Hiện nay có rất nhiều di tích trong phố cổ Hà Nội bị tổn thương, bị biến dạng, bị lấn chiếm, thậm chí không còn dấu vết của di tích... Mà di tích chính là hạt nhân lâu đời nhất, sáng giá nhất của khu phố cổ - một bộ phận cấu thành giá trị đặc thù của khu phố cổ. Vì vậy, việc bảo tồn phố cổ phải bắt đầu từ việc khôi phục lại những di tích và không gian văn hoá của phố cổ
Hiện nay có rất nhiều di tích trong phố cổ Hà Nội bị tổn thương, bị biến dạng, bị lấn chiếm, thậm chí không còn dấu vết của di tích...
Mà di tích chính là hạt nhân lâu đời nhất, sáng giá nhất của khu phố cổ - một bộ phận cấu thành giá trị đặc thù của khu phố cổ. Vì vậy, việc bảo tồn phố cổ phải bắt đầu từ việc khôi phục lại những di tích và không gian văn hoá của phố cổ.
TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội:
Khu phố cổ có nhiều di tích cổ, trong đó đặc biệt những di tích là bằng sắc, bằng chứng để khơi gợi sự nghiên cứu về khu Hoàng thành Thăng Long. Đây là một tư liệu có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài ra, trong phố cổ còn nhiều di tích là tổ nghề bởi các nghề truyền thống Việt Nam hội tụ khá tập trung ở khu phồn hoa thứ nhất Long thành. Nó chứng minh sự phồn thịnh và có bề dày lịch sử của một thời kỳ.
Các di tích có tuổi đời trước cả những ngôi nhà cổ của khu phố cổ. Trên nền di tích mới mọc lên các kiến trúc cổ. Chính vì vậy di tích là hạt nhân lâu đời nhất, sáng giá nhất, đắt giá nhất của khu phố cổ. Di tích không chỉ phản ảnh bằng chứng lịch sử phố cổ, mà còn phản ảnh những bước thăng trầm của Thăng Long Hà Nội.
Do đó việc đầu tiên bảo tồn khu phố cổ thì phải bảo tồn di tích trong phố cổ và phải đặt ra như một sự ưu tiên trong mọi ưu tiên khi đặt vấn đề bảo tồn phố cổ cũng như quản lý, phát huy tác dụng của khu phố cổ.
Thực trạng di tích trong phố cổ đã xuống cấp nghiêm trọng. Các di tích này hiện đang tồn tại ở những cấp độ khác nhau. Bảo tồn như thế nào, bằng cách nào nhất là các di tích lại ở ngay chính trong khu vực sản xuất và buôn bán công thương dịch vụ, nơi có những người dân sinh sống?
Muốn bảo tồn di tích, phải đưa các di tích này vào trong hệ thống quản lý bằng pháp luật của Nhà nước – có nghĩa là nếu di tích muốn được bảo tồn dài lâu thì phải được công nhận bằng văn bản pháp quy của Nhà nước.
Chính vì thế, công tác trước tiên và ngay bây giờ là phải tập trung tiến hành kiểm kê, đánh giá phân loại và lập hồ sơ cho từng di tích. Phổ biến sâu rộng các quy định đến những người dân phố cổ để họ biết họ đang ở đâu, họ có phải di chuyển đi hay không và họ không được phép sửa chữa hay không.
Thậm chí những thông tin đó không chỉ cung cấp tới những người dân phố cổ mà còn cả ra ngoài phố cổ để họ nắm được quy hoạch cụ thể để không thực hiện việc mua bán nhà đất trong phố cổ. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc xây dựng phát sinh ở các khu phố cổ là biện pháp cần làm ngay.
Việc phát huy giá trị của các di tích trong phố cổ Hà Nội như thế nào cũng cần được xem là phương án trọng yếu trong chương trình bảo tồn khu phố cổ. Bởi bảo tồn không phải để bảo tồn mà bảo tồn là để phát huy tác dụng cho cuộc sống hôm nay và mai này.
Khu phố cổ nói chung, các di tích trong khu phố cổ nói riêng không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ tín ngưỡng để nghiên cứu mà còn là nơi đến tham quan thưởng thức những giá trị về văn hoá cả vật thể và phi vật thể tiêu biểu nhất của Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội được khoanh lại trong một diện tích khoảng 105ha với 10 phường và 75 tuyến phố. Trong đó có 112 di tích (89 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 22 di tích cách mạng kháng chiến và 1 di tích thành luỹ). 30 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Trong số 89 di tích tín ngưỡng có 2 di tích là hội quán, 14 di tích thờ các vị tổ nghề thủ công nghiệp truyền thống Thăng Long Hà Nội. | |
Giáo sư Phạm Huy Dũng - Đại học Thăng Long:
Theo tôi việc đầu tiên cần đặt ra khi bảo tồn phố cổ là phải khôi phục lại trật tự mà trước đây do nhiều lý do nó bị phá huỷ. Những chùa, đền, miếu, bia tượng của phố cổ đều phải duy trì lại. Đồng thời khôi phục lại không gian văn hóa phố cổ như văn hoá ẩm thực, những phong tục tập quán, những hoạt động lễ hội.....
Đấy là những chuyện không mất gì mấy mà ta vẫn làm được. Những đền chùa miếu mạo, những nơi công cộng bị lấn chiếm phải được xử lý. Nhà nước cần phải phân định rạch ròi ở đâu thì người dân được quyền ở, ở đâu thì không được quyền ở. Nếu lấn chiếm thì buộc phải di dời, của công cộng phải trả lại cho công cộng. Cũng như việc giải phóng mặt bằng để làm đường vậy, vì lợi ích chung buộc người dân phải di dời.
Vì giữ lấy nét văn hoá của phố cổ thì bắt buộc phải trả lại cảnh quan cho di tích. Nếu Nhà nước lựa chọn đấy là những bước đầu tiên phải làm cho phố cổ và làm được điều đó thì sẽ giữ lại được bằng chứng của phố cổ và như vậy cũng đã duy trì nhiều lắm rồi.
Bên cạnh đó người dân sống trong phố cổ phải chấp nhận không được làm gì quá, không được làm tổn thương tới di tích. Còn nếu như những quy định mà không có ai thực hiện, không có ai tôn trọng, vẫn có chuyện bán nhà trong phố cổ để xây khách sạn, vẫn có chuyện biến di tích thành nhà riêng của mình thì không bao giờ bảo tồn được phố cổ.
Mong rằng ai đó có ý thức với phố cổ, ai đó có tâm với phố cổ và những người có tâm với phố cổ phải nằm trong chính quyền, trong tổ chức quản lý Nhà nước thì mới mong bảo vệ được phố cổ. Phải coi phố cổ là một tài sản và có một tổ chức để duy trì tài sản đó.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Việt Nam:
Di tích lịch sử - văn hóa là một bộ phận cấu thành giá trị đặc thù của khu phố cổ Hà Nội nên cần phải được bảo tồn, tôn tạo thành không gian văn hóa trong không gian đô thị khu phố cổ.
Phố cổ dù có một số ngôi nhà hiện đại, cao ngất ngưởng bằng kính màu lấp lánh, xa lạ với khu phố cổ; dù mặt tiền của khá nhiều ngôi nhà với chiếc lồng “pha-ra-đây” phía trước; dù các biển quảng cáo lộn xộn làm mờ đi diện mạo của khu phố cổ Hà Nội...
Nhưng tôi vẫn thấy đẹp, thấy yêu không gian khu phố cổ. ở đó không chỉ còn lại những ngôi nhà hình ống đặc trưng, những ngôi đình, ngôi chùa, đền miếu gắn với phố cổ và đời sống tâm linh người Hà Nội; một không gian đô thị cổ với đường phố chật hẹp, không tạo thành những đường ngang lối dọc thẳng tắp; một không gian văn hoá với những sinh hoạt đời sống đặc trưng khắc hoạ bản sắc, cốt cách riêng của người Tràng An; sự hồn nhiên cởi mở, sự ứng xử tinh tế đối với khách hàng; sự phong phú đa dạng, muôn màu muôn vẻ của mặt hàng thủ công truyền thống; sự sôi động chật chội đôi khi chen chúc nhưng chủ khách đều thấy thoải mái trong dòng người đi trên “36 phố phường”.
Nhìn khu phố cổ Hà Nội phải nhìn từ không gian đa chiều, nhìn tất cả những yếu tố tổng hoà tạo nên nét đặc trưng đáng yêu của nó. Lịch sử nói chung và lịch sử của khu phố cổ Hà Nội nói riêng, không đứng yên nên cần chú ý tính liên tục về mặt phát triển văn hoá, tính kế thừa và tiếp biến văn hoá của khu phố cổ.
Từ đó, chúng ta biết làm gì và làm như thế nào để giữ gìn và phát huy thương hiệu “khu phố cổ Hà Nội”.
Theo ANTĐ