Trong những năm gần đây, khái niệm “giáo dục di sản” đã trở nên quen thuộc với các bảo tàng, các khu di tích. Nhiều bảo tàng, khu di tích ở Việt Nam đã chú trọng công tác giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, xây dựng những chương trình học tập, trải nghiệm phù hợp, sinh động, cuốn hút và hết sức bổ ích cho các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi.
Khu Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện là một trong những địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, thu hút được số lượng lớn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Trong những năm gần đây, với mục tiêu hướng tới khách tham quan, đưa khách nhí tiếp cận di sản theo một phương pháp mới, hiệu quả và bổ ích hơn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình “giáo dục di sản” cho các em học sinh Tiểu học và THCS. Đây là một trong những hình thức học tập ngoại khóa bổ ích, thiết thực của các nhà trường, tạo môi trường học tập yêu thích cho học sinh, đặc biệt là với môn học lịch sử. Tại đây, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, từ đó góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm…
Học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long
1/ Chương trình “Em làm nhà khảo cổ” dành cho đối tượng học sinh cấp Tiểu học, triển khai vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, tại khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu,
Đây là một trong những chương trình được sự hỗ trợ của UNESCO với các khu Di sản Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Chương trình nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về khảo cổ học, về quy trình khai quật khảo cổ học… qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ giữa di sản với nhà trường, di sản với gia đình… Chương trình đã được triển khai thể nghiệm từ năm 2013 và đến nay đã được hoàn thiện và trở thành một chương trình hấp dẫn với đối tượng học sinh Tiểu học.
Học sinh tham gia chương trình “Em làm nhà khảo cổ”
Trong chương trình, các em học sinh được chuyên gia giới thiệu những nét khái quát về bộ môn khoa học khảo cổ học, có dịp làm quen/tiếp xúc với công việc của nhà khảo cổ học trên hiện trường khai quật. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội thể nghiệm trở thành một nhà khảo cổ học, học tập và thực hành một số kỹ năng cơ bản trong khai quật khảo cổ, như phương pháp căng dây, đóng cọc, mở một hố khai quật vuông vắn, cách thức làm sạch mặt bằng di tích, di vật, chụp ảnh hố khai quật, hoàn thiện thông tin trên phiếu mô tả về di tích, di vật…
Ngoài ra, các em học sinh còn được trực tiếp trải nghiệm những hoạt động tương tác tại khu vực “Góc Khám phá”, như khai quật và lắp ghép hiện vật từ hố khai quật giả định, trò chơi xếp hình một số hiện vật, mô típ hoa văn tiêu biểu (Di tích Cột cờ Hà Nội, bậc thềm rồng trên nền điện Kính Thiên, tượng đầu rồng, bát gốm hoa lam vẽ rồng…).
Chương trình được tổ chức nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, qua đó khuyến khích việc tăng cường tìm hiểu các giá trị nổi bật của di sản.
Bên cạnh đó, chương trình còn là cơ hội tốt để các em học sinh có điều kiện rèn luyện những đức tính cần thiết của một nhà khảo cổ học như sự say mê, sáng tạo, tính kiên trì, tỉ mỉ,…. Đây là những kỹ năng rất cần thiết trong quá trình học tập cũng như công tác sau này của các em.
2/ Chương trình “Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long” dành cho học sinh cấp THCS, giúp học sinh trải nghiệm tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong khoảng thời gian từ 2 - 3 giờ.
Trong chương trình này các em học sinh được tham quan các điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng nhà D67, Hầm D67, hầm Cục tác chiến; Tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản; Tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố; Tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian.
Tham gia chương trình các em còn được nghe kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và giao lưu với các Giáo sư Sử học nổi tiếng như GS. Lê Văn Lan, GS.TS Trịnh Sinh…
Học sinh tham gia chương trình “Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long”
Đối với các em học sinh các lớp cuối cấp, ngoài các chương trình tham quan, hoạt động tương tác, trải nghiệm, các em còn được tham dự lễ dâng hương tại sân Rồng, trước thềm Điện Kính Thiên, nơi từ thời Lê đã từng diễn ra các kỳ thi Đình, đỉnh cao của khoa cử Việt Nam do nhà vua tổ chức dành cho những người đã đỗ Tiến sĩ trong kỳ thi Hội diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chụp ảnh kỷ yếu trước mỗi mùa thi, một số lượng lớn học sinh được vinh dự kết nạp Đội, Đoàn tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Lễ chào cờ tại Hoàng thành Thăng Long
Lễ dâng hương và kết nạp đội viên tại Hoàng thành Thăng Long
Các chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua đã thu hút được một số lượng lớn học sinh các trường học trên địa bàn thủ đô tham gia. Đây là các tiết học ngoại khóa hấp dẫn, bổ ích và lý thú giúp các em học sinh tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, di sản của thủ đô.
Trao Giấy chứng nhận cho học sinh tham gia chương trình
Theo chia sẻ của một số thầy cô giáo khi đưa học sinh đến tham gia các chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long: “Việc dạy và học môn lịch sử ở trường đôi khi còn hạn chế vì các em chỉ nghe là chính và tiếp thu một cách thụ động. Còn tham gia chương trình này, các em được chủ động, vừa học vừa chơi, được trải nghiệm thực tế, như vậy dễ dàng tạo ra hứng thú học tập, cũng như phát huy sự sáng tạo của học sinh, kiến thức lịch sử được các em ghi nhớ và khắc sâu hơn. Mô hình này nên được mở rộng và phát triển”.
Sau gần 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (2010-2019), Khu Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bên cạnh các công tác nghiên cứu, bảo tồn luôn chú trọng đến công tác quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản, đưa di sản đến gần gũi với các tầng lớp nhân dân, hướng đến mục tiêu gìn giữ di sản cho các thế hệ sau, thực hiện tinh thần UNESCO đã tuyên bố: Di sản trong tay và trong tim thế hệ trẻ.
TS. Bùi Thị Thu Phương