Ngoài việc bảo vệ di tích tháp Chăm Poklong Garai thì vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn nét đẹp văn hoá cho du khách nước ngoài đến tham quan quần thể di tích tháp Chăm tại Ninh Thuận là việc làm hết sức cần thiết.
Bảo tàng cổ vật Hoàng Long là một điểm đến của du khách thập phương khi du lịch xứ Thanh, tạo ra sinh hoạt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm văn hóa chuyên ngành, giữa các bảo tàng tư nhân trong nước và vươn tới các nước trong khu vực.
 |
Thăm Bảo tàng cổ vật Hoàng Long |
Thanh Hoá đất rộng, người đông, có phong trào cách mạng từ lâu đời và có truyền thống văn hóa phong phú, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Những di sản văn hóa nổi tiếng như văn hóa núi Ðọ, văn hóa Ðông Sơn, cho đến những trang sử oai hùng: Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, khởi nghĩa Lam Sơn của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng di sản văn hóa qua các thời kỳ Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, v.v. cho đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với dấu ấn chiến công Hàm Rồng, niềm tự hào của người xứ Thanh. Ðó là kho tàng văn hóa vô giá mà đời sau còn phải có trách nhiệm bảo lưu, giữ gìn, tôn vinh và phát huy.
Từ khi Luật Di sản ra đời, sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng và nhất là bảo tàng tư nhân có điều kiện phát triển và hoạt động có hiệu quả. Một vấn đề đang được xã hội quan tâm đó là xã hội hóa công tác bảo tồn và bảo tàng.
Nhiều năm nay, Nhà nước cũng đã đầu tư về kinh phí, cán bộ, cơ chế chính sách cho hoạt động bảo tàng, song cũng mới giải quyết được một số việc cơ bản mà chủ yếu trong lĩnh vực Nhà nước như sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, v.v.
Thực tế chưa thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng trong lĩnh vực bảo tàng, vì thế bảo tàng tư nhân ra đời là một sự cần thiết mang tính khách quan.
Từ những chủ trương của Nhà nước, từ những vấn đề mở cửa của Luật Di sản, Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long đã được thành lập tại Thanh Hóa. Theo ông Hoàng Văn Thông, chủ bảo tàng thì Bảo tàng Hoàng Long nhằm góp phần thỏa mãn nhu cầu nào đó về hưởng thụ văn hóa của nhân dân thông qua trưng bày các hiện vật có ý nghĩa xã hội mà chủ yếu là các cổ vật, do lao động sáng tạo của nhân dân ta qua các thời kỳ. Cùng với Nhà nước góp phần bảo lưu gìn giữ các di sản văn hóa (chủ yếu là vật thể) lâu nay còn trôi nổi trong nhân dân và có nguy cơ "chảy máu cổ vật" ra ngoài.
Bên cạnh đó, thông qua bảo tàng cổ vật, giúp các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, du khách tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về sự sáng tạo tài tình của nhân dân ta trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước.
Ðặc biệt trong thời kỳ hội nhập, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long là một điểm đến của du khách thập phương, một điểm nhấn của hoạt động du lịch xứ Thanh, tạo ra sinh hoạt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm văn hóa chuyên ngành, giữa các bảo tàng tư nhân trong nước và vươn tới các nước trong khu vực.
Năm qua Bảo tàng Hoàng Long tại TP Thanh Hóa đã đón hàng trăm lượt khách, trong đó có nhiều đoàn lãnh đạo Ðảng và Nhà nước đến tham quan. Hoạt động được hơn một năm, bảo tàng hiện còn nhiều khó khăn. Ðó là việc sưu tầm, quy tập những cổ vật này không phải một sớm một chiều mà có ngay được, nhất là trong cơ chế thị trường.
Cổ vật có giá trị văn hóa càng cao thì giá trị hàng hóa càng lớn, ấy là chưa kể nhiều chủ của hiện vật đòi với giá rất cao, trong khi đó kinh phí của bảo tàng chỉ có hạn. Có nhiều đoàn khách đến mua hiện vật nhưng lãnh đạo bảo tàng không bán mặc dù tài chính đầu tư bổ sung cho bảo tàng đang rất cần.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí, bảo tàng còn thiếu kinh nghiệm và cán bộ chuyên môn sâu để giúp cho việc đánh giá hiện vật, phân loại, cách thức trưng bày, bảo quản. Nếu có nhiều hiện vật quý giá mà trưng bày không khoa học, không hệ thống, không hấp dẫn, thiếu logic thì sẽ phản tác dụng. Việc xã hội hóa bảo tàng nghe ra thì dễ nhưng vào cuộc quả thật là khó và cũng phải tính toán một cách tương đối chính xác về mặt hiệu quả kinh tế và xã hội.
Một năm qua, vừa tổ chức, xây dựng, trưng bày, vừa sưu tầm, phục chế, phục dựng và mua hiện vật bổ sung, hướng dẫn cho khách tham quan, công việc khá vất vả, không có sự tâm huyết, lòng nhiệt tình khó mà thành công được.
Về hướng phát triển của Bảo tàng Hoàng Long, anh Thông cho biết, để đáp ứng trình độ với thẩm mỹ cao của nhân dân cho lĩnh vực này, còn nhiều việc phải làm. Hiện vật trưng bày thì có nhiều (gần tám nghìn các loại hiện vật) như: đồ gốm, sành sứ, đá, đồ gỗ, có cái có niên đại hàng thế kỷ, thiên niên kỷ... rất quý giá, vì vậy cần có một không gian phù hợp với công tác bảo tàng như phòng trưng bày theo chuyên đề, thư viện, lưu trữ tài liệu, đường trượt cho thương binh, người khuyết tật khi đến tham quan có thể đi lại dễ dàng. Ðể thực hiện được công năng đó, lãnh đạo bảo tàng đang cho xây dựng một nhà trưng bày có diện tích rộng, hợp với cách thức trưng bày cổ vật, có tiện nghi hợp lý nhằm tôn các hiện vật để người xem dễ biết, dễ hiểu và có tích-kê tên gọi cho từng hiện vật được trưng bày kể cả việc bố trí ánh sáng bảo đảm tiêu chuẩn. Mặt khác cũng đang đào tạo nhân viên chuyên sâu về kiến thức khoa học, ngoại ngữ với phong cách ứng xử lịch thiệp. Thực hiện được ý tưởng trên, bảo tàng Hoàng Long phải phối hợp chặt chẽ với ngành bảo tàng địa phương và trung ương để đẩy mạnh chất lượng quảng bá tuyên truyền và nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở nhà bảo tàng cổ vật gắn kết với không gian sinh thái, dịch vụ rừng trong phố, để người xem có nơi thư giãn, giải trí.
Có thể nói, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long là một trong những mô hình xã hội hóa hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp văn hóa, du lịch trong thời kỳ hội nhập, một điểm đến hấp dẫn, bổ ích của xứ Thanh.
Theo ND