Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/02/2019 15:16 3588
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng ngày 13/2/2019 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại thềm Rồng điện Kính Thiên - khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ dâng hương khai xuân tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài có công với nước.

 

 
Đây là hoạt động văn hóa truyền thống trong khuôn khổ chương trình Tết Việt mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, gồm nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản và văn hóa truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. Lễ dâng hương khai Xuân là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân đón Xuân vui Tết, được tổ chức từ 23 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Trước đó một số nghi lễ truyền thống cũng được nghiên cứu, tái hiện như lễ cúng ông Công ông Táo, lễ dựng cây Nêu và lễ hạ cây Nêu, thu hút đông đảo khách tham quan trải nghiệm các phong tục, nghi lễ cổ truyền trong ngày Tết của dân tộc.

Lễ dâng hương khai xuân là một hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Lễ dâng hương khai xuân Kỷ Hợi 2019 được thực hiện trang trọng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các bậc vua sáng, tôi hiền đã có công dựng nền văn hiến Thăng Long, khai sáng văn minh Đại Việt. Chương trình gồm nhiều nghi thức truyền thống như lễ rước, dâng hương, tế lễ và các hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, trống hội…

Đoàn rước gồm hơn 400 hội viên thuộc các chi hội trực thuộc Hội di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tập kết từ 7h00 sáng tại sân Đoan Môn và tiến vào sân Rồng Điện Kính Thiên theo đúng nghi thức truyền thống.

 
 
Chương trình mở màn bằng màn múa Rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc (Tân Triều - Thanh Trì), tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên, với mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
 

Nghi thức truyền thống dâng hương, tế lễ lên điện Kính Thiên của các đội tế nam đền Lảnh Giang vọng từ (quận Hoàn Kiếm), đội dâng hương nữ Đình, đền Sở Thượng (quận Hoàng Mai) thực hiện trang trọng, đúng nghi thức. Tiếp đến là màn trống hội Thăng Long của các nghệ nhân làng Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy) thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến. Sau phần nghi lễ, du khách được thưởng thức chương trình diễn xướng dân gian và võ thuật cổ truyền đặc sắc do Trung tâm bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà hát Tuồng Trung ương, Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao biểu diễn.

 
 
Trong không khí linh thiêng trước ban thờ điện Kính Thiên, các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tiến hành các nghi lễ thành kính dâng hương và tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài và các thế hệ cha ông đã đổ bao nhiêu xương máu để gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt; báo cáo với các bậc tiền nhân những thành tựu nổi bật, toàn diện của đất nước trong năm qua, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng. Và thực hiện nghi lễ thả chim phóng sinh dịp đầu xuân, cầu mong quốc thái, dân an, đất nước vững bước trên con đường hội nhập và phát triển; dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.

Đón Xuân năm nay, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long còn sắp đặt nhiều không gian hoa, tiểu cảnh, vườn chong chóng, vườn hướng dương rực rỡ sắc vàng tại quảng trường sân Đoan Môn phục vụ du khách tham quan, cùng các hoạt động trưng bày triển lãm, biểu diễn múa rối nước, âm nhạc dân gian… cũng được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long tạo không khí vui tươi, thu hút đông đảo khách tham quan du xuân, thưởng lãm.

TS. Bùi Thị Thu Phương

 

 

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3238

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 2: Phù điêu độc bản thần Brahma

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 2: Phù điêu độc bản thần Brahma

  • 13/02/2019 09:13
  • 2758

Bức phù điêu thần Brahma (tên gọi khác là Narayanan), được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016, có thể được xem là độc bản trong phong cách điêu khắc Champa cuối thế kỷ 12.