di sản văn hóa thực hành công tác phòng ngừa rủi ro, nắm vững các nguy cơ, tác động từ rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch ứng phó thích hợp trong tình huống khẩn cấp.
Thảm họa (do tự nhiên và con người) ngày càng gia tăng lên di sản là một điều không thể tránh khỏi và ít khi tránh được. Nhưng các biện pháp chuẩn bị có thể giúp giảm nhẹ ảnh hưởng. Đồng thời, đầu tư vào việc chuẩn bị đối phó trước thảm họa có thể giúp tránh việc tiêu tốn những khoản tiền lớn cho giai đoạn phục hồi về sau.
Thêm vào đó, kinh nghiệm cho thấy, bản thân di sản cũng có thể đóng góp vào việc giảm nhẹ các ảnh hưởng của thảm họa theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, các hệ thống kiến thức truyền thống chứa đựng trong quy hoạch và xây dựng; các hệ thống quản lý địa phương và quản lý sinh thái… không chỉ giảm nhẹ tác động thảm họa mà còn cung cấp các cơ chế ứng phó hiệu quả sau thảm họa.
Trong 3 ngày tập huấn, các học viên đã được các chuyên gia trao đổi về các vấn đề như: Phương pháp bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh rủi ro thiên tai cũng như khủng hoảng do con người; kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam; đánh giá các nhu cầu sau thảm họa, lập kế hoạch giảm thiểu, chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp với rủi ro…
Học viên tham gia thực hành và làm việc nhóm
Ngoài các giờ học lý thuyết, các học viên tham gia thực hành tại các khu vực di tích ngoài trời, các phòng trưng bày của Hoàng thành Thăng Long và làm việc nhóm, thực hành các bài tập mô phỏng với các hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn và hữu ích.
Trao Giấy chứng nhận cho học viên tham dự khóa học
Chiều ngày 12/7 khóa tập huấn kết thúc tốt đẹp, các học viên tham dự khóa học được cấp Giấy chứng nhận. Sau khóa tập huấn, các học viên quay trở lại đơn vị và tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các đồng nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức và có thêm những kiến thức chuẩn bị, ứng phó và phục hồi cho di sản khi xảy ra thảm họa.
TS. Bùi Thị Thu Phương