"Văn hoá Hạ Long - truyền thống và hiện đại" là chủ đề cuộc trưng bày với quy mô lớn do Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Cách mạng VN thực hiện lần đầu giới thiệu với công chúng tại Hà Nội từ ngày 24.4 và kéo dài một tháng.
"Văn hoá Hạ Long - truyền thống và hiện đại" là chủ đề cuộc trưng bày với quy mô lớn do Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Cách mạng VN thực hiện lần đầu giới thiệu với công chúng tại Hà Nội từ ngày 24.4 và kéo dài một tháng.
Ông Trần Trọng Hà - GĐ Bảo tàng QN nói: "Cái đích mà chúng tôi hướng tới là mọi người sẽ nhìn nền văn hoá cổ Hạ Long bằng con mắt động".Ông Trần Trọng Hà - GĐ Bảo tàng QN nói: "Cái đích mà chúng tôi hướng tới là mọi người sẽ nhìn nền văn hoá cổ Hạ Long bằng con mắt động".
Nền văn hoá nội sinh
Ngoài hai giá trị lớn nhất là vẻ đẹp thiên nhiên và địa chất địa mạo, di sản vịnh Hạ Long còn có một nền văn hoá cổ hình thành ngay từ thời sơ kỳ đá mới, cách đây không dưới 5.000 năm và phát triển liên tục không hề đứt gãy. Trong hàng loạt các di chỉ khảo cổ mới được phát hiện và khai quật trong vòng 20 năm qua, gồm cả di cốt của người Việt cổ, càng làm sáng tỏ một điều: Văn hoá cổ Hạ Long là một nền văn hoá nội sinh, điều mà một số nhà khảo cổ tên tuổi nước ngoài từng nghiên cứu sớm nhất về nền văn hoá này từ nửa đầu thế kỷ 20 như M. Colani (Pháp), J.G. Andersson (Thuỵ Điển), Lã Chấn Vũ (Trung Quốc)... vẫn hoài nghi.
Trong 34 di chỉ khảo cổ khai quật tại Quảng Ninh sau này, bắt đầu từ Móng Cái, riêng vùng hang động Hạ Long đã chiếm 25 điểm, không kể các di chỉ thuộc đất liền. Các tầng văn hoá tìm thấy đều dày đặc dấu tích của người Việt cổ. Nếu tại các điểm khai quật nổi tiếng như Ba Vũng, Bái Tử Long, Bồ Chuyến trước đây, người ta chưa tìm được di cốt đầy đủ của người xưa và vẫn nghi ngờ về tính phát triển liên tục giữa các thời đại từ hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí thì năm 2001, tại khu vực Hòn Hai - Cô Tiên (TP.Hạ Long), các nhà khảo cổ đã tìm ra 43 ngôi mộ người Việt cổ táng theo hình thức bó gối với nhiều vật tuỳ táng gồm đồ trang sức, đồ gốm xốp với hoa văn vỏ sò, hình sóng nước cùng các phương tiện sản xuất như bàn đập, lưỡi câu, chì lưới, rìu đồng, khuôn đúc.
Sự kiện này đã phá tan mọi nghi ngờ về sự đứt gãy, "không có chủ nhân" của nền văn hoá cổ Hạ Long. Di tích còn cho thấy, cách đây 3.500 năm, nền văn hoá Hạ Long đã từng có một giai đoạn huy hoàng. Con người đã biết dùng công cụ sản xuất vươn ra khai thác biển và trao đổi sản phẩm giữa các vùng trong khu vực. Không nghi ngờ gì, nền văn hoá cổ này còn lan toả dọc chiều dài bờ biển và vào sâu hơn trong các vùng đồng bằng, miền núi phía bắc. Đó hoàn toàn là một nền văn hoá bản địa, nội sinh và được xem như gương mặt tiêu biểu của nền văn hoá biển VN thời tiền sử.
Dẫu như lát cắt nhỏ
Cuộc trưng bày tại Hà Nội lần này là 300 hiện vật chọn lọc độc đáo nhất, gồm các công cụ sản xuất, đồ gia dụng, đồ trang sức như: Rìu 4 mặt, bôn có vai có nấc, bàn mài, bàn đập vỏ cây, mũi khoan bằng đá ngọc được chế tác bằng phương pháp tu chỉnh; chì lưới, lưỡi câu; gốm xốp hoa văn hình chữ S, hình sóng nước; đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể biển, xương thú, đá và đá ngọc...
Bên cạnh các mảng hiện vật trên, là phần trưng bày 100 bức ảnh giới thiệu toàn cảnh về Hạ Long đương đại: Một thành phố du lịch có vùng vịnh 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới và các công trình cảng biển quốc tế, công nghiệp đóng tàu, khu công nghiệp; các công trình kiến trúc hiện đại; các khu du lịch ven biển, làng nghề truyền thống... với những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật trong công cuộc đổi mới đầu thế kỷ 21.
Hiện mỗi năm, lượng khách du lịch tới thành phố này khoảng 2 triệu lượt người (1/3 đến bằng đường biển). Các nhà máy đóng tàu ở đây đã có thể lắp ráp tàu trọng tải trên 50.000DW. Ngay trong vùng vịnh, một vành đai trai ngọc đã hình thành. Dự kiến năm 2015, lượng hàng hoá thông qua cảng biển Hạ Long sẽ vào khoảng 20 triệu tấn/năm. Không nghi ngờ gì, đây là một thành phố mà biển chính là nền tảng của toàn bộ nền kinh tế.
Trong tốc độ phát triển mạnh mẽ của Hạ Long hôm nay, không thể không nhìn lại một quá trình tích tụ hàng thiên niên kỷ của một nền văn hoá chinh phục biển. Cuộc trưng bày giới thiệu về Hạ Long lần này dù chỉ như một lát cắt nhỏ vẫn có thể giúp cho ta thấy sức mạnh tiềm tàng luôn sống động của một bề dày truyền thống.