Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/08/2008 12:02 3419
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên- nơi được nhiều du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước coi như một bảo tàng cổ vật vô giá- luôn mở rộng cửa cho du khách đến xem. Hiện vật cổ bày la liệt mà không có vẻ được bảo vệ, nhưng cũng chưa bao giờ xảy ra chuyện mất mát.

Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên- nơi được nhiều du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước coi như một bảo tàng cổ vật vô giá- luôn mở rộng cửa cho du khách đến xem. Hiện vật cổ bày la liệt mà không có vẻ được bảo vệ, nhưng cũng chưa bao giờ xảy ra chuyện mất mát.



Tiền cổ được trục vớt từ đáy biển Cù Lao Chàm.

Theo gia phả hiện đang lưu giữ tại nhà Diệp Đồng Nguyên, ông Diệp Ngộ Xuân là người họ Diệp đầu tiên từ Gia Ứng- Quảng Đông (Trung Hoa) sang Hội An vào thời Thanh Hàm Phong (1856). Với nghề thuốc bắc cha truyền con nối, ông tổ đã lập nên cơ ngơi đầu tiên cho dòng họ ở đường Trần Phú (Hội An- Quảng Nam) với tiệm thuốc bắc mang tên Diệp Đồng Xuân. Về sau, con cái của ông đã gìn giữ cơ nghiệp và phát triển thêm một tiệm nữa tại số nhà 80 Nguyễn Thái Học. Từ tiệm thuốc bắc chuyên buôn bán các loại cao đơn hoàn tán mang tên Nhị Thiên Đường, tiệm dần mở rộng thành đại lý cho hãng dầu lửa Shell, buôn bán lụa là gấm vóc, sách vở cho học sinh, sách quốc ngữ cho bà con Hội An... Đến nay họ Diệp sống ở đây 5 thế hệ. Ngoài buôn bán, người họ Diệp còn có thú sưu tầm đồ cổ và lưu lại cho con cháu đời sau.

Một bảo tàng đặc biệt


Ông Sùng bên bộ sưu tập tiền cổ đã được phân loại.

Ông Diệp Gia Tùng (tên thường gọi là Sùng), chắt ngoại đời thứ 5 của cụ Diệp Ngộ Xuân, đón khách với vẻ đủng đỉnh không ra vồn vã cũng không thờ ơ. Đi lại, xem xét một hồi mới biết, thái độ của chủ nhân thật là thoải mái, sẵn sàng cho du khách xem cặn kẽ, sờ mó vào hiện vật, ngắm nghía những đồ cổ vô giá ở mọi góc cạnh mà không hề e ngại. Điều thật lạ, dường như ông còn nhớ được khách.

Ngôi nhà này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Tầng trệt có những tủ kính áp dọc theo tưởng nhà, trong đó chủ yếu bày những chén bát, đồ sứ. Đồ gốm sứ rất đa dạng về chủng loại và niên đại, do những người đời trước của họ Diệp sưu tầm từ Việt Nam và Trung Quốc.

Mấy bức ảnh người Hội An xưa trong các trang phục cổ, bày trang trọng ở chính diện. Nơi đây lưu giữ cả kho ảnh tư liệu về Hội An được chụp chủ yếu từ những năm 1920 đến 1950-1960.

Phía trong là nơi trưng bày bộ sưu tập tiền cổ. Có tương đối đầy đủ các loại tiền Việt Nam- Trung Quốc qua nhiều triều đại phong kiến, và một số tiền Nhật Bản. Đông tiền Việt Nam cổ nhất là Thái Bình Hưng Bảo (thời nhà Đinh). Đặc biệt, trong bộ sưu tập có đồng Hàm Nghi Thông Bảo mà giới sưu tập cổ vật cho là quý hiếm. Bộ sưu tập này đã được sắp xếp và phân loại thành 2 bảng “Lịch đại cổ tiền” Việt Nam và Trung Quốc theo biên niên lịch sử để người xem dễ hiểu, dễ thấy.

Bước qua cầu thang gỗ nhỏ lên tầng 2. Có lẽ những gì quý giá hơn cả được cất giữ ở đây. Những chiếc ché mang đi sứ của thời Khang Hy, bình tì bà và bát gốm Chu Đậu thế kỷ XII được vớt tại Cù lao Chàm, bình hoa da cóc thời nhà Thanh thế kỷ XVIII, đồ men cổ Trung Hoa đời Minh... Cổ nhất có lẽ là chiếc bình bằng đất nung gốm Sa Huỳnh niên đại thế kỷ I trước công nguyên.

Ở tầng 2 của ngôi nhà có cả bộ tủ áo cổ, bàn làm việc của Bảo Đại khi nhà vua về phủ Điện Bàn (15/12/1933), chiếc bàn phấn trang điểm của Nam Phương Hoàng Hậu, ảnh vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu chụp với các quan khách địa phương, trong đó có thân sinh của chủ nhân ngôi nhà hiện nay.


Đồng tiền thưởng dưới Triều Nguyễn.

Bộ sưu tập ấn chương nằm khiêm tốn trong chiếc tủ kính ở gian trong gác 2, được thu thập hơn 100 năm qua với các loại ấn của quan lại địa phương như tri huyện, chánh tổng, lý trưởng, ấn bạc của quan tri phủ…; cùng nhiều ấn triện của các nhà buôn tại Hội An, những hiện vật chứng minh sự phồn vinh về thương mại của thương cảng Hội An xưa.

Vòng đeo tay bằng đá mã não, trâm cài góc, gương soi… của những mỹ nữ thời xưa được trưng bày trong một tủ kính nhỏ giữa gian phòng. Trên tường treo nhiều tranh thư pháp, tranh thủy mặc của nghệ thuật hội họa Trung Hoa. Ông Sùng cho biết, những bức tranh quý như “Phước tinh cao chiếu”, “Bách điểu triều phượng”… được vẽ từ thời Minh Thanh; “Thập nhị kim thoa”, “Tam đa”, “Bồ đào”… vẽ trong thời Dân quốc. Các đời họ Diệp sưu tầm, lưu giữ được nhiều bức thư pháp quý giá với chữ viết của các nhà thư pháp trứ danh như Đông Kỳ Xương thời Minh, Vương Vân Ngũ- nhà biên soạn từ điển của Trung Quốc và nhiều bức chữ với bút tích của các nhân vật nổi tiếng như Tôn Khoa (con trai của Tôn Trung Sơn), Lâm Trạch thần, Uông Tinh Vệ…

Tủ sách cổ sưu tập sách vở xưa, tư liệu Hán Nôm mà chủ yếu là các loại sắc phong, sổ sách buôn bán, địa bạ, khế ước nhà cửa của các gia đình người Hoa qua các đời Minh Mạng, Thiệu Trị,Tự Đúc, Thành Thái, Duy Tân. Bên cạnh đó còn nhiều tài liệu viết về Hội An thời cận, hiện đại của các tác giả: Diệp Ngộ Xuân với những ghi chép, thơ vịnh về Hội An; nhà Việt Nam học Trần Kinh Hòa với “Phố người Đường và nền thương nghiệp của nó tại Hội An trong các thế kỷ XVII, XVIII”, “Mấy điều nhận xét về Hương minh xã và các cổ tích tại Hội An”, Diệp Truyền Hoa với “Hội An xưa và nay”… là những tư liệu quý để nghiên cứu về Hội An, Quảng Nam.

Câu chuyện của chủ nhân


Ông Sùng cho khách xem các sắc phong thời phong kiến.

Ông Sùng cho hay nhiều món cổ vật thuộc bộ sưu tập gia tộc hiện lưu giữ đã được giới thiệu đầy đủ, chi tiết trên các catalogue của nhiều nước hoặc có món hầu như chỉ còn độc nhất trong giới sưu tầm cổ vật trên thế giới.

Ông Sùng và người anh trai của mình- ông Vĩnh Tân đã dành cả đời để giữ gìn, tìm hiểu những món đồ cổ. Đến nay đối với họ, để phát hiện niên đại của những món đồ cổ chẳng có gì khó khăn. Trận lụt lớn nhất ở Hội An năm 1964 đã làm rất nhiều nhà ở đô thị cổ bị hư hại, nhưng nhà Diệp Đồng Nguyên chỉ bị ảnh hưởng chút ít vì cách bảo quản đồ đạc rất kỹ càng. Trước kia, những cổ vật này được cất trong kho. Khi Hôi An có nhiều khách du lịch, các ông mới đem ra sắp xếp, bày vào tủ kính để ai thích thì ghé xem.

Ông Sùng có thể say sưa kể tỷ mỷ cho khách nghe về lai lịch của mỗi món cổ vật. Từ những chiếc bát sứ, bình vôi trục vớt được dưới đáy Cù Lao Tràm, tới từng ấn triện, sắc phong, những cuốn thư tịch cổ… Mỗi cổ vật đều có một lịch sử, một câu chuyện đầy ấn tượng.

Đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước đến đây tiến hành khảo cứu và đã thừa nhận giá trị của hiện vật trong kho tàng này. Ông Dùng cho biết, nhà Diệp Đồng Nguyên chơi đồ cổ, chỉ mua vào chứ không bán ra. Nhiều khách du lịch tới đây đã ngỏ ý muốn mua đồ cổ với giá cao, nhưng ông không bán. Ông bảo ông theo nghiệp này vì say mê nhưng cũng là nghĩa vụ gia truyền. Ước tính, gần một nửa cổ vật là do ông Sùng bổ sung vào. Ông thường để dành tiền các cháu ở nước ngoài gửi về cho để mua đồ cổ.

Căn nhà 80 Nguyễn Thái Học trông thật đơn sơ, có cảm giác ai cũng có thể đột nhập vào, nhưng nhiều năm nay chưa hề xảy ra chuyện mất mát. Mỗi năm một vài lần, ông Sùng cho người lau cửa kính và các đồ trưng bày. Hàng ngày, nhà cổ Diệp Đồng Nguyên lại mở rộng cửa đón những du khách ghé chân vào: không phải mua vé, không có người canh giữ, bạn có thể xem xét và chạm vào hiện vật… Cũng là một nét đẹp làm nên sự hấp dẫn của Hội An.

Theo VOV

(Nguồn: cinet.gov.vn)

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3398

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Khai quật khảo cổ năm 2007: Nóng nhất là Thôn Tám, Xã Tắc, Cổ Loa

Khai quật khảo cổ năm 2007: Nóng nhất là Thôn Tám, Xã Tắc, Cổ Loa

  • 29/08/2008 11:58
  • 2041

Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007 diễn ra ngày 27-28/9 tại Viện KHXH Việt Nam. Ban tổ chức (Viện Khảo cổ học) nhận được 418 bài thông báo khảo cổ học, gồm 4 lĩnh vực lớn: thời đại Đá, Kim khí, Lịch sử và Champa- Óc Eo.