Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/04/2019 15:25 2603
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ những năm 2004 đến nay, một dự án nghiên cứu liên ngành về Trường Lũy Tĩnh man Quảng Ngãi đã được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Di tích gắn liền với sự phục hưng của nhà Nguyễn, với ông vua đầu triều Gia Long Nguyễn Ánh và một nhân vật rất nổi tiếng của triều Nguyễn đầu thế kỷ 19 là Tả quân Lê Văn Duyệt. Một Trường Lũy lừng lững trường tồn theo thời gian do ai xây dựng là câu hỏi thú vị được giải đáp tại tọa đàm “Ai xây Trường Lũy Quảng Ngãi” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) 24 Tràng Tiền, Hà Nội vào ngày 23/4/2019 nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Trường Lũy (1819-2019).

Diễn giả của buổi tọa đàm là GS.TS Andrew HARDY (Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội) và TS. Nguyễn Tiến Đông (Trưởng phòng KCH Đô thị, Viện Khảo cổ học), hai đồng chủ nhiệm của Dự án Nghiên cứu Trường Lũy Quảng Ngãi.

 

Diễn giả tại tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có đông đảo các học giả, các nhà khoa học và những người quan tâm. Sau khi nghe giới thiệu của hai diễn giả về di tích Tĩnh man Trường Lũy, về quá trình nghiên cứu, kết quả khai quật khảo cổ học, kết quả nghiên cứu nhân học, nghiên cứu liên ngành và những câu chuyện xuyên suốt trong hơn 10 năm thực hiện Dự án; các đại biểu tham dự đã có những câu hỏi và thảo luận rất sôi nổi về chức năng di tích, kết cấu công trình, kỹ thuật xây lũy, những vấn đề liên quan đến lịch sử, chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa người Kinh và người H’re ở Quảng Ngãi…

 

 

Khách tham dự tại tọa đàm

Sử sách Việt Nam thế kỷ 19 từng ghi nhận sự tồn tại của một Trường Lũy ở tỉnh Quảng Ngãi. Theo Đại Nam Thực lục, Trường lũy Tĩnh man được xây dựng năm 1819 dưới thời vua Gia Long, ngăn giữa vùng đất thấp với cao nguyên có vai trò là “Lũy dài bình định các bộ tộc” với chức năng phòng vệ rõ ràng. Còn bộ máy quân sự điều hành lũy được gọi là Sơn phòng. 
Đồng Khánh Địa Dư chí có chép: “Lũy dài Tĩnh Man: Cách phía tây thành tỉnh 23 dặm. Phía bắc giáp địa giới huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp địa giới huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, dài 177 dặm. Nguyên tả quân Lê Văn Duyệt vâng mệnh xây đắp”. 

Các nghiên cứu khảo cổ học và dân tộc học trên đất Quảng Ngãi, cho biết Trường Lũy còn được người dân địa phương với những cái tên khác nhau như: Bờ Hào, Bờ Lũy. Do bên cạnh lũy gần như lúc nào cũng hiện diện một con đường cổ nên người dân còn gọi lũy là Đường cái quan thượng mà những nghiên cứu của dự án Trường Lũy Quảng Ngãi đã phần nào xác định đây chính là hệ thống đường Thiên lý Bắc - Nam trong lịch sử. 

Trường Lũy có chiều dài toàn tuyến là 127,4km, nằm trên địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Trên toàn tuyến lũy, tư liệu lịch sử còn cho biết có 115 đồn hay bảo (một cách gọi đồn binh của địa phương), cách nhau chừng 0,5km đến 1km. Thực tế nghiên cứu đã phát hiện 71 di tích đồn/bảo, đa phần còn nguyên vẹn, trong đó có những đồn/bảo lớn như Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), đồn/bảo Kim Long (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành).

Tĩnh man Trường Lũy là di tích khảo cổ - lịch sử gắn liền với môi trường tự nhiên khu vực con người cư trú. Trường Lũy  là một công trình kiến trúc lớn và đa dạng: nhiều phần của nó được làm bằng đá, nhiều phần khác làm bằng đất, và những đoạn làm bằng cả đất và đá. Kỹ thuật xếp đá đặc biệt được sử dụng cũng khác nhau từ đoạn lũy này sang đoạn lũy khác. Sự đa dạng này một phần xuất phát từ việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ trong cấu trúc của lũy, phần vì sự đa dạng của những người xây lũy (người H’re bản địa, người Việt, và binh lính), phần nữa là từ thực tế rằng lũy được đắp thêm, được sửa sang suốt thời kỳ nó đóng vai trò là một công trình quân sự (thế kỷ 19). Điều này cho thấy giá trị về nghệ thuật quân sự của tiền nhân trong lịch sử.

Trường Lũy và các kiến trúc liên quan tạo thành một hệ thống quân sự rõ ràng có mục đích bảo vệ khu vực của người Việt, và chủ yếu do sĩ quan, binh lính người Việt quản lý. Đây là một kiến trúc phòng vệ quân sự được dựng lên để ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây lại đang chỉ ra rằng lũy không phải là một công trình chỉ do người Việt xây dựng. Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên. Hai bên đã cùng tham gia vào xây dựng lũy, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người H’re. Quá trình trao đổi chính trị và kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng Trường Lũy là một trong những điểm đặc biệt của di tích và cũng là điểm đặc biệt của lịch sử nhân loại, không phải ở đâu cũng có.

Trường Lũy là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín. Lũy cắt ngang qua nhiều sông suối: mỗi chỗ lại có một cổng, do một bảo canh gác, cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên. Việc đi lại chủ yếu là vì mục đích trao đổi kinh tế (người H’re mua muối, người Việt mua gạo, quế và lâm sản), nhất là tại mạng lưới chợ nằm bên phía người Việt. Việc các đồn/bảo này trong thời bình là các trạm kiểm soát việc buôn bán, thu thuế giữa 2 miền là một nét văn hóa đặc biệt của di tích.

Di tích Tĩnh man Trường lũy trong tương lai sẽ là một địa chỉ hấp dẫn nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước muốn nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử nói chung và lịch sử mở nước của người Việt nói riêng. Đồng thời cũng là một kho tư liệu quý giá về sự hình thành bản sắc Việt miền Trung mà không nơi nào có thể có được. Hơn nữa nó còn là một nơi đào tạo lý tưởng cho các thế hệ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 10/3/2011, để trên cơ sở đó các cơ quan chức năng quản lý di tích nghiên cứu và từng bước tôn tạo, phát huy tác dụng của di tích trong đời sống xã hội, đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Ngãi trên con đường Di sản miền Trung Việt Nam.

TS. Bùi Thị Thu Phương
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3219

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2019)

Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2019)

  • 22/04/2019 14:57
  • 2665

Sau chiến thắng oanh liệt đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, năm 939 đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc với việc Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc vĩ đại xưng Vương, lập nên nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm Kinh đô, phục hồi quốc thống, tạo nên bước ngoặt lớn chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho đất nước.