Cần 4 cổ vật Chăm cho một cuộc trưng bày, Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) đã từng phải cử hẳn một đoàn cán bộ sang trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh và cán bộ văn hóa Quảng Nam để "mượn", với những điều kiện khắt khe về vận chuyển, trưng bày cổ vật. Vậy mà có người miệt mài hơn 30 năm sưu tầm cổ vật Chăm, để rồi đến một ngày bất ngờ... tự nguyện mang bộ sưu tập cá nhân ấy đi gửi tại bảo tàng tỉnh, chuyện xảy ra lần đầu tiên ở Quảng Nam.
Cần 4 cổ vật Chăm cho một cuộc trưng bày, Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) đã từng phải cử hẳn một đoàn cán bộ sang trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh và cán bộ văn hóa Quảng Nam để "mượn", với những điều kiện khắt khe về vận chuyển, trưng bày cổ vật. Vậy mà có người miệt mài hơn 30 năm sưu tầm cổ vật Chăm, để rồi đến một ngày bất ngờ... tự nguyện mang bộ sưu tập cá nhân ấy đi gửi tại bảo tàng tỉnh, chuyện xảy ra lần đầu tiên ở Quảng Nam.
30 năm "gom" cổ vật
|
Ông Hoàng Y bên cổ vật Chăm |
Đến tháng 3.2007, sau ba đợt vận chuyển, hàng trăm hoa văn, họa tiết, phù điêu... Chăm của một cá nhân đã cất giữ hơn 2 năm tại kho lưu trữ của Bảo tàng Quảng Nam. Tất cả bắt đầu từ một đề nghị "lạ": xin chuyển cổ vật vào bảo tàng. Người gửi là Hoàng Y, Trưởng phòng VH-TT TP Tam Kỳ. Giờ thì khâu kiểm kê, chụp ảnh, đánh số hiện vật để làm thành bộ sưu tập riêng về cổ vật Chăm được ông Hoàng Y cất công sưu tầm từ trước năm 1975 đã cơ bản hoàn tất. Ông Hoàng Y nói vui, các cổ vật sưu tập cá nhân ấy đang được làm "hộ chiếu", tức lập hồ sơ lý lịch, khảo tả...Vốn sẵn đam mê cổ vật Chăm, nhưng phải đến khi người dân quanh khu tháp Lạng ở vùng Tam Xuân (Núi Thành) thi thoảng vẫn nhặt được cổ vật rơi vãi trong quá trình sản xuất thì Hoàng Y nghĩ đến chuyện thu gom, cất giữ. Đó là giai đoạn trước năm 1975, khi ấy cổ vật chưa thấy ai quản lý, thậm chí đến những năm 80 của thế kỷ XX đôi lúc lại rộ lên những đợt mua bán trái phép cổ vật... Trong giai đoạn đó, Hoàng Y cùng một số bạn bè, người thân sưu tầm thêm nếu có dịp. Đến khi tham gia làm cán bộ trong ngành văn hóa, nhiều lần chính Hoàng Y đã phản ánh về tình trạng cổ vật không được quản lý chặt chẽ hay khoanh vùng bảo vệ. "Đã có những đối tượng tranh thủ bới tìm và mang ra khỏi Quảng Nam nhiều hiện vật quý. Thấy họ "khai thác" mà mình sốt ruột" - ông Y nói. Tiếc, nên ông cũng năng đi "gom" các hiện vật sứt mẻ rơi vãi, hay nghe ngóng người dân nào đó vừa phát hiện một hiện vật mới là tìm đến ngay.
|
Một số hiện vật Chăm trong bộ sưu tập cá nhân |
Dần dà, tại nhà riêng hay kho chứa nơi ông từng công tác trước đây (Trung tâm VH-TT TP Tam Kỳ) đã xếp đầy những hiện vật Chăm. Cũng đã có lúc anh bị báo chí "nhắc nhở" khi những cổ vật được sắp xếp tại những vị trí không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Nhưng cái "máu" mê cổ vật cứ thôi thúc. Bất kể là hiện vật lớn hay nhỏ, sứt bể hay lành lặn, trong mắt ông đều quý giá. "Sức hấp dẫn của cổ vật thật khó cắt nghĩa. Mỗi khi tìm thấy một món mới, tôi thức suốt đêm để lau chùi, ngắm nghía. Nhìn vào đó, tôi càng tôn trọng thành quả lao động sáng tạo của tiền nhân cùng với một ý niệm phải cất giữ những di sản". Hoàng Y còn bảo, có bao nhiêu tiền anh đều đổ cả vào các "cuộc chơi" sưu tầm cổ vật. Trong hơn 30 năm âm thầm sưu tầm, có những lúc anh phải chấp nhận "đền bù" cho những luống đậu bị hư hại khi dùng xe vận chuyển cổ vật bắt buộc phải đi ngang qua...
Đam mê chưa dứt...
|
Vận chuyển cổ vật vào Bảo tàng |
Những cổ vật Chăm cũng mang lại không ít rắc rối cho Hoàng Y. Từ chuyện sưu tầm mang về lại không có điều kiện trưng bày, bảo quản, đến những vị khách không mời cứ gõ cửa hỏi mua cổ vật với giá cao... "Tôi không phải tiếc công tiếc của khi mang cổ vật đi gửi, bởi nếu có ý định bán thì đã... bán từ lâu rồi. Trong khi nhiều người dân bình thường cũng có ý thức giữ gìn, sẵn sàng trao lại cho mình và chỉ nhận một khoản bồi dưỡng nho nhỏ thôi. Cổ vật là tài sản của quốc gia, mình chỉ là người có công lưu giữ, và rất có thể sẽ hỗ trợ phần nào cho công tác quảng bá, giới thiệu cổ vật sau này" - Hoàng Y tâm sự. Dù đã mang cổ vật đi gửi, nhưng ông vẫn chưa dứt đam mê sưu tầm. Anh bảo, dưới lòng hồ Phú Ninh hay khu vực miếu Ông Nghè (Tiên Lãnh), vùng gần bến sông bến thuyền xưa... nhất định sẽ ẩn chứa nhiều cổ vật Chăm khác nữa.Chuyện Hoàng Y xin gửi cổ vật sang bảo tàng tỉnh được cán bộ phụ trách ở đây rất hoan nghênh bởi lần đầu tiên ở Quảng Nam mới có một cá nhân sưu tầm tự nguyện như vậy. Bảo tàng tỉnh cũng lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận với những trường hợp tương tự nếu chủ nhân thiếu điều kiện bảo quản, lưu trữ hiện vật. Trong khi đó, Hoàng Y cũng gửi một "thông điệp" khác đến những cá nhân lưu giữ hay sưu tập cổ vật riêng, nên phối hợp để tìm một nơi trưng bày cá nhân dưới sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước. Hình thức lập thành bộ sưu tập riêng và xây dựng phòng trưng bày tư nhân vẫn được Hoàng Y ấp ủ bấy lâu. Ý định của Hoàng Y có lẽ đã trùng khớp với vài cá nhân đam mê sưu tầm cổ vật khác ở Quảng Nam khi ở Hội An đã có một số người đã đánh tiếng xin lập bảo tàng tư nhân.