Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/05/2019 15:35 2449
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng 8/5, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bố cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”.

Tham dự Hội thảo khoa học có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.. cùng đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý và bà con dòng họ Phùng.

 

Đại biểu tham dự hội thảo

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước Việt Nam và thành phố Hà Nội. Ông là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602 - 905) trong lịch sử Việt Nam.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Phùng Hưng là người ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu. Ông vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ.

Theo sách Việt điện u linh: Phùng Hưng là Thế Tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang. Phùng Hưng xuất thân gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu. Người em tên Hải cũng có sức mạnh kì dị.

Theo sách Việt sử tiêu án: Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm thuộc Phong Châu, con nhà hào phú, có sức vật trâu đánh hổ.

Phùng Hưng vốn là cháu bảy đời của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ thời niên hiệu Vũ Đức (618 - 626) dự yến tiệc và làm Quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.

Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người.

Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành Hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.

Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.

Năm 767, Cao Chính Bình, Hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp Kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.

Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 - 780), chưa rõ đích xác vào năm nào, nhân Giao Châu có loạn, Phùng Hưng cùng với em là Hải hàng phục được các ấp bên cạnh, Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Hải xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được.

Sách Việt điện u linh chép: Giữa niên hiệu Đại lịch nhà Đường, nhân An Nam có loạn, anh em Phùng Hưng đem quân đi tuần các ấp lân cận, đánh đâu được đấy. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão hiệu là Đô Quân, Hải cũng đổi tên là Cự Lực, hiệu là Đô Bảo. Phùng Hưng dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong tất cả đều quy thuận, uy danh chấn động, muốn đánh lấy Đô hộ phủ.

Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng: Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đè bẹp quân địch, ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho ba người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác.

Phùng Hưng đem quân đánh với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Phùng Hưng dùng kế của Đỗ Anh Hàn, đặt đại bản doanh ở làng Triều Khúc, Thanh Trì đem quân vây phủ. Quan Đô hộ Cao Chính Bình đem binh ra đánh, không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da rồi chết.

Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791.

Kể từ khi ông mất đến nay, thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã được lưu danh sử sách. Nhiều triều đại sau này đã sắc phong công trạng cho ông, nhân dân các vùng miền tưởng nhớ ơn đức của ông. Trong đó, số sắc phong tôn vinh ông là Thượng Đẳng Thần của các triều đại đã lên tới hàng trăm, tiêu biểu như: Đình làng Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm có 17 sắc phong; đền Lộc Điền, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 14 sắc phong thần…

 Hiện nay, nhiều di tích thờ Ông được xây dựng ở khắp nơi trên các miền đất nước như: Lăng của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (phường Cát Linh,(Đống Đa, Hà Nội); đình thờ Phùng Hưng (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội); đền thờ Phùng Hưng (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội); đình làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), Đình làng Đào Nguyên (xã An Thượng, huyện Hoài ĐứcHà Nội); ba ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); đình làng Vũ Đại (xã Gia XuânGia Viễn, Ninh Bình). Các di tích này vừa là địa chỉ văn hóa có tính giáo dục truyền thống cao, vừa là nơi sinh hoạt, hướng về nguồn cội của nhân dân cả nước. Hiện nay, thành phố Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước lấy tên Phùng Hưng để đặt thành tên phố, tên đường, trường học, đình làng, nơi thờ tự. Qua đó, nói lên sự tri ân của nhân dân và chính quyền đối với Đức Vua Phùng Hưng.

25 tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu đã phản ánh toàn diện, khách quan và chân thực về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Đây là cơ sở khoa học cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

 

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, cuộc hội thảo “Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng Thân thế, con người và sự nghiệp” được tổ chức là sự tri ân, tôn vinh người có công với đất nước của thành phố. Hà Nội vinh dự là quê hương và nơi gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo và nhân dân thành phố luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhớ ơn công lao của các bậc tiền nhân đã xây dựng đất nước, Thủ đô Hà Nội ngàn năm hiến, trong đó, có Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. 

TS. Bùi Thị Thu Phương 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3220

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Người Pháp kể chuyện về Điện Biên Phủ

Người Pháp kể chuyện về Điện Biên Phủ

  • 06/05/2019 14:27
  • 2243

Các học giả và nghệ sĩ của Pháp và Việt Nam, trong đó phần lớn đều từng nghiên cứu và sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ, vừa tham gia thuyết trình tại hội thảo "Kể chuyện Điện Biên Phủ" tại Hà nội.