Bình Định được kế thừa một nền văn hóa Chăm đặc sắc với những đền tháp Chăm nổi tiếng. Bên trong và trên thân tháp, là những tác phẩm điêu khắc độc đáo. Đối với nhân dân Bình Định, các di sản này từ lâu đã trở thành bộ phận khăng khít, góp phần làm nên giá trị văn hóa độc đáo của quê hương, xứ sở.
Bình Định được kế thừa một nền văn hóa Chăm đặc sắc với những đền tháp Chăm nổi tiếng. Bên trong và trên thân tháp, là những tác phẩm điêu khắc độc đáo. Đối với nhân dân Bình Định, các di sản này từ lâu đã trở thành bộ phận khăng khít, góp phần làm nên giá trị văn hóa độc đáo của quê hương, xứ sở.
 |
Tháp Đôi |
Những năm qua, việc trùng tu, bảo vệ và nghiên cứu các kiến trúc và các điêu khắc Chămpa tiêu biểu là một trong những mối quan tâm của ngành văn hóa Bình Định. Ngay từ khi đất nước mới hoàn toàn giải phóng, Bộ Văn hóa đã cử một số chuyên gia Ba Lan vào Bình Định khảo sát và thiết kế chống xuống cấp các tháp Dương Long (Tây Sơn) và tháp Đôi (Quy Nhơn). Từ khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, các chuyên gia Ba Lan về nước, toàn bộ việc khảo sát, thiết kế và chỉ đạo chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo đều do các kiến trúc sư Việt Nam thực hiện. Trong đó, được Bộ Văn hóa - Thông tin đầu tư, đến nay, Bình Định đã cơ bản hoàn thành trùng tu tôn tạo hai nhóm tháp: tháp Đôi và tháp Bánh Ít. Tới đây, nếu không có gì thay đổi, đến hết năm 2008, Bình Định sẽ hoàn thành trùng tu tôn tạo nhóm tháp Dương Long.
Tuy nhiên, việc trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp các tháp Chăm mới chỉ đơn thuần dừng lại ở mức giữ gìn phần “xác”; còn phần “hồn”, tức là những yếu tố phi vật thể của tháp, cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, đa phần du khách đến các tháp Chăm Bình Định tham quan, họ chỉ đến một lần mà ít khi quay lại. Trong khi đó, hàng năm, số người đến tháp Ponaga Nha Trang tham quan, tham gia lễ hội, tín ngưỡng có thể lên đến hàng vạn. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu để khôi phục các yếu tố văn hóa phi vật thể tại các tháp Chăm ở Bình Định là cần thiết.
Người Chăm ở Ninh Thuận hiện nay gọi tháp là kà-lăn hoặc môn-kà-lăn. Kà-lăn có nghĩa là lăng mộ, còn môn-kà-lăn vừa là tháp vừa là lăng mộ. Các tháp Chăm còn lại ở Ninh Thuận mà người Chăm đang thờ cúng đều được gọi là môn-kà-lăn. So sánh các kà-lăn và môn-kà-lăn ở Ninh Thuận với các tháp Chăm ở Bình Định không khác. Như vậy, tháp Chăm ở Bình Định là những lăng mộ hoặc vừa là tháp, vừa là lăng mộ. Cho nên, việc thờ cúng cũng như các lễ hội diễn ra tại các tháp Chăm ở Bình Định có lẽ cũng không khác là mấy so với các tháp Chăm ở Ninh Thuận.
May mắn là, trước đây, các nhà khảo cổ học người Pháp đã từng nghiên cứu rất công phu về những linh vật được thờ cúng tại các tháp Chăm. Và hiện nay, thông qua những nghiên cứu của họ, Bình Định đã có một bản vẽ khá chi tiết về một linga được thờ cúng bên trong tháp Bắc của tháp Đôi (TP. Quy Nhơn). Về cơ bản, linga này được chế tác theo tín ngưỡng thờ thần Siva của người Chăm. Theo TS. Hà Văn Phùng, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, bản vẽ này đã được các nhà nghiên cứu người Pháp so sánh, đối chiếu giữa vật thờ và niên đại xây dựng tháp. Căn cứ vào ý kiến đó của các nhà khảo cổ học, phác thảo vật thờ linga - yoni này đang được Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định trình Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin), xin phép phục chế vật thờ, đưa vào tháp trước khi tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008.
 |
Tượng linga-yoni tại tháp Bánh Ít. |
Sau khi xác định vật thờ tại các tháp, vấn đề tiếp theo là sưu tầm những mẩu chuyện dân gian về nhân thần và vật thần được thờ tự tại các tháp, nhằm làm phong phú và sinh động hơn các yếu tố văn hóa phi vật thể tại các tháp. Có như vậy thì việc trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm mới toàn diện hơn; qua đó, tháp Chăm Bình Định cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách.
Nguyễn Chí Cường